Công việc thường xuyên phải tiếp nhận những bệnh nhân mắc ung thư tới khám và điều trị, bác sĩ Thân Văn Thịnh, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã nhận được không ít những câu hỏi có 1 không 2 từ bệnh nhân.
Tuy nhiên điều mà bác sĩ Thịnh thường tiếc nuối nhất cho bệnh nhân là đến quá muộn, hiểu không đúng về căn bệnh ung thư đã bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh.
Bệnh nhân nữ 55 tuổi đến Bệnh viện Ung bướu Hà Nội khám trong tình trạng ra máu âm đạo. Bệnh nhân được khám và chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn IV (gia đoạn muộn). Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư cổ tử cung có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm.
Theo bệnh nhân từ trước đến nay sức khỏe tốt nên đã không đi khám sức khoẻ. Khi bệnh nhân có dấu hiệu rõ ràng đi khám thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn. Khi biết mình mắc bệnh ung thư bệnh nhân nghĩ mình bị lây bệnh và hỏi bác sĩ ung thư có lây hay không? Đây là câu hỏi khá phổ biến mà bác sĩ được bệnh nhân đến khám thắc mắc.
Bác sĩ Thịnh đang khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ Thịnh cho hay: "Ung thư là căn bệnh không lây. Tuy nhiên, một số nguyên nhân gây bệnh có thể lây, ví dụ như: Virus HPV là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung lây qua đường quan hệ tình dục, virus gây VGB-C gây ung thư gan, virus EBV gây ung thư vòm...
Những tác nhân kể trên đều có thể dự phòng được bằng vắc xin và ăn uống sinh hoạt lành mạnh".
Ung thư cổ tử cung là ung thư tiến triển chậm thường do papillomavirus ở người (HPV) gây ra lây lan qua đường tình dục.
Thông thường khi mắc phải HPV không gây ra các triệu chứng cho đến giai đoạn muộn. Việc chẩn đoán nhiễm HPV có thể được phát hiện bằng phết tế bào Pap hoặc sinh thiết để tầm soát. Ung thư cổ tử cùng điều trị hiệu quả hơn trong giai đoạn đầu bằng phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Bác sĩ Thịnh cho biết thêm: "Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư có thể phòng ngừa được. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm quan hệ tình dục an toàn, tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV và xét nghiệm Pap smear thường xuyên có thể xác định những thay đổi tiền ung thư sớm".
Mới đây, bác sĩ Thịnh cũng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam tới viện khám và được chẩn đoán ung thư thực quản gia đoạn IV. Bệnh nhân trước đó có hai người bạn chơi cùng mắc ung thư lưỡi và thực quản. Khi biết mình bị mắc ung thư bệnh nhân nghĩ ngay tới việc mình bị lây.
Bác sĩ Thịnh đã phải giải thích cho bệnh nhân hiểu căn bệnh ung thư của bệnh nhân không lây mà có liên quan tới thói quen sinh hoạt của bệnh nhân. Đa phần các căn bệnh ung thư đường tiêu hóa trên đều gặp ở những bệnh nhân nghiện rượu, ăn uống thiếu khoa học.
Ung thư phát hiện sớm cơ hội điều trị khỏi sẽ cao. Cách đơn giản nhất để phát hiện ung thư sớm người dân nên có thói quen khám và tầm soát bệnh định kỳ
Đối với phụ nữ nên chủ động đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần. Nam giới cần lưu ý nguy cơ ung thư phổi, ung thư vùng đầu, cổ, ung thư đường tiêu hóa. Nhóm nguy cơ cao mắc bệnh là người từ 40 tuổi trở lên, đặc biệt sau 50 tuổi.