Tự ý uống thuốc phòng đột quỵ: Đừng dại phí tiền, hại gan thận

Ngọc Minh |

Đột quỵ não là một trong số các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, không ít người dân vẫn có những hiểu sai về đột quỵ.

Thuốc đột quỵ.

Thuốc đột quỵ.

Đột quỵ não (thường gọi là đột quỵ hay tai biến mạch não) có hai thể lâm sàng chính là đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp tính và đột quỵ xuất huyết não.

Đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp tính được đặc trưng bởi sự mất lưu thông máu đột ngột đến một khu vực của não do tắc nghẽn mạch bởi huyết khối hoặc cục tắc ở động mạch não, dẫn đến mất chức năng thần kinh tương ứng.

Đột quỵ thiếu máu não hay còn gọi là nhồi máu não (NMN) phổ biến hơn đột quỵ xuất huyết não (XHN) - dạng đột quỵ có nguyên nhân là do nứt vỡ các động mạch trong não.

Hậu quả của cả hai thể đột quỵ là có thể gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, mất trí nhớ, hôn mê và thậm chí là tử vong.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đột quỵ não là bệnh có thể dự phòng bằng các biện pháp chống yếu tố nguy cơ trong cộng đồng. Nếu bệnh nhân được điều trị sớm trong các giờ phút đầu có thể hạn chế tử vong và di chứng.

BSCKI Phạm Văn Cường, khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay thời tiết miền Bắc đang vào lúc giao mùa (Thu chuyển sang Đông), đây cũng là thời điểm nguy cơ đột quỵ xảy ra cao nhất trong năm. Trong quá trình tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ, bác sĩ Cường đã gặp không ít người bệnh được người nhà cho uống thuốc phòng ngừa đột quỵ có nguồn gốc Đông y khiến cho bệnh trở nặng thêm.

Tự ý uống thuốc phòng đột quỵ: Đừng dại phí tiền, hại gan thận - Ảnh 1.

Ca bệnh đột quỵ.

Điển hình đó là trường hợp bệnh nhân 65 tuổi tới viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Khi kiểm tra, các bác sĩ thấy răng bệnh nhân có màu vàng do gia đình tự cho người bệnh uống thuốc Đông y được quảng cáo có tác dụng phòng ngừa đột quỵ.

Theo bác sĩ Cường, trước đây rất nhiều bệnh nhân đột quỵ trước khi vào viện đều được người nhà cho uống các loại thuốc này. Tuy nhiên, hiện giờ số bệnh nhân dùng thuốc này có giảm đi.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều loại thuốc được quảng cáo, tuyền tai nhau trong dân gian có tác dụng dự phòng đột quỵ là thuốc không rõ nguồn gốc và không có thành phần rõ ràng. Bộ Y tế đã có khuyến cáo người dân không nên dùng các loại thuốc này.

Điều trị dự phòng đột quỵ não đòi hỏi một chiến lược điều trị tổng thể tốt, đúng theo khuyến cáo của Hội Đột quỵ Thế giới. Nếu tự ý cho bệnh nhân uống những loại thuốc này và không đưa bệnh nhân tới viện có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

"Các loại thuốc phòng ngừa đột quỵ không rõ nguồn gốc đa phần đều bị 'đồn thổi' về tác dụng. Với những loại thuốc này thường không có thành phần, nguồn gốc và chưa có nghiên cứu khẳng định tác dụng.

Ngoài ra, theo một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra trong các loại thuốc này có chứa asen, chất có hại cho gan thận người già. Do vậy, người dân không sử dụng các loại thuốc phòng ngừa đột quỵ đang được đồn thổi kể cả chưa bị và đã bị đột quỵ rồi", bác sĩ Cường cho hay.

Việc cần làm không phải là cho người bệnh uống thuốc

Bác sĩ Cường cho biết thêm hiện nay, nhiều người đang tự ý mua những loại thuốc về uống để điều trị hoặc dự phòng đột quỵ mà không tư vấn ý kiến bác sĩ. Đây là điều không nên làm vì tất cả các thuốc khi dùng cần có chỉ định của bác sĩ.

Đột quỵ não có 2 thể bệnh, khi chưa biết thể bệnh đã uống thuốc có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, khó lường trước được. Bên cạnh đó, không có bất cứ cơ quan chức năng nào khuyến cáo dùng những loại thuốc trong điều trị và dự phòng đột quỵ.

Tự ý uống thuốc phòng đột quỵ: Đừng dại phí tiền, hại gan thận - Ảnh 2.

"Người dân không sử dụng các loại thuốc phòng ngừa đột quỵ đang được đồn thổi kể cả chưa bị và đã bị đột quỵ rồi" - BSCKI Phạm Văn Cường cho hay.

"Những loại thuốc này thường rất đắt tiền. Giá tiền của một viên này có thể bằng vài tháng tiền thuốc điều trị dự phòng đột quỵ đã được Bộ Y tế cấp phép, bác sĩ kê đơn", bác sĩ Cường nói.

Thêm vào đó, mọi người cần nhận biết đột quỵ bằng dấu hiệu B.E.F.A.S.T

B (BALANCE): Bệnh nhân bị mất thăng bằng, chóng mặt.

E (EYE): Bệnh nhân nhìn mờ, nhìn đôi, giảm thị lực.

F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.

A (ARM): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.

S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.

T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Nên nhớ rằng khi nhận thấy những dấu hiệu bệnh nhân bị đột quỵ thì thời gian là vô cùng quan trọng. Người nhà nên gọi ngay cấp cứu 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Trong thời gian chờ đợi xe cấp cứu tới, bác sĩ Cường khuyên mọi người nên kiểm tra mạch, huyết áp cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân rối loạn ý thức, cần để bệnh nhân nằm nghiêng đầu để tránh hít phải chất nôn gây sặc, viêm phổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại