Sáng 13/6, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM đã cấp cứu thành công cho anh N.H.D. (41 tuổi, nhà ở Quận 7, TP.HCM).
Theo bác sĩ cấp cứu, nếu anh D. đến bệnh viện trễ 10 phút, anh sẽ tử vong vì nghẹt thở do bệnh viêm thanh thiệt cấp phù nề.
Cách đây vài ngày, anh D. ăn cơm với cá. Sau đó anh có cảm giác đau họng, nuốt khó nhưng nghĩ bị mắc xương cá nên cố gắng tìm cách khạc xương ra.
Hơn nữa, vì mưu sinh nên anh D. không đến bệnh viện kiểm tra mà cố gắng chịu đựng đau đớn.
Và trong lúc đang bán hàng ngoài đường thì anh cảm thấy khó thở, các cơn đau cổ họng dồn dập đến nỗi anh không thể đứng vững nên nhờ người nhà đưa đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM để… gắp xương.
Bệnh tiến triển quá nhanh, trên đường đi anh D. đã không thể trụ nổi, suy kiệt nặng.
Cổ họng anh D. bị phù nề và tổn thương nặng vì bệnh viêm thanh thiệt cấp.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Quang Tú, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết: "Anh D. đến bệnh viện khi cơ thể đã tái tím, mạch và huyết áp không đo được. Bệnh nhân ngưng thở, tim suy yếu.
Cổ họng phù nề nặng, chúng tôi vừa cấp cứu vừa phát báo động đỏ để các bác sĩ có thể hỗ trợ ngay. Nếu bệnh nhân vào bệnh viện trễ 10 phút, anh D. sẽ tử vong, mà có cứu được, bệnh nhân cũng chết não và sống đời thực vật".
Theo bác sĩ Tú, ngay khi tiếp nhận anh D., các bác sĩ lập tức đặt nội khí quản, xoa bóp ngoài lồng ngực cùng các biện pháp cấp cứu khẩn cấp khác.
Tuy nhiên, anh D. vẫn không thể thở lại được nên phải mở nội khí quản, dùng thuốc chống phù nề. May mắn, khi mở nội khí quản, anh D. có dấu hiệu sống trở lại.
Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện, anh D. không phải bị mắc xương cá như người nhà khai, mà lại bị viêm phù nề thanh thiệt cấp. Đây là căn bệnh nguy hiểm có thể lấy đi tính mạng chỉ trong một giờ nếu bệnh trở nặng.
Hiện tại, anh D. đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe đang dần hồi phục tốt. Anh tỉnh táo, ăn, uống bình thường. Tuy giọng còn khàn, nói chuyện khó khăn nhưng anh vẫn nói chuyện được với người xung quanh.
Một người bị viêm "nắp" thanh quản cấp phù nề thì "nắp" thanh quản không thể "bật" lên, nó đóng chặt khiến bệnh nhân không thể thở được, gây suy hô hấp.
Bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 30 phút đến 1 tiếng nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời".
Theo bác sĩ Thủy, TP.HCM đang vào thời điểm giao mùa; do đó bệnh viêm thanh thiệt cấp có thể xảy ra với bất kỳ người nào, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Nếu bé ăn vô khóc ré lên vì đau họng, khó nuốt, sặc khi bú hoặc uống nước, nói chuyện khó khăn, nhăn mặt vì đau phải đưa trẻ đến bệnh viện.
"Tuy bệnh này ít xảy ra với người lớn, nhưng nếu người bệnh bị cảm cúm kèm dấu hiệu cổ họng đau rát, sưng to, hoặc bị hóc xương lâu ngày gây viêm nhiễm hoặc bỗng nhiên ngủ dậy bị khàn tiếng nặng, đau họng dữ dội, đau đến khó thở, đau đến mức phải ôm cổ để thở,… cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Khi đã phát bệnh, bệnh nhân bị viêm thanh thiệt cấp phù nề có nguy cơ tử vong rất cao", bác sĩ Thủy khuyến cáo.