Ukraine cương quyết không rút quân khỏi Bakhmut
Trận chiến Bakhmut ở Ukraine (Nga gọi là Artemivsk, Artemovsk) là một trong các trận đánh dài nhất, đẫm máu trong xung đột Nga - Ukraine.
Cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Nga trong vòng nửa năm qua đã biến Bakhmut trở thành địa điểm diễn ra tác chiến đô thị ác liệt nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới Thứ hai.
Hiện quân Nga đang bao vây thành phố này từ ba hướng đông, nam và bắc, lực lượng đồn trú ít ỏi của Ukraine đã bị dồn đến một góc nhỏ phía tây thành phố Bakhmut và chỉ còn kiểm soát được một con đường tiếp tế nhỏ, lầy lội, lại bị đặt dưới làn đạn pháo của Nga.
Thế nhưng, bất chấp việc diện tích kiểm soát đang ngày càng co hẹp lại, điều kiện tác chiến tồi tệ khi thiếu quân, thiếu đạn dược, lại bị Nga áp đảo cả về lực lượng lẫn hỏa lực, lực lượng Ukraine vẫn cương quyết cố thủ, không chịu đầu hàng hoặc rút lui sau 10 tháng cố thủ ở pháo đài này.
Theo hãng tin Ukraine Ukrinform đã đưa tin trước đó, lực lượng Nga hiện đã tập trung toàn bộ lực lượng tấn công chuyên nghiệp của nhóm quân sự tư nhân Wagner và lực lượng chính quy vào bốn trục ở khu vực phía đông đất nước là Maryinka, Lyman, Bakhmut và Avdiivka, trong đó, trọng tâm đánh chiếm là Bakhmut.
Ông Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine hôm 14/4 tuyên bố rằng, mặc dù Nga đang tập trung lượng binh lực lớn ở cả bốn hướng nhằm bao vây Bakhmut, nhưng Lực lượng Vũ trang Ukraine không có ý định rút khỏi thành phố chiến lược này.
Quân đội Ukraine chỉ còn kiểm soát được một phần khu vực Tây Bakhmut
Ông khẳng định rằng, nếu các chỉ huy quân đội chưa ra lệnh rút khỏi Bakhmut, các quân nhân Ukraine sẽ không rút lui ở bất cứ đâu, không đầu hàng bất cứ ai. Nhưng trong trường hợp một mối đe dọa lớn hơn, quân đội sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Trả lời câu hỏi liệu hành động của Nga có thể hiện ý định bao vây Avdiivka hay không, ông Danilov cho biết các tướng lĩnh và quân nhân Ukraine chuyên nghiệp, thiện chiến, có kinh nghiệm tiến hành chiến tranh từ năm 2014 đang trấn thủ ở khu vực này. Vì vậy, ngay khi một mối đe dọa bất ngờ xuất hiện, quyết định đúng đắn sẽ được đưa ra ngay lập tức.
Ukraine hy sinh Bakhmut để giam chân Nga, tái cơ cấu lực lượng?
Theo một số quan chức Ukraine, một số đồng minh phương Tây trong thời gian qua đã bày tỏ sự nghi ngờ về quyết định của Ukraine tập trung tăng viện lực lượng và vũ khí, trang bị để quyết tâm giữ bằng được từng tấc đất trong một thành phố đã hoang tàn đổ nát do đạn pháo.
Chính quyền Kiev đang phải trả giá đắt cho việc cương quyết không ra lệnh rút lui ở Bakhmut. Quân đội Ukraine tiếp tục triển khai các đơn vị nhỏ tham gia các trận đánh giằng dai trong thành phố, nhưng phải triển khai binh lực lớn tới hàng ngàn quân để bảo vệ tuyến tiếp tế.
Thậm chí đã có những so sánh trận đánh bảo vệ Bakhmut của Ukraine với chiến dịch phòng thủ Stalingrad hay cuộc vây hãm của quân Nga và lực lượng trung thành với Damascus ở thành phố Aleppo-Syria.
Bất chấp sự khập khiễng về quy mô, giới chức Kiev cho rằng, việc cố thủ trong điều kiện khắc nghiệt ở Bakhmut là một chiến lược sáng suốt, nhằm giam chân phần lớn binh lực quân Nga trong một trận đánh tiêu hao dai dẳng, tạo điều kiện để Ukraine có thể tái cơ cấu binh lực cho cuộc phản công sắp tới.
Đại tá Pavlo Palisa - Tư lệnh Lữ đoàn cơ giới 93 đã chia sẻ với phóng viên New York Times tại một hầm ngầm chỉ huy trong lúc các binh sĩ đang tổ chức phòng thủ rằng, đây là một trận chiến thực sự gian nan, nhưng binh sĩ Ukraine không hề nhụt chí.
Theo vị chỉ huy đơn vị Ukraine nắm giữ hầu hết tiền tuyến đô thị trong giao tranh ở Bakhmut, việc đơn vị của ông quyết phòng thủ ở Bakhmut có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi họ đang giúp các đơn vị khác có thêm thời gian, để tiếp nhận đạn dược, vũ khí và chuẩn bị cho phản công.
Theo giới phân tích, việc chính quyền Kiev cương quyết giữ Bakhmut, khiến Nga hầu như sa lầy trong cuộc chiến đô thị kéo dài nửa năm qua là một quyết định có tính toán về mặt quân sự, chứ không hẳn là một hành động cùng quẫn, mang ý nghĩa tinh thần, như Moscow vẫn tuyên truyền.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard sẽ là nòng cốt của các Lữ bộ binh Cơ giới mới của Quân đội Ukraine
Điều này thể hiện rõ ràng trong thời gian qua, khi Ukraine liên tục tiếp nhận vũ khí, trang bị mới từ phương Tây, hoàn thành công tác huấn luyện binh sĩ và đang tái cơ cấu lực lượng theo tổ chức biên chế NATO, nhằm chuẩn bị cho một cuộc phản công mang tính quyết định đến thành bại của cả cuộc chiến.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hôm 13/4 tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với kênh Fox News của Mỹ rằng, chính phủ Ukraine hiện đang tập trung vào việc chuẩn bị binh lực cho một cuộc phản công để giải phóng các phần lãnh thổ của mình đã bị quân Nga chiếm, kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt hồi cuối tháng 2/2022.
Theo ông, chính quyền Kiev đang đoàn kết chặt chẽ với các đồng minh và đối tác, đặc biệt là Hoa Kỳ. Ukraine tin chắc rằng mình đang đi đúng hướng trong việc chuẩn bị một cuộc phản công chiến lược, giải phóng phần lãnh thổ của đất nước đang bị xâm chiếm và giành chiến thắng trước Nga.
Ukraine thành lập 12 Lữ đoàn cơ giới cơ động cao
Trong bối cảnh đó, giới chức quân sự Ukraine liên tiếp báo tin về việc tiếp nhận vài chục chiếc xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất, từ các nước đồng minh châu Âu đã mua loại xe tăng này.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksandr Pavliuk thông báo với giới truyền thông rằng, tiểu đoàn đầu tiên của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã hoàn thành khóa huấn luyện tại một căn cứ của Mỹ ở Đức để vận hành xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley (IFV) do Mỹ viện trợ.
Tiểu đoàn Ukraine đầu tiên đã hoàn thành huấn luyện với xe chiến đấu bộ binh IFV M2 Bradley
Cùng với các xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây như M1 Abrams, Leopard 2, Challenger 2…, xe chiến đấu bộ binh (IFV) M2 Bradley là phương tiện mạnh mẽ, có tính cơ động cao, được biên chế trong thành phần một Lữ đoàn Bộ binh Cơ giới - mũi nhọn xung kích trong các cuộc chiến trên bộ.
Hiện nay, Kiev đang thành lập các lữ đoàn đột kích mới trang bị các phương tiện bọc thép phương Tây. Lữ đoàn sẽ bao gồm các tiểu đoàn cơ giới trang bị xe bọc thép M2 Bradley của Mỹ hoặc xe bọc thép chở quân Stryker; tiểu đoàn xe tăng và tiểu đoàn pháo 155 mm.
Việc tái cơ cấu lực lượng và phương tiện theo hướng cơ động nhanh, hỏa lực mạnh theo kiểu phương Tây sẽ khiến Quân đội Nga phải đối đầu với “đội quân NATO” thực sự.
Theo các tài liệu bị rò rỉ trên mạng xã hội những ngày qua, về kế hoạch của Hoa Kỳ và NATO bí mật chuẩn bị tổ chức lực lượng và trang bị cho 9 lữ đoàn đột kích cơ giới của Lực lượng Vũ trang Ukraine cho cuộc tấn công mùa xuân. Sau đó, sẽ tiếp tục tiến hành đào tạo thêm 3 lữ đoàn nữa.
Tài liệu mật bị rò rỉ nói rằng, 6 trong số 9 lữ đoàn kể trên dự kiến sẽ sẵn sàng vào ngày 31 tháng 3, các đơn vị còn lại sẽ ra mắt vào ngày 30 tháng 4.
Tổng số vũ khí cần thiết cho 9 lữ đoàn là 253 xe tăng, 381 xe bọc thép bánh xích và 480 xe bánh lốp; 147 khẩu pháo và 571 HMMWV bọc thép.
Ukraine sẽ thành lập 12 Lữ đoàn Bộ binh Cơ giới theo tiêu chuẩn phương Tây
Nếu kế hoạch triển khai đúng kế hoạch thì đến tháng 5, Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ sẵn sàng thực hiện các chiến dịch phản công quân Nga, với lực lượng gồm 12 lữ đoàn bộ binh cơ giới có tính cơ động cao, hỏa lực mạnh.
Với những thông tin xuất hiện trên truyền thông trong những ngày qua, khả năng là Ukraine sẽ không đạt được tiến độ này, kế hoạch phản công có thể bị lùi lại một thời gian ngắn. Thế nhưng sau đó, sự xuất hiện của hàng chục lữ bộ binh cơ giới ở tiền tuyến Donbass thực sự là điều không thể xem nhẹ.
Các lữ đoàn này có thể không giúp Kiev giành lại hết các vùng đất đã mất vào tay Nga, nhưng có thể giúp quân đội Ukraine đột phá đánh chiếm lại một vài cứ điểm quan trọng ở các vùng Nga đang kiểm soát ở phía nam, ví dụ như Kherson, Zaporizhzhia (Zaporozhye)… hoặc đột kích phá vỡ vòng vây của quân Nga tại một số thị trấn then chốt ở Donetsk hay tái chiếm lại một vài thành phố ở Lugansk.
Điều này sẽ khiến cục diện chiến sự ở Donbass lâm vào tình thế giằng co không có lợi cho Nga, khiến Moscow sa lầy trong một cuộc chiến tranh tiêu hao và phải đi tới một thỏa thuận ngừng bắn.
Như vậy, các lữ bộ binh cơ giới mới của Quân đội Ukraine có thể giúp Kiev giành được một số thắng lợi nhất định trên chiến trường, giúp nước này ngồi vào bàn đàm phán với Nga trong thế không quá yếu, để đạt được những kết quả khả quan trong thỏa thuận ngừng bắn hay hiệp định hòa bình.