Tử vong do tim mạch tăng cao

Đức Trân |

Tử vong do tim mạch ở Việt Nam là 178/100.000 người - thuộc nhóm các quốc gia có nguy cơ cao. Đây là số liệu thống kê do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố. Còn theo các chuyên gia y tế, trong số các bệnh tim mạch thì xơ vữa động mạch là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong.

Tử vong do tim mạch tăng cao - Ảnh 1.

Tầm soát tim mạch định kỳ giúp phát hiện bệnh sớm. Ảnh: TL.

Tử vong do bệnh mạch máu não nhiều nhất

TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế thông tin: Bệnh tim mạch là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Theo số liệu của WHO năm 2019, tử vong do bệnh tim mạch chiếm tới 39,5%, trong đó bệnh mạch máu não chiếm 55,4%, bệnh tim thiếu máu cục bộ chiếm 32%, bệnh tim do tăng huyết áp là 6,9% và bệnh tim mạch khác chiếm 5,7%.

Tại nước ta, số ca tử vong do bệnh tim mạch đang ngày càng tăng, trong đó tử vong do bệnh mạch máu não chiếm tỷ lệ lớn nhất, với tỷ suất tử vong tăng từ 127,3/100.000 dân vào năm 2000 lên 164,9/100.000 dân hiện nay cùng với đó gánh nặng bệnh tật vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là gánh nặng về bệnh lý tim mạch và xu hướng trẻ hóa ở những người trong độ tuổi lao động.

Theo các chuyên gia y tế, trong số các bệnh tim mạch thì xơ vữa động mạch là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong với tỷ lệ rất cao trên bệnh tim do thiếu máu cục bộ và đột quỵ nhồi máu não.

GS.TS Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết: Xơ vữa động mạch ảnh hưởng phần lớn tới dân số lao động ở Việt Nam với 49% bệnh nhân mắc bệnh tim do xơ vữa động mạch thuộc nhóm tuổi lao động từ 15-64. Thực tế, tại nước ta, năm 2019 có 2,4 triệu người mắc các bệnh tim mạch, trong đó 65% là bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.

Trong bối cảnh đó, theo đánh giá từ Hội Tim mạch Việt Nam, một thực trạng đáng nói là tỷ lệ người có lối sống không lành mạnh và kiểm soát không tốt các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch ở nước ta vẫn còn cao, đặc biệt tình trạng này vẫn gặp ngay cả ở những người bệnh được coi là có nguy cơ mắc bệnh bệnh tim mạch.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam nhấn mạnh: Theo nghiên cứu của Hội Tim mạch học Việt Nam, hiện có khoảng 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng còn đang trong độ tuổi lao động. Nếu những năm 1980, có khoảng 10% bệnh nhân bị bệnh huyết áp; đến năm 2009, tỷ lệ này đã là 27%. Mười năm trước, mỗi năm Viện Tim mạch quốc gia can thiệp khoảng 300 ca bệnh bị bệnh động mạch vành, nhưng riêng năm 2016 đã can thiệp khoảng 3.500 ca. Ba thập niên trước bệnh nhồi máu cơ tim còn hiếm gặp, nhưng hiện nay đã trở nên phổ biến ở mọi cơ sở y tế. Trong khi đó, trước đây, bệnh mạch vành, động mạch não, bệnh động mạch ngoại biên... thường gặp ở người cao tuổi, nhưng nay có ở bất kỳ lứa tuổi nào. Gần đây, Viện Tim mạch Việt Nam liên tục tiếp nhận những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ở lứa tuổi 30, trong đó có trường hợp mới 28 tuổi.

Còn tâm lý chủ quan

Hiện tâm lý chủ quan với sức khỏe tim mạch đang ảnh hưởng tới bộ phận không nhỏ người dân. Theo khảo sát nhanh của PV Báo Đại Đoàn Kết cho thấy, khi được hỏi rằng đâu là căn bệnh gây tử vong nhiều nhất, đa số người trả lời là ung thư. Thế nhưng, số liệu thống kê của WHO chỉ rõ, mỗi năm có gần 19 triệu người tử vong vì bệnh lý tim mạch, cao hơn tổng số ca tử vong do 3 loại bệnh không lây nhiễm cộng lại, gồm: Ung thư (hơn 10 triệu người), phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD, gần 2 triệu người) và tiểu đường (3,3 triệu người).

Lý giải về nguyên nhân này, GS. Nguyễn Lân Việt cho rằng: Rất nhiều trường hợp mắc bệnh tim mạch nhưng không gây đau đớn, người mắc bệnh vẫn đi làm, sinh hoạt bình thường nên không quan tâm đúng mức”. Còn PGS. TS. Phạm Mạnh Hùng cảnh báo: Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh tim, chỉ là sớm hay muộn.

Theo các chuyên gia y tế, để giảm thiểu gánh nặng bệnh lý tim mạch với sức khỏe cộng đồng, cần phải có những hành động mạnh mẽ, trước hết từ công tác phòng bệnh, giáo dục sức khỏe; sàng lọc phát hiện sớm để bệnh nhân được điều trị kịp thời, kiểm soát tích cực các yếu tố nguy cơ và ổn định mảng xơ vữa, giúp giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng sống của người bệnh.

GS.TS Huỳnh Văn Minh khuyến cáo, phòng ngừa và điều trị tim mạch là một quá trình can thiệp toàn diện từ giáo dục người dân và bệnh nhân nâng cao kiến thức về bệnh cũng như cách phòng tránh. Mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần, đồng thời làm một số xét nghiệm cơ bản như điện tâm đồ, siêu âm tim, sinh hóa máu... để phát hiện sớm bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại