Ukraine bán Su-27 giá quá rẻ, liệu có cơ hội nào cho Việt Nam?

Hải Dương |

Theo trang su-27flanker.com, trong năm 2009, thông qua một công ty tư nhân có tên gọi Pride Aircraft, Không quân Mỹ đã mua được 2 tiêm kích Su-27UB từ Ukraine với giá rẻ giật mình.

Cụ thể, Pride Aircraft đã nhận từ Ukraine 2 chiếc tiêm kích Su-27UB mang số hiệu 31 và 32. Sau khi trải qua quá trình đại tu lớn, tình trạng của chúng gần như quay lại mốc "zero-time" (vừa rời khỏi dây chuyền lắp ráp).

Do được đăng ký như một máy bay dân sự phục vụ mục đích "nghiên cứu kỹ thuật hàng không" mà toàn bộ hệ thống vũ khí, radar, thiết bị trinh sát quang học... đều bị gỡ bỏ. Ước tính Su-27 đã bị bán với giá chỉ 5 triệu USD/chiếc, rẻ đến mức khó tin.

Hai chiếc tiêm kích chiếm ưu thế trên không này sau đó nhận giấy đăng ký phi cơ dân dụng mang số N131SU và N132SU.

Ukraine bán Su-27 giá quá rẻ, liệu có cơ hội nào cho Việt Nam? - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-27UB của Ukraine sau khi chuyển giao cho công ty Pride Aircraft của Hoa Kỳ

Tuy nhiên có thể dễ dàng nhận ra mục đích thực sự của thương vụ mua sắm vũ khí này, đó chính là phục vụ công tác huấn luyện phi công của Không quân Mỹ, vì ngay sau khi tiếp nhận, Pride Aircraft đã tuyên bố phá sản, đồng thời bán lại 2 chiếc tiêm kích trên cho một khách hàng giấu tên.

Trước kia do không có trong tay những tiêm kích Su-27 thực thụ của Liên Xô mà Mỹ phải sơn các máy bay F-15 hay F-5 của mình theo màu của Không quân Nga để triển khai trong Chương trình đào tạo cận chiến nâng cao (Top gun).

Ukraine bán Su-27 giá quá rẻ, liệu có cơ hội nào cho Việt Nam? - Ảnh 2.

Tiêm kích F-15 của Mỹ mang màu sơn tương tự Su-27

Nhưng với việc mua được 2 tiêm kích Su-27 từ Ukraine, các phi công Mỹ sẽ có một đối tượng tập huấn sát thực tế hơn, đồng thời họ cũng dễ dàng xác định được ưu nhược điểm của dòng máy bay này một cách chính xác nhất để đưa ra phương án đối phó thích hợp.

Trong biên chế Không lực Hoa Kỳ, Su-27 đã được lắp đặt thiết bị dẫn đường cùng phần mềm điều khiển mới theo chuẩn phương Tây, đi kèm với toàn bộ thiết bị điện tử hàng không do Mỹ sản xuất. Tuy vậy các thành phần cơ bản vẫn được giữ nguyên.

Ukraine bán Su-27 giá quá rẻ, liệu có cơ hội nào cho Việt Nam? - Ảnh 3.

Bảng điều khiển của Su-27UB đã được thay đổi toàn bộ các ký tự từ hệ Kirin sang hệ Latin

Sau khi nghiên cứu trường hợp trên thì phát sinh một câu hỏi đó là liệu Việt Nam có nên mua lại một số tiêm kích Su-27 từ Ukraine để bổ sung cho các đơn vị không quân tiêm kích, mà cụ thể ở đây là trường hợp của Trung đoàn 925 khi đơn vị này chỉ còn trong biên chế 10 máy bay có thể hoạt động.

Không quân Ukraine hiện vẫn đang lưu giữ trong kho hơn 50 chiếc Su-27 các biến thể, do kinh tế suy thoái và nhu cầu đối với tiêm kích đánh chặn tầm xa là rất ít nên gần như chắc chắn 100% họ sẽ bán lại cho đối tác nào hỏi mua.

Nếu được đại tu khung thân trở về trạng thái "zero-time" (2.000 giờ bay hoặc 20 năm sử dụng), đi kèm với đầy đủ hệ thống điện tử thì đơn giá của Su-27 secondhand sẽ không thể ở mức chỉ 5 triệu USD như hợp đồng bán cho Pride Aircraft, nhưng cũng không thể cao như máy bay mới sản xuất.

Do vậy, nếu thực sự muốn kiện toàn biên chế cho các đơn vị không quân, Việt Nam nên tính tới phương án mua lại Su-27 giá rẻ của Ukraine!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại