Công nghiệp UAV Iran tiến bước mạnh mẽ bất chấp khó khăn
Iran thời gian qua đối mặt với tình trạng bất ổn trong nước và bế tắc trong đàm phán hạt nhân với cả Mỹ lẫn châu Âu.
Mặc dù vậy, vẫn có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy chương trình quân sự của Iran vẫn đang tiến bước. Giới quan sát đánh giá, tham vọng khu vực của Iran ở Trung Đông cũng gia tăng cùng với tiến bộ trong chương trình vũ khí của nước này.
Vào cuối tháng 9/2022, quân đội Iran mở một cuộc tiến công vào các lãnh thổ của người Kurd ở nước Iraq láng giềng. Cuộc tiến công này sử dụng các UAV do Iran tự sản xuất và kế đó là các loạt tên lửa. Mục tiêu tấn công là trung tâm chính trị Erbil của người Kurd ở Iraq.
Bề ngoài, người ta cho rằng cuộc tấn công như thế này là nhằm phân tán sự chú ý khỏi các vấn đề nội bộ của Iran cũng như để "trừng phạt" người Kurd ở Iraq vì đã ủng hộ người Iran biểu tình. Nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu của những thứ khác có thể sắp xảy đến.
Trước tiên, cần phải kiểm tra bước phát triển của chương trình UAV Iran. Bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế và nền kinh tế ảm đạm, việc phát triển nền công nghiệp UAV bền vững đã là một trọng tâm hàng đầu của giới chức Iran trong các năm gần đây.
Vào đầu thập niên 2010, người ta bắt đầu nhận ra rằng tham vọng đối ngoại của Iran và bước phát triển quân sự của nước này là không tương xứng với nhau. Tehran hiểu rõ rằng họ cần một vũ khí tinh vi hơn có thể dễ dàng sử dụng trong các cuộc xung đột bất đối xứng có sự tham gia của Iran.
Một trong các kết quả đáng lưu ý nhất của nhận thức này là chương trình đầu tư tiền bạc để phát triển các nền tảng không người lái rẻ tiền và có thể "xài" được. Các UAV trong chương trình này bao gồm loại thuần túy trinh sát, loại có thể phóng tên lửa không đối đất và loại cảm tử (đạn lượn).
Ở chiều ngược lại, vô số UAV do Iran thiết kế đã mang lại cho nước này một phổ rộng các lựa chọn chiến lược giúp họ theo đuổi vị thế cường quốc khu vực.
UAV Iran trong một cuộc diễn tập của nước này. Ảnh: Quân đội Iran.
Tầm ảnh hưởng của Iran nhờ vào UAV
Các kết quả của hoạt động đầu tư trên là rõ ràng. Thí dụ, các UAV Iran đã được lực lượng quân sự Houthi (Yemen) sử dụng trong vài năm liền để mở các cuộc tấn công vào lãnh thổ Saudi Arabia. Houthi được coi là lực lượng ủy nhiệm của Iran ở vùng Vịnh.
Sử dụng công nghệ của Iran, lực lượng Houthi cũng tạo ra thách thức cho cả Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Những bên hưởng lợi từ UAV Iran bao gồm không chỉ các bên ủy nhiệm của Iran như Houthi mà còn cả nước Nga thời Putin. Trong xung đột Ukraine hiện nay, Nga đã dựa đáng kể vào công nghệ UAV của Iran.
Trong các tuần gần đây, điện Kremlin đã xoay sang Tehan để bổ sung cho kho vũ khí chính xác của họ sau các trận chiến với Ukraine tiêu tốn nhiều đạn dược. Iran đã cung cấp cho Nga nhiều UAV để phục vụ mục đích tấn công hoặc thu thập dữ liệu về đối phương.
UAV Iran, đặc biêt là loại cảm tử, đang trở thành nhân tố chủ chốt trong chiến thuật tác chiến cường độ thấp của Tehran ( tác chiến cường độ thấp là tác chiến trong xung đột ở dưới mức chiến tranh quy ước - ND ).
Ở Iraq, các UAV Iran đóng vai trò như phương tiện hiệu quả về chi phí để gia tăng ảnh hưởng của nước này và phản ứng nhanh chóng với các diễn biến trên thực địa.
Trong khu vực rộng lớn hơn, năng lực đó mang lại cho Tehran sức mạnh đe dọa tàu hải quân của nước khác và hoạt động buôn bán dầu mỏ thiết yếu trung chuyển qua eo biển Hormuz.
Các chính phủ phương Tây đang dần thức tỉnh trước các thách thức không hề nhỏ từ UAV Iran. Dự luật Ngăn chặn UAV Iran, được thông qua tại Hạ viện Mỹ mùa thu năm 2022, là một trong các phản ứng của Mỹ nhằm ngăn ngừa Iran và các bên ủy nhiệm của họ sở hữu công nghệ vũ khí chết người này.
Nhưng biện pháp pháp lý này của Mỹ đã chết yểu trước khi trở thành luật do tranh cãi giữa Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Kết quả là, hiện nay không có luật nào trong các cuốn sách tại Quốc hội Mỹ nhắm vào ngành công nghiệp UAV đang phát triển mạnh mẽ của Iran cũng như các bên hưởng lợi tiềm tàng từ đó.
Trước thực tế đó, nhánh hành pháp của Mỹ đã thực hiện một số bước để kiềm chế công nghệ UAV của Iran.
Cục Kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào các thực thể và cá nhân ở Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã vận chuyển cho Iran các linh kiện và vật liệu trọng yếu đối với hoạt động sản xuất và phát triển UAV của nước này.
Nhưng nhìn tổng thể, Mỹ vẫn bị đánh giá là chậm phản ứng trước sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp UAV Iran.
Trong bối cảnh đó, các đồng minh của Mỹ ở Iran có thể tự theo đuổi chiến lược riêng để kiềm chế năng lực UAV Iran. Một cuộc tấn công gần đây vào một nhà máy UAV của Iran chứng minh điểm này. Cuộc tấn công đó được cho là do Israel tiến hành.