Từ Syria sang Libya, Nga trở thành "ông vua" mới nhờ tận dụng sự thất bại của phương Tây?

Mạnh Kiên |

Theo các nhà phân tích, mối quan hệ song phương giữa Ankara và Moscow ở Libya có thể giúp ngăn chặn tạm thời cuộc xung đột ở quốc gia này, hoặc thậm chí mang lại sự ổn định ngắn hạn.

Gây dựng ảnh hưởng ở Libya

Theo Moscow Times, sự ủng hộ của Điện Kremlin đối với cuộc tiến công của tướng Haftar nhằm vào Tripoli có thể một lần nữa thành công khi các cường quốc Mỹ và châu Âu đang có các bước lùi về ngoại giao.

Trong khi Mỹ mải mê lo ngại về sự tham gia của quân đội Nga vào Libya, sự thụ động và mất đoàn kết của châu Âu - cùng với sự bối rối của chính quyền Trump trong việc phát triển một chiến lược mạch lạc - đã cho phép những thế lực khác có cơ hội gây dựng ảnh hưởng lớn hơn ở Libya.

Trong đó UAE và Thổ Nhĩ Kỳ đã được chứng minh là những tác nhân tiêu biểu trên chiến trường. Mặc dù Nga có thể thiếu các điều kiện chính trị để khởi động một tiến trình giống như Astana ở Libya, nhưng Moscow vẫn đang đánh cược để trở thành nhà môi giới quyền lực duy nhất trong lúc các cường quốc Âu-Mỹ buông tay.

Trong một số báo cáo gần đây chưa được phía Nga xác nhận, truyền thông phương Tây cho biết Moscow đã triển khai một số lượng lớn lính đánh thuê Wagner đến hỗ trợ cuộc tấn công của tướng Haftar.

Sự can thiệp này trùng hợp với sự ra mắt của sáng kiến hòa bình Berlin của Đức. Bộ Ngoại giao Đức ban đầu mô tả sáng kiến ​​này như một hội nghị để các quốc gia can thiệp ngừng sự ủng hộ của họ đối với các bên tham chiến ở Libya.

Việc Nga triển khai lính đánh thuê Wagner cũng đến vào thời điểm quan trọng đối với tướng Haftar, người đã phải chịu thất bại về mặt quân sự sau khi mất căn cứ tiền phương chính.

Các nhà phân tích cho rằng, không giống như những thế lực khác ở Libya, Nga là quốc gia duy nhất có đủ tiềm năng thay đổi kết quả cuộc tấn công của tướng Haftar.

Chưa hết, nhờ có sự hỗ trợ của Nga, tình thế cuộc chiến đang dần chuyển biến khi các biện pháp đối phó của Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) ở Tripoli không còn hiệu quả như trước đây.

Quan trọng hơn, việc triển khai lính đánh thuê Nga đến vào thời điểm sự hỗ trợ của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho các lực lượng được liên kết với GNA đã suy giảm, khiến các lực lượng này giờ đây dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.

Kể từ đầu tháng 9, Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm số lần tấn công bằng máy bay không người lái. Động thái này là một phần thúc đẩy của Ankara để xác định triển vọng của tiến trình Berlin.

Một yếu tố thúc đẩy khác cho quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ là do vấn đề Libya có thể trở thành giá trị thương lượng với Nga ở Syria.

Nga hưởng lợi với chi phí thấp

Từ Syria sang Libya, Nga trở thành ông vua mới nhờ tận dụng sự thất bại của phương Tây? - Ảnh 2.

Hợp tác Nga-Thổ có thể giúp Libya tạm ngừng xung đột.

Theo báo cáo, GNA đã ký với Thổ Nhĩ Kỳ về thỏa thuận biên giới hàng hải và hợp tác an ninh vào cuối tháng 11, một hành động mở rộng ảnh hưởng khiến các nước châu Âu lo ngại. Điều này đã khiến cho các nước châu Âu đơn phương lên án vai trò của Ankara ở Libya.

Cùng với đó, tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Síp ở Đông Địa Trung Hải cũng khiến khối Síp - Ai Cập - Israel chỉ trích Ankara nhiều hơn.

Về cơ bản, tướng Haftar sẽ vui mừng khi nhìn thấy làn sóng ủng hộ quốc tế đối với Chính phủ GNA ngày càng suy yếu. Theo đó, tướng Haftar đang tận dụng làn sóng chống Thổ Nhĩ Kỳ và đang xem xét các con đường mới, chẳng hạn như hợp tác với Liên đoàn Ả Rập và Liên minh châu Phi, để biến các mục tiêu trở thành hiện thực.

Một xu hướng đáng lo ngại khác là Pháp, UAE và Ai Cập cũng đang ủng hộ Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Haftar. Sự ủng hộ của các nước sẽ là bổ sung đáng kể vào sự đóng góp quân sự còn khiêm tốn của Nga trên mặt đất.

Lợi ích của Điện Kremlin vì thế lại bất ngờ được nâng cao mà chỉ phải bỏ ra chi phí thấp. Sự hợp lưu của các nỗ lực quân sự và ngoại giao này hiện đang phát huy hiệu quả trong việc tạo lợi thế cho Tổng thống Putin và cung cấp cho Nga ảnh hưởng đáng giá.

Giờ đây, Nga có thể định hình bối cảnh quân sự xung quanh Tripoli và quyết định số phận cuộc tiến công của tướng Haftar.

Cuối cùng, Mỹ và châu Âu đã không hành động để mở ra cánh cửa đa cực ở Libya, để cho Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cùng nhau lấp đầy khoảng trống mà họ để lại.

Theo các nhà phân tích, mối quan hệ song phương giữa Ankara và Moscow ở Libya có thể giúp ngăn chặn tạm thời cuộc xung đột ở quốc gia này, hoặc thậm chí mang lại sự ổn định ngắn hạn.

Nhưng chính sách ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ không đủ để làm dịu đi sự can thiệp của những thế lực khác và cũng sẽ không thể đưa vấn đề Libya lên bàn đàm phán.

Nói một cách đơn giản, sự không thống nhất và mất đoàn kết của Mỹ và châu Âu sẽ khiến cho một giải pháp lâu dài về câu hỏi hóc búa Libya vẫn khó nắm bắt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại