Tưởng con đau bụng kinh
Bé T.A.T (10 tuổi, trú tại Khu 6, xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập) nhập viện trong tình trạng bụng chướng to.
Theo gia đình bé T, khoảng 1 tháng nay, bụng bé T có dấu hiệu to lên bất thường. Ban đầu, gia đình nghĩ cháu tăng cân nên không đưa đi kiểm tra ngay. Đến khi bệnh tình có chuyển hướng xấu, gia đình mới hốt hoảng đưa cháu vào viện.
Tại bệnh viện, kết quả chẩn đoán ban đầu cho thấy, bệnh nhi có một khối u lớn dạng nang nằm trong ổ bụng, kích thước 10,7x20,4x26,3cm, thể tích 2.870ml. Sau khi, các bác sĩ hội chẩn, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật nội soi thăm dò ổ bụng.
Bệnh nhi đã được phẫu thuật cắt bỏ khối u vào buồng trứng bên trái, khối u xâm lấn gần hết ổ bụng và phát triển chèn ép các cơ quan lân cận.
Trường hợp của bé V.A.L (14 tuổi, quê Long An) được gia đình đưa đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khám vì thường xuyên đau bụng. Theo mẹ của bé, thấy con đau bụng thường xuyên đặc biệt vào chu kỳ kinh nguyệt. Mẹ cháu còn tưởng con đau bụng kinh nên cũng coi thường không cho con đi khám.
Khi tình trạng đau bụng nhiều hơn, chu kỳ kinh nguyệt của bé L kéo dài cả tháng, bé thấy mệt mỏi, chán ăn gia đình cho đi khám và bác sĩ chẩn đoán ung thư buồng trứng.
Bà Đỗ Thị N (quê Hải Hậu, Nam Định) cũng mắc ung thư buồng trứng cho biết, khoảng 1 năm trước, bà thường xuyên bị đi tiểu nhiều lần, 1 tháng 2 kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, bà N có tiền sử sỏi thận nên nghĩ do bệnh thận và chỉ cắt thuốc nam về uống.
Kết quả gần đây tình trạng đau bụng nhiều, mỗi lần đi tiểu đau tức ở bụng dưới. Bà N lên bệnh viện tỉnh khám bác sĩ thấy u buồng trứng nghi ngờ ung thư nên giới thiệu lên tuyến trên.
Ung thư buồng trứng là bệnh lý ác tính nhất trong ung thư ở nữ giới
Tại Bệnh viện K trung ương, sau khi làm xong các kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bà N bị ung thư buồng trứng.
Theo TS Hoàng Đình Chân – nguyên bác sĩ Bệnh viện K trung ương ung thư buồng trứng được xem là bệnh ung thư nguy hiểm nhất ở phụ nữ. Trong khi đó, đa số bệnh nhân ung thư buồng trứng được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn trễ.
Những người có nguy cơ bị ung thư buồng trứng đó là gia đình có mẹ, chị, em gái mắc ung thư buồng trứng, ung thư vú. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người mang gen đột biến BRCA1, BRCA2 thì nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cũng cao hơn.
Phụ nữ thời kì mãn kinh, ngoài 40 – 50 tuổi dễ mắc ung thư buồng trứng hơn. Việc kinh nguyệt sớm, mãn kinh muộn cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.
Ngoài ra, chị em phụ nữ thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do lượng mỡ thừa sản sinh ra chất kích thích sự phát triển của estrogen, làm mất cân bằng hoóc môn dễ dẫn tới bị ung thư buồng trứng.
Dấu hiệu của ung thư buồng trứng
Ở giai đoạn đầu ung thư buồng trứng không có nhiều biểu hiện rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn với những căn bệnh khác. Sự thiếu hiểu biết cơ bản về ung thư buồng trứng đã góp phần gia tăng tình trạng này.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư buồng trứng
Khi có các dấu hiệu sau, TS Chân khuyên chị em phụ nữ nên nhanh chóng tới các cơ sở y tế để khám sức khỏe sàng lọc sớm ung thư buồng trứng.
- Người bệnh cảm thấy chướng bụng hoặc đầy hơi, triệu chứng này diễn ra lâu ngày. Chướng bụng cũng có thể do nhiều nguyên nhân nhưng nếu thấy triệu chứng này nếu xuất hiện liên tục trong thời gian dài thì đó cũng có thể là dấu hiệu căn bệnh ung thư buồng trứng đã dần phát triển.
- Chảy máu âm đạo bất thường, khi thấy âm đạo xuất hiện máu đỏ, dịch nâu hồng... hoặc chảy máu nhỏ giọt giữa kỳ kinh nguyệt.
- Cảm giác ăn nhanh no, ở người mắc ung thư buồng trứng sẽ thấy cảm giác khó tiêu và no nhanh hơn bình thường vì căn bệnh này gây phá hủy các hóc-môn kiểm soát sự trao đổi chất ở hệ tiêu hóa.
- Đau bụng, cơn đau dai dẳng ở bụng và xương chậu là dấu hiệu rõ ràng cho thấy cơ thể bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe. Đây là triệu chứng của cả ung thư buồng trứng và 1 căn bệnh khác nguy hiểm không kém - u nang buồng trứng.
- Đi tiểu nhiều lần, khi mắc ung thư buồng trứng, do chứng trướng bụng gây ra, bụng đầy hơi sẽ đè lên bàng quang, kích thích cảm giác muốn đi tiểu nên phụ nữ luôn có cảm giác muốn đi tiểu.
Khi có những bất thường này, chị em có thể khám chỉ cần qua hệ thống siêu âm có thể phát hiện có tổn thương ở buồng trứng hay không.
Việc điều trị ung thư buồng trứng tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm diễn biến bệnh và sức khỏe chung của bệnh nhân. Bệnh nhân thường được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau được kết hợp trong điều trị ung thư buồng trứng như phẫu thuật cắt bỏ, xạ trị, hóa trị....
Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị để tăng hiệu quả điều trị bệnh. Phẫu thuật và hóa trị liệu là hai phương pháp thường được chỉ định.