Như đã biết, chiếc Su-27PU số hiệu 8526 được Nga chuyển giao cho Việt Nam để đền bù vụ tai nạn xảy ra với máy bay vận tải An-124-100, khiến 2 tiêm kích Su-27UBK nó mang theo bị phá hủy hoàn toàn.
Su-27PU với khả năng sử dụng vũ khí tấn công mặt đất độ chính xác cao có thể được xem như biến thể đầu tiên của dòng tiêm kích đa năng Su-30 sau này.
Tiêm kích Su-27PU số hiệu 8526 của Không quân Việt Nam
Do đã vào biên chế Không quân Nhân dân Việt Nam từ năm 1998, với tuổi thọ khung thân 2.000 giờ bay, Su-27PU cũng như Su-27SK/UBK đã đến thời điểm yêu cầu được đại tu kéo dài thời hạn sử dụng.
Những hình ảnh của chiếc Su-27PU số hiệu 8526 trong quá trình sửa chữa lớn tại nhà máy A32 của Quân chủng Phòng không - Không quân đã xuất hiện trên báo Quân đội nhân dân từ năm ngoái, điều đó cho thấy Việt Nam đã đủ năng lực tự sửa chữa lớn dòng tiêm kích tối tân này.
Sửa chữa tăng tổng niên hạn sử dụng tiêm kích Su-27 tại nhà máy A32
Thông thường, quá trình đại tu, tăng tổng niên hạn sử dụng thường đi kèm với các gói nâng cấp giữa vòng đời (Mid-Life Upgrade - MLU) nhằm mang lại sức mạnh mới cho các máy bay chiến đấu.
Nga đã đưa ra 2 cấu hình hiện đại hóa là Su-27SKM và Su-27UBM dành cho Su-27SK/UBK nhằm biến những chiếc tiêm kích phòng không này thành máy bay chiến đấu đa nhiệm có năng lực tác chiến được đánh giá không hề thua kém Su-30MK2.
Do vậy trong quá trình đại tu tại nhà máy A32, liệu chiếc Su-27PU trên có "tiện thể" được nâng cấp lên một chuẩn mới hiện đại hơn?
Tiêm kích Su-27PU số hiệu 8526 với màu sơn mới tương tự Su-30MK2
Theo những hình ảnh mới nhất, chiếc Su-27 8526 đã hoàn tất quá trình sửa chữa lớn và quay lại biên chế chiến đấu với một màu sơn khác, bề ngoài trông rất giống tiêm kích Su-20MK2.
Sự thay đổi này chỉ đơn thuần là chuẩn hóa lại màu sắc các máy bay chiến đấu thuộc họ Flanker của Việt Nam, hay thực sự nó đã được nâng cấp lên chuẩn Su-27UBM với sức mạnh tương đương Su-30MK2?
Câu trả lời cụ thể sẽ cần có thêm thời gian để khẳng định chính xác, nhưng một điều chắc chắn là Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng đối với dòng tiêm kích Su-27 Flanker, mở ra triển vọng áp dụng trên toàn bộ những chiếc còn lại.
Điều này cũng đồng thời giải đáp luôn thắc mắc vì sao Nga lại không đặt trung tâm bảo dưỡng máy bay Sukhoi tại Việt Nam nữa mà phải chuyển qua Thái Lan, sẽ là thừa thãi nếu đặt ở một quốc gia đã tự chủ hoàn toàn quy trình trên.
Xem video: Nhà máy A32 làm chủ công nghệ hiện đại sửa chữa máy bay Su-27. Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.
Nhà máy A32 làm chủ công nghệ hiện đại sửa chữa máy bay Su-27