Ukraine chính là đối tác giúp Việt Nam sửa chữa tăng hạn Su-27

Hải Dương |

Các chiến đấu cơ Su-27SK/UBK của Việt Nam hóa ra không phải được chuyên gia Nga hay Belarus hỗ trợ trong quá trình đại tu như nhiều người thường nghĩ.

Theo số liệu được Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố, trong giai đoạn 1995 - 1998 Việt Nam đã mua từ Nga 12 tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-27SK/UBK theo hai hợp đồng riêng lẻ có giá trị ước tính vào khoảng 200 triệu USD.

Với tuổi thọ khung thân 2.000 giờ bay (tương đương 20 năm phục vụ), đã tới thời điểm các chiến đấu cơ trên trải qua giai đoạn đại tu giữa vòng đời nhằm kéo dài thời hạn sử dụng.

Ukraine chính là đối tác giúp Việt Nam sửa chữa tăng hạn Su-27 - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-27SK/UBK của Việt Nam khi mới tiếp nhận

Hiện tại Nga đang rất tích cực chào hàng tới các đối tác nước ngoài những gói đại tu, nâng cấp dành cho tiêm kích Su-27, trong đó tập trung vào việc cải tiến thiết bị điện tử hàng không, tăng cường tính đa nhiệm. 

Cụ thể là hiện đại hóa Su-27SK lên chuẩn Su-27SKM, hay Su-27UBK thành Su-27UBM với tính năng kỹ chiến thuật được đánh giá gần như tiệm cận Su-30MK2.

Do là đối tác quốc phòng lớn nhất của Việt Nam đồng thời lại chính là nhà cung cấp máy bay, hợp đồng sửa chữa lớn Su-27 tưởng như rất khó thoát khỏi tay người Nga.

Tuy vậy lại xuất hiện một diễn biến mới khi Việt Nam tỏ ý quan tâm đến lô chiến đấu cơ Su-30K mà Ấn Độ trả lại Nga và lưu trữ tại Nhà máy sửa chữa máy bay số 58 ở Belarus. 

Được biết khi phái đoàn quân sự cấp cao của ta sang thực địa đánh giá, phía bạn đã giới thiệu năng lực và chào hàng gói nâng cấp Su-27UBM1 không hề thua kém Su-27UBM của Nga.

Với những gì đã diễn ra, có lẽ tất cả mọi người đều nghĩ rằng đối tác nước ngoài giúp Việt Nam kéo dài thời hạn phục vụ của tiêm kích Su-27 chỉ gói gọn trong hai quốc gia trên.

Ukraine chính là đối tác giúp Việt Nam sửa chữa tăng hạn Su-27 - Ảnh 2.

Tiêm kích Su-27UBK số hiệu 8526 được sửa chữa tại Nhà máy A32

Thế nhưng trong phóng sự Nhà máy A32 làm chủ công nghệ hiện đại sửa chữa máy bay Su-27 phát trên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Thiếu tá Phạm Bá Nguyên - Trưởng phòng kỹ thuật của đơn vị lại cho biết, công việc được tiến hành với sự trợ giúp của các đoàn chuyên gia đến từ Ukraine.

Đây là thông tin tương đối gây bất ngờ nhưng cũng là điều hợp lý, khi trước đó phía bạn đã nhượng lại cho Việt Nam nhiều tài liệu liên quan đến công tác bảo trì, bảo dưỡng tiêm kích Su-27 với giá thành rẻ hơn rất nhiều mua trực tiếp từ Nga. Ưu thế về chi phí chính là yếu tố quyết định khiến chúng ta bỏ qua Nga hay Belarus để lựa chọn Ukraine.

Hiện chưa rõ Su-27 của Việt Nam có "tiện thể" được tiến hành nâng cấp giữa vòng đời lên chuẩn mới tiên tiến hơn hay không, nhưng do Ukraine chỉ đang khai thác các dòng Su-27 nguyên bản nên khả năng này tương đối khó xảy ra. 

Vì vậy nếu có nhu cầu cao hơn trong tương lai đối với tiêm kích Su-27 (thậm chí là cả Su-30MK2) thì gần như chắc chắn Việt Nam vẫn sẽ phải tìm về với đối tác truyền thống là Nga.

Xem video: Nhà máy A32 làm chủ công nghệ hiện đại sửa chữa máy bay Su-27. Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.

Nhà máy A32 làm chủ công nghệ hiện đại sửa chữa máy bay Su-27

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại