Phương Tây đang hụt hơi trong nỗ lực viện trợ quân sự
Bất chấp việc Tổng thống Ukraine hối thúc phương Tây tăng cường viện trợ quân sự, giới phân tích cho rằng sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh khác trong NATO dành cho Kiev không chỉ có hạn mà sớm hay muộn cũng rơi vào tình trạng bế tắc khi kho dự trữ của những quốc gia này ngày càng cạn kiệt.
Cựu tư lệnh lực lượng không quân Mỹ tại châu Âu, ông Philip Breedlove cho rằng nếu sự hỗ trợ của phương Tây kết thúc, Ukraine sẽ khó đứng vững trong một cuộc chiến tiêu hao kéo dài .
Cùng chung quan điểm này, ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định: "Sự bế tắc và đình trệ trên chiến trường có thể mang lại lợi thế cho Nga".
Theo ông Mark Cancian, việc Ukraine trì hoãn kế hoạch phản công có thể khiến Nga có thêm thời gian để củng cố tuyến phòng thủ và tái cơ cấu lực lượng trên chiến trường, cũng như khiến các đối tác phương Tây phải đánh giá lại cam kết của họ với Kiev.
Hồi đầu tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius cho biết, Berlin khó có khả năng tiếp tục hỗ trợ quân sự với tốc độ hiện tại, do những khoảng trống hiện có trong kho dự trữ của Đức.
"Giống như các quốc gia khác, kho vũ khí của chúng tôi cũng có hạn. Vì thế chúng tôi không thể cho đi mọi thứ", ông Pistorius nói.
Còn tại Mỹ, dù chính quyền Tổng thống Biden thông qua gói viện trợ quân sự mới trị giá 2,6 tỷ USD dành cho Ukraine, nhưng sự ủng hộ của cử tri nước này dành cho Kiev đang có chiều hướng giảm.
Kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho thấy khoảng 48% số lượng cử tri Mỹ cho biết, họ ủng hộ mức viện trợ quân sự mà Washington dành cho Ukraine, trong khi vào tháng 5/2022, số lượng cử tri ủng hộ lên đến 60%.
Một quan chức Mỹ tiết lộ với Reuters rằng: "Tất cả mọi người đều muốn thấy xung đột sẽ sớm kết thúc". Nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa và những người tham gia tranh cử tổng thống Mỹ cũng chỉ trích quy mô của các gói viện trợ mà chính quyền Biden dành cho Ukraine.
Trước thực tế đó, chính phủ Ukraine đã tăng cường nỗ lực tuyển mộ binh sỹ, phê duyệt các biện pháp mới nhằm mở rộng lệnh triệu tập nam giới tham gia nghĩa vụ quân sự. Nga – hiện đang kiểm soát khoảng 1/5 diện tích lãnh thổ Ukraine cũng được cho là thực hiện các nỗ lực tương tự.
Một số báo cáo cho biết, quân đội chính quy của Nga và lực lượng quân sự tư nhân Wagner đã đạt được nhiều bước tiến mới ở các khu vực Tây Bắc và Tây Nam Bakhmut trong tuần này, cũng như ở trung tâm thành phố. Nga đã xây dựng các chiến hào mới, lắp đặt thêm nhiều ụ bê tông cốt thép chống tăng, được gọi là "Răng rồng" gần khu vực Sovkhoznoye ở Crimea.
Trong khi đó Moscow vẫn tiếp tục các cuộc pháo kích vào cứ điểm của Ukraine ở Kherson, Zaporizhia, Mykolaiv và Dnipropetrovsk.
Một binh sĩ Ukraine ẩn nấp trước tòa nhà bốc cháy và đổ nát ở Avdiivka. Ảnh: AP
Nga chuẩn bị đối phó với cuộc phản công của Ukraine
Những câu hỏi về cuộc phản công của Ukraine đã trở nên phức tạp hơn sau khi các tài liệu tình báo mật bị rò rỉ của Bộ quốc phòng Mỹ vẽ nên bức tranh ảm đạm về năng lực quân sự của Ukraine, cho rằng Kiev khó có thể thực hiện mục tiêu do thiếu hụt binh sỹ và đạn dược.
Điều này có thể khiến giới lãnh đạo Kiev thay đổi kế hoạch của họ. Một tài liệu tiết lộ: “Chiến lược của Kiev nhằm làm tiêu hao sinh lực của Nga tại Donbass có thể đang rơi vào bế tắc, cản trở mục tiêu giành quyền kiểm soát khu vực này từ tay Nga vào năm 2023”.
Theo thông tin bị rò rỉ, Ukraine đã thành lập thêm nhiều lữ đoàn mới để chuẩn bị cho cuộc phản công sắp tới.
Nếu Ukraine tiến hành phản công, thì Crimea có thể là nơi họ tập trung chú ý đầu tiên vì đây là khu vực đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động thương mại và tiếp tế của Nga, có giá trị to lớn về quân sự và chiến lược. Nhưng Nga dường như đang chuẩn bị đối phó với kịch bản này.
Ông Vadym Skibitskyi, đại diện Cục Tình báo quốc phòng của quân đội Ukraine nói rằng Nga đang chuẩn bị các hoạt động phòng thủ tại bán đảo này, sẵn sàng ứng phó với các cuộc tấn công bên trong và xung quanh Crimea. Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy Moscow đã xây dựng nhiều công sự kiên cố gần Crimea.
George Barros, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), cho rằng, ngoài việc nhắm mục tiêu Crimea, quân đội Ukraine cũng có thể chia cắt lực lượng Nga ở Crimea và Kherson khỏi các tuyến đường tiếp tế chính của họ chạy theo hướng đông tây đến cảng Rostov-on-Don ở Nga.
Bên cạnh đó, Ukraine có thể cố gắng phản công tại Bakhmut – nơi giao tranh diễn ra ác liệt suốt nhiều tháng qua.
“Để thực hiện hoạt động phản công ở phía Đông, Ukraine có thể không cần từ bỏ cuộc tấn công ở phía Nam. Trái lại các hoạt động này có thể tương trợ và bổ sung cho nhau như những gì họ đã thực hiện tại Kherson và Kharkov năm 2022”, chuyên gia George Barros nhấn mạnh.
Mặc dù phương Tây đang nỗ lực chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực và xe chiến đấu bộ binh cho Ukraine, nhưng ông Baross lưu ý, Kiev có thể cần nhiều phương tiện và vũ khí hơn để công phá các tuyến phòng thủ của Nga.
“Ukraine cần một lượng lớn xe tăng chiến đấu chủ lực để thành lập các lữ đoàn xe tăng mới, những lữ đoàn này sẽ đóng vai trò mũi nhọn cho lực lượng thiết giáp để có thể chọc thủng phòng tuyến của Nga. Ukraine cũng rất cần xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh để đưa bộ binh đến khu vực chiến đấu một cách an toàn”.