GS.TS Nguyễn Gia Bình – Nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai), Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam cho biết, để phân biệt được bệnh cúm mùa thông thường với những bệnh cúm dễ có biến chứng nặng thì đối với các bác sĩ cũng không hề dễ dàng, mà phải nhờ vào công nghệ sinh học khá tốn kém và mất thời gian.
Các triệu chứng lâm sàng của cúm thường là sốt, đau đầu, sổ mũi, ho khan... hoàn toàn giống nhau và chỉ khác là nếu đến ngày thứ 2-3 bệnh nhân thấy mệt hơn hoặc khó thở thì hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, xét nghiệm máu, chụp CT phổi để xác định xem bệnh nhân có nhiễm cúm hay không, có tiến triển nặng hay không để có kế hoạch điều trị cụ thể.
“Nhiều khi người bệnh thường chủ quan, nghĩ là cảm cúm thông thường không đến bệnh viện đến khi cơ thể không chịu nổi mới tới bệnh viện thì lúc đó cơ thể đã bị tàn phá quá nhiều với hội chứng suy đa phủ tạng. Dù với hệ thống máy móc hỗ trợ tim, phổi, gan, thận có nhiều nhưng tỷ lệ tử vong cũng khá cao.
Do đó, dù không nhất thiết phải đến bệnh viện ngay ngày đầu nhưng bệnh nhân và người thân khi thấy trở bệnh nặng thì chúng ta phải đến các cơ sở y tế để có các thiết bị chẩn đoán, theo dõi được tốt hơn, điều trị cúm theo phác đồ của Bộ Y tế”- GS. Bình khuyến cáo.
GS.TS Nguyễn Gia Bình.
Quan trọng là cắt nguồn lây
Để phòng bệnh cúm, GS. Bình cho rằng, cúm là bệnh truyền nhiễm do đó, muốn không mắc bệnh cúm phải cắt được nguồn lây, song điều này không dễ. Nếu không kiểm soát được nguồn lây thì bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm cúm kể cả trẻ con và người lớn. Hơn nữa đây là bệnh lây qua đường hô hấp, người dân thường xuyên phải đến chỗ đông người, nên bệnh rất dễ lây lan. Những người bị cúm nên đeo khẩu trang vì khi họ nói, hắt hơi, ho, virus cúm theo đường giọt bắn lây sang người khác.
Biện pháp phòng bệnh đơn giản nhất là làm nhà cửa thông thoáng, chúng ta chỉ cần mở cửa sổ làm thông khí. Những người mắc bệnh mạn tính, mắc bệnh phổi, chạy thận, đái tháo đường, người thường xuyên dùng thuốc corticoid, hay người già, trẻ em... nguy cơ bị cúm cao hơn. Với những người này, vào khoảng tháng 8 nên đi tiêm phòng cúm.
“Khi trong phòng kín, một người nhiễm virus cúm sẽ mang virus vào và phát tán trong khu vực đó, làm người khác rất dễ nhiễm bệnh qua đường hô hấp. Nơi làm việc, nhà ở cần được mở cửa đón ánh nắng vào vì con virus cúm rất sợ ánh nắng mặt trời, ánh nắng mặt trời tiêu diệt được rất nhiều loại virus trong đó có virus cúm.
Trước đây trong thời gian 15 năm qua, chúng tôi điều trị cho nhiều bệnh nhân bị virus cúm nặng, chúng tôi chỉ trang bị những quạt thông gió mạnh, thổi không khí ra ngoài nắng, nhân viên chỉ cần trang bị khẩu trang ngoại khoa của Việt Nam, không nhân viên nào của chúng tôi bị lây nhiễm cúm”- GS. Bình cho biết thêm.
Dễ gây bội nhiễm
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tuy không nguy hiểm như nhiễm cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), những người nhiễm cúm A(H1N1) hay vi rút cúm mùa khác cũng có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể gây suy đa tạng, tử vong ở một số người có bệnh mạn tính. Trên thế giới mỗi năm ghi nhận 250.000-500.000 trường hợp tử vong do cúm.
BV Từ Dũ nơi có 18 người mắc cúm A/H1N1. Ảnh: Internet.
Vi rút cúm A(H1N1) có thể dễ dàng lây lan từ người sang người giống như cách lây lan của cúm thường qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Người bệnh cũng có thể nhiễm vi rút cúm do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm vi rút, chạm vào khăn giấy đã dụng có nhiễm vi rút sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm vi rút cúm A(H1N1).
Những người mắc cúm A(H1N1) có thể lây lan bệnh 01 ngày trước khi khởi bệnh và kéo dài 07 ngày sau khi khởi bệnh. Giống như các chủng cúm mùa khác, khi nhiễm cúm A(H1N1) người bệnh thường có các triệu chứng sau: Sốt, thường trên 38 độ C, và ớn lạnh; Đau viêm họng; Nhức đầu; Đau mình và nhức cơ; Ho khan; Sổ mũi; Mệt mỏi và suy nhược; Tiêu chảy và ói mửa…
Để phòng chống cúm A(H1N1), Bộ Y tế khuyến cáo cần sử dụng các biện pháp đối với cúm mùa thông thường:
- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.
- Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm.
- Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc
- Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vắcxin để phòng bệnh. Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
- Các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh bệnh dịch.