Mỹ nói có
Trong bản báo cáo mới được công bố của Trường đại học Mỹ Georgetown đã tiết lộ thông tin gây bất ngờ rằng, Trung Quốc có khả năng đã mua đoàn tàu hỏa tên lửa đạn đạo thử nghiệm của Liên Xô cũ, từng có trong biên chế của quân đội Ukraine và sau đó không còn thông tin về đoàn tàu hỏa chiến lược này.
Bản báo cáo dẫn nguồn từ một số bài viết của truyền thông Trung Quốc nói về món quà lớn của Ukraine tặng cho Trung Quốc dường như có thể giúp cho quân đội nước này không lo sợ hệ thống THAAD của Mỹ triển khai ở Hàn Quốc.
Từ sau khi Liên Xô sụp đổ cho đến nay, mặc dù "Yuzhmash" và phòng thiết kế "Yuzhnoe" không còn hoạt động nhưng vẫn còn sở hữu nhiều tài liệu về công nghệ sản xuất tên lửa. Tất nhiên, nhiều quốc gia đang phát triển chương trình tên lửa khát khao chiếm hữu các tài liệu đó.
Hình ảnh được cho là của đoàn tàu tên lửa Trung Quốc.
Trung Quốc bắt đầu quan tâm đến các công nghệ tên lửa của "Yuzhmash" và phòng thiết kế "Yuzhnoe" từ những năm 1990, sau sự tan rã của Liên bang Xô viết và Ukraine trở thành người thừa kế các viện thiết kế và cơ sở kỹ thuật quân sự đặt ở nước mình.
Tình trạng nghèo khổ của các chuyên gia khoa học- kỹ thuật ở nước Ukraine độc lập, nạn tham nhũng khổng lồ của các cơ quan an ninh nước này đã giúp Trung Quốc giải quyết vấn đề này với giá tương đối rẻ.
Có thể cho rằng, Bắc Kinh đã mua khá nhiều công nghệ chế tạo tên lửa từ xí nghiệp quốc phòng Yuzhmash và phòng thiết kế Yuzhnoe của Ukraine. Cũng đã có một số trường hợp công dân Trung Quốc bị bắt giữ khi họ cố gắng mua các tài liệu kỹ thuật của "Yuzhmash".
Nga nói không
Trước tiên, truyền thông Trung Quốc đề cập đến việc các công nghệ sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa và những điểm giống nhau giữa tên lửa mạnh nhất R-36M2 "Voevoda" được phát triển dưới thời Xô Viết và tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc.
Trong bài bình luận trên Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho biết, trong các bài báo đó có cả sự hư cấu và sự thật đan xen nhau. Tuy nhiên, không thể tìm thấy bất kỳ liên hệ nào giữa R-36M2 và DF-41 (CSS-X-10).
"Voevoda" là tên lửa đạn đạo liên lục địa khổng lồ, có tầm phóng xa rất xa (tối đa 16.000km), sử dụng nhiên liệu lỏng. Tên lửa có trọng lượng phóng siêu nặng (nặng tới 211 tấn), R-36M2 chỉ có thể được triển khai dưới hầm phóng, không thể triển khai trên các phương tiện cơ động.
Hình ảnh cho thấy Trung Quốc đang đưa DF-41 lên tàu hỏa.
Còn DF-41 là tên lửa đạo đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn, được thiết kế để có thể phóng từ bệ phóng đường sắt và đường bộ, có trọng lượng phóng nhẹ hơn rất nhiều (khoảng 80 tấn), tầm phóng thấp hơn so với R-36M2 (từ 12.000 - 14.000km).
Xét về 2 tiêu chí cơ bản của tên lửa đạn đạo liên lục địa là phương thức triển khai và nhiên liệu đẩy thì không thể tìm thấy điểm nào chung giữa ICBM thế hệ mới nhất của Trung Quốc DF-41 và loại tên lửa xuyên lục địa khủng khiếp của Liên Xô mà Mỹ và NATO gọi là SS-18 Satan.
Vũ khí Nga không phải nguyên mẫu của DF-41
Nếu nói về những điểm giống nhau với các loại tên lửa đạn đạo hiện đại của Trung Quốc thì phải nhắc đến một sản phẩm khác của xí nghiệp quốc phòng "Yuzhmash". Đó là tên lửa nhiên liệu rắn có thể phóng từ bệ phóng đường sắt RT-23 Molodets (mà NATO gọi là SS-24 Scalpel).
Giống như DF-41, Molodets là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn 3 tầng đẩy có thể mang theo tới 10 đầu đạn hạt nhân phân hướng, dẫn đường độc lập (MIRV).
Tuy nhiên, tổ hợp này đã được thiết kế ở Liên Xô gần 40 năm trước đây và được biên chê vào năm 1987 với tính năng không phải là quá hoàn hảo. Nguyên nhân chính là bởi vì khi đó Liên Xô cũng chưa chế tạo được nhiên liệu rắn chất lượng cao.
RT-23 có trọng lượng phóng lớn hơn so với DF-41 (khoảng 105 tấn), mà điều đó là một vấn đề lớn khi phóng từ bệ phóng đường sắt bởi xe lửa vận chuyển tên lửa loại này có thể làm hư hỏng đường ray. Các chuyên gia cũng không thể thiết kế phiên bản tên lửa có thể được phóng từ bệ phóng đường bộ.
Tầm bắn xa nhất của RT-23 Molodets chỉ là 10.000 km, mà theo tuyên bố của Trung Quốc DF-41 có tầm bắn xa hơn tới 4.000km. Vì vậy, RT-23 Molodets không phải là nguyên mẫu lí tưởng để Trung Quốc phát triển DF-41.
Do đó, không thể nói về những "điểm giống nhau" của tên lửa đạn đạo thế hệ mới Trung Quốc với các tên lửa mà các doanh nghiệp Ukraine hiện đang nắm giữ tài liệu kỹ thuật, mà đơn giản đó chỉ là sự tương đồng về kỹ thuật của các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn với nhau, Vasily Kashin nhấn mạnh.