Đắp thuốc chữa bỏng không rõ nguồn gốc nên bị nhiễm trùng bàn tay

Đinh Trang/VOV2 |

Bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng vết bỏng ở bàn tay trái bị nhiễm trùng, chảy nhiều dịch vàng nhiều giả mạc bẩn.

Bệnh viện đa khoa Đức Giang vừa điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm trùng bàn tay bị bỏng do trước đó điều trị sai cách. Đó là trường hợp của bệnh nhân B.V.Đ sinh năm 1970, ở Yên Viên – Gia Lâm – Hà Nội, vào viện với vết bỏng ở bàn tay trái bị nhiễm trùng, chảy nhiều dịch vàng nhiều giả mạc bẩn.

Đắp thuốc chữa bỏng không rõ nguồn gốc nên bị nhiễm trùng bàn tay - Ảnh 1.

Nhiễm trùng bàn tay bị bỏng do trước đó điều trị sai cách

Bệnh nhân được thăm khám, chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng để giúp loại trừ các tổn thương phối hợp và cuối cùng đi đến chẩn đoán là vết thương khuyết da nhiễm trùng mu bàn tay (T) do bị bỏng do điều trị sai cách.

Bệnh nhân Đ. cho biết, 1 tháng trước, khi bị bỏng nước sôi đã đến một nhà người quen ở làng để xử trí tổn thương, được đắp một loại thuốc không rõ nguồn gốc vào tay. Tuy nhiên, tổn thương càng ngày càng phức tạp, nhiễm trùng, chảy dịch mủ vàng nặng lên. Khi đó, bệnh nhân mới đến BV Đức Giang để điều trị.

Ths. Phạm Duy Linh - khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cùng kíp gây mê đã tiến hành phẫu thuật cắt lọc làm sạch ổ tổn thương. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng vết thương đã được cải thiện, hết nhiễm trùng, tổ chức hạt lên đỏ, sạch sẽ. Bệnh nhân sẽ cần được phẫu thuật một lần nữa để đóng tổn khuyết và hồi phục chức năng bàn tay hoàn toàn.

"Với trường hợp bệnh nhân Đ nếu không kịp thời vào viện và điều trị tích cực sẽ dẫn tới tình trạng nhiễm trùng nặng, ăn sâu vào gân cơ và phá hủy bàn tay trái nặng hơn sẽ bị nhiễm trùng máu" - Ths.Bs Phạm Duy Linh cho biết.

Bỏng là tổn thương thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Tổn thương bỏng rất đa dạng và phức tạp vì vậy di chứng của nó để lại cho người bệnh cũng rất nặng nề, nhất là bỏng ở một số vị trí đặc biệt, nếu không điều trị tốt có thể dẫn tới tàn phế.

Khi bị bỏng nước sôi, bác sĩ Linh lưu ý người bệnh nên nhanh chóng đưa vùng da bị bỏng ngâm vào nước nguội sạch để vệ sinh vết thương, tránh nhiễm khuẩn, sau đó xả nhẹ nước mát. Việc này giúp vết thương được dịu đi, tránh đau rát, sưng tấy, vết bỏng cũng sẽ không bị tổn thương sâu tiếp nữa. Sau đó sử dụng gạc hoặc miếng vải nhỏ sạch để băng vùng da bị bỏng, tránh tiếp xúc bụi bẩn. Cuối cùng, nhanh chóng chuyển người bị bỏng tới cơ sở y tế nơi gần nhất để kịp thời điều trị.

"Đặc biệt, tuyệt đối không được đắp các loại thuốc lá, thuốc nam, thuốc lá…(không rõ nguồn gốc) lên trên vùng bị bỏng, vì nó chỉ càng làm tổn thương bỏng thêm nặng và nhiễm trùng hơn" - Bs Linh khuyến cáo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại