Từ vụ bé trai bị bỏng do pháo sáng trên sân Hàng Đẫy: Bác sĩ lưu ý khi xử trí vết bỏng

BS Nguyễn Thị Hải Đan |

Vết bỏng từ pháo sáng nếu không xử lý kịp thời và đúng cách có thể để lại những di chứng lâu dài.

Mới đây, trong trận đấu giữa Hà Nội và Hải Phòng ngày 2/8 trên SVĐ Hàng Đẫy, các CĐV đội bóng đất Cảng đã tiếp tục sử dụng pháo sáng để cổ vũ. Điều này đã vô tình khiến một CĐV "nhí" bị bỏng ở chân và được xe cứu thương chở đến điều trị tại bệnh viện Xanh Pôn. Rất may bé trai chỉ bị bỏng nhẹ.

Theo bác sĩ chuyên khoa Nội tổng quát Nguyễn Thị Hải Đan, vết bỏng là một loại tổn thương da do nhiệt, điện, hóa chất hoặc ánh sáng gây ra. Vết bỏng có thể gây đau đớn, sưng tấy, nhiễm trùng và sẹo. Cách xử trí vết bỏng phụ thuộc vào mức độ và diện tích của vết bỏng

Bỏng độ 1 là nhẹ (giống như hầu hết các vết bỏng nắng). Lớp trên cùng của da (biểu bì) chuyển sang màu đỏ và đau nhưng thường không phồng rộp.

Bỏng độ 2 ảnh hưởng đến lớp trên và dưới của da (lớp hạ bì). Bạn có thể bị đau, đỏ, sưng và phồng rộp

Bỏng độ 3 ảnh hưởng đến cả ba lớp da: biểu bì, hạ bì và mỡ. Vết bỏng cũng phá hủy nang lông và tuyến mồ hôi. Vì bỏng cấp độ ba làm tổn thương các đầu dây thần kinh nên bạn có thể sẽ không cảm thấy đau ở vùng bỏng mà thay vào đó là vùng lân cận. Da bị bỏng có thể có màu đen, trắng hoặc đỏ với bề ngoài sần sùi

Từ vụ bé trai bị bỏng do pháo sáng trên sân Hàng Đẫy: Bác sĩ lưu ý khi xử trí vết bỏng - Ảnh 1.

Các bước cơ bản để xử trí vết bỏng do mọi nguyên nhân tại nhà:

Ngừng ngay tiếp xúc với nguyên nhân gây bỏng

Loại bỏ các vật dụng như nhẫn, vòng đeo tay, giày dép hoặc quần áo có thể gây chật hoặc cản trở lưu thông máu ở vùng bị bỏng, kể cả tã lót ở trẻ

Làm mát vết bỏng bằng nước chảy hoặc ngâm trong nước mát khoảng 10-20 phút. Không dùng đá, kem đánh răng, dầu ăn hoặc các chất khác để bôi lên vết bỏng

Không làm vỡ bóng nước hoặc phồng rộp

Giữ ấm cho bản thân hoặc người đó. Sử dụng chăn hoặc nhiều lớp quần áo, nhưng tránh đắp chúng lên vùng bị thương. Giữ ấm sẽ ngăn ngừa hạ thân nhiệt , khi nhiệt độ cơ thể của một người giảm xuống dưới 35 độ C. Nguy cơ hạ thân nhiệt rất hay gặp ở trẻ nhỏ và người già

Nếu cần thiết, dùng thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen để làm giảm cơn đau và sưng tấy

Khi nào cần đến bệnh viện nếu bị bỏng

Vết bỏng lớn lớn hơn kích thước bàn tay của người bị ảnh hưởng

Bỏng sâu ở bất kỳ kích thước nào khiến da trắng hoặc cháy thành than

Bỏng trên mặt, cổ, tay, chân, bất kỳ khớp nào hoặc bộ phận sinh dục

Tất cả các vết bỏng do hóa chất và điện

Bất kỳ chấn thương nào khác cần điều trị

Bất kỳ dấu hiệu sốc nào - các triệu chứng bao gồm lạnh, da ẩm ướt, đổ mồ hôi, thở nhanh, nông và yếu hoặc chóng mặt

Dưới 10 tuổi

Có bệnh đồng mắc như bệnh tim, phổi, gan, hoặc bệnh tiểu đường

Suy giảm miễn dịch ví dụ như nhiễm HIV, AIDS hoặc đang hóa trị ung thư

Lưu ý khi bỏng điện

Bỏng điện có thể trông không nghiêm trọng, nhưng rất nguy hiểm. Người bị bỏng điện nên đến cơ sở y tế ngay để được kiểm tra.

Nếu một người bị thương do nguồn điện áp thấp (khoảng 220 đến 240 vôn), chẳng hạn như nguồn điện sinh hoạt, hãy ngắt nguồn điện một cách an toàn hoặc đưa người đó ra khỏi nguồn điện bằng vật liệu không dẫn điện.

Không đến gần người đang kết nối với nguồn điện áp cao (1.000 vôn trở lên).

Lưu ý khi bỏng axit và hóa chất

Bỏng axit và hóa chất có thể rất nguy hiểm. Nếu có thể, hãy xem kĩ hóa chất nào đã gây ra vết bỏng và báo cho bác sĩ.

Nếu bạn đang giúp đỡ người khác bị bỏng hoá chất, hãy mặc quần áo bảo hộ thích hợp, ví dụ như đeo găng tay và sau đó:

Loại bỏ bất kỳ quần áo bị ô nhiễm trên người

Nếu hóa chất khô, hãy phủi nó khỏi da

Rửa vùng da bị bỏng bằng nước sạch chảy liên tục khoảng 10-20 phút

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại