Điểm nóng xung đột Trung Đông và Bắc Phi vào năm 2020?
Sau hơn 8 tháng giao tranh bế tắc kể từ khi Quân đội Quốc gia Libya (LNA) phát động chiến dịch tấn công dân quân trung thành với Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) ở thủ đô Tripoli, các "nhà đầu tư" của Tướng Haftar, lãnh đạo của LNA đã quyết định tăng cường hỗ trợ.
Truyền thông phương Tây cho rằng yếu tố quan trọng nhất của đợt "tấn công tổng lực" vào tháng 12/2019 này là do sự hỗ trợ gián tiếp từ phía Nga, những người đã "âm thầm" hỗ trợ trang thiết bị quân sự và lính đánh thuê cho LNA.
Ngược lại, sau những cuộc không vận vũ khí, đạn dược và các cáo buộc hậu thuẫn GNA bằng lính đánh thuê đến từ Syria, Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ đang quyết tâm sẽ gửi quân đội chính quy tới Tripoli để bảo vệ GNA khỏi sự sụp đổ trước LNA.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục không vận vũ khí và có thể là cả các chiến binh đến để hỗ trợ GNA thông qua "cầu hàng không" Istanbul-Misrata.
Việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến ở Tripoli có thể sẽ kích hoạt phản ứng của Quân đội Ai Cập và Liên minh quân sự do Arab Saudi lãnh đạo, lực lượng đang lên kế hoạch về một thỏa thuận hòa bình với dân quân Houthi để chấm dứt cuộc can thiệp và rút khỏi Yemen.
Vấn đề tranh chấp dầu khí tại Đông Địa Trung Hải (GNA và Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận phân chia biên giới trên biển) cũng sẽ kéo một số quốc gia khác từng "đứng ngoài" cuộc xung đột ở Libya như Hy Lạp và Israel tham chiến chống lại GNA và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi Liên Hiệp Quốc vẫn tiếp tục kêu gọi các cường quốc tránh xa xung đột ở Libya, thì các nhà ngoại giao Châu Âu và Mỹ vẫn tiếp tục "bật đèn xanh" bằng cách gửi những tín hiệu không rõ ràng về thế lực mà họ ủng hộ ở Libya.
Không còn nghi ngờ gì về việc diễn biến chiến sự ở Tripoli vào cuối năm 2019 - đầu năm 2020 sẽ quyết định việc Libya sẽ thay thế Syria và Yemen để trở thành một "đấu trường" mới cho các thế lực toàn cầu.
Tuy nhiên, khi lựa chọn đưa quân tới tham chiến tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh khu vực, (điều mà bất cứ quốc gia nào cũng muốn giảm thiểu) thì phương thức "can thiệp an toàn" mà các bên sẽ sử dụng là gì?
Mặc dù tuyên bố "tấn công tổng lực" nhưng với đà tấn công hiện tại, lực lượng LNA vẫn chưa thể kiểm soát thủ đô Tripoli.
Phương thức "can thiệp an toàn" ở Libya?
Máy bay không người lái tấn công (UCAV) từng là một thứ "vũ khí độc quyền" của người Mỹ , nhưng nay chúng đã trở nên phổ biến và trở thành một cuộc "cách mạng chiến thuật" trong chiến tranh hiện đại.
Libya cũng không thoát khỏi định mệnh này, các thế lực ủng hộ cả GNA lẫn LNA đều đang cố gắng chiếm ưu thế trên không với UCAV. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, những chiếc UCAV đã xuất kích hơn 900 phi vụ tại Libya kể từ tháng 4/2019.
Cùng với thế bế tắc ở Tripoli, và việc hạn chế máy bay chiến đấu do cấm vận và tránh thương vong, một số lượng khá lớn UCAV Wing Loong do Trung Quốc sản xuất và MQ-9 Reaper do Mỹ sản xuất đã được Ai Cập, UAE, Arab Saudi tung vào chiến trường để hỗ trợ LNA.
Hôm 15/12, một chuyến bay vận tải được cho là chở theo các UCAV Wing Loong (biến thể xuất khẩu CH-4) từ Jordan tới miền đông Libya, khu vực do LNA kiểm soát.
Jalel Harchaoui, một nhà phân tích tại Viện Clingendael ở The Hague bình luận: "Thời gian gần đây, LNA đã chuyển sang sử dụng UCAV sau khi từ bỏ hy vọng về một cuộc tấn công quân sự chớp nhoáng vào Tripoli. Chúng là vũ khí lý tưởng cho việc làm suy yếu tinh thần đối phương".
Ở phía đối địch, dân quân trung thành với GNA đã được Thổ Nhĩ Kỳ viện trợ UCAV Bayraktar TB2 ít nhất là 3 đợt trong năm nay và một số chiếc đã bị bắn hạ bởi phòng không LNA.
UCAV Bayraktur TB2 của GNA đã được chứng minh trong các hoạt động quân sự ở Iraq, Syria và ngay cả khu vực biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chúng là vũ khí chủ lực trong các cuộc hành quân tìm-diệt nhằm vào các chiến binh ly khai người Kurd.
Mới đây Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cung cấp UCAV Bayraktur TB2 cho chính quyền bắc Cyprus (do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn) và nhanh chóng trở thành nhà xuất khẩu UCAV tầm trung.
Một UCAV Bayraktur TB2 bị bắn hạ và một đồ họa của truyền thông thân LNA "tố cáo" Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tay cho GNA giết hại người Libya bằng UCAV.
Mặc dù các tuyên bố không ngả về phe nào ở Libya, Mỹ vẫn đang tiến hành các cuộc không kích bằng UCAV vào các nhóm dân quân liên kết với khủng bố IS ở phía nam Libya. Điều này khiến bầu trời Libya thêm "rối loạn".
Theo các nhà phân tích, không phải "cuộc tấn công tổng lực" của LNA ở Tripoli hay một cuộc can thiệp ồ ạt của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quyết định tương lai chiến sự ở Libya mà là cuộc chiến giữa các UCAV.
Nhà phân tích Jennifer Gibson của tổ chức từ thiện Reprease bình luận:
"Các hoạt động bí mật của UCAV Mỹ trong quá khứ đã biến lịch sử hoạt động của vũ khí này trở thành một "vùng cấm". Những bên tham chiến trong các khu vực xung đột bằng UCAV tự thấy không có nghĩa vụ thừa nhận những gì họ đã làm, bởi vì tiền lệ do người Mỹ thiết lập".
Chris Cole, lãnh đạo của nhóm phân tích Drone Wars kết luận: "Libya là điểm khởi đầu của "Chiến tranh UCAV". Nó cho thấy một loạt các quốc gia có liên quan tới cuộc chiến mà không thể biết đích xác đối phương đang làm gì".
Sự xuất hiện chiến thuật "Chiến tranh UCAV" ở Libya sẽ khiến những người cầm súng ở đây không biết đối phương là ai và tấn công lúc nào, hay nói cách khác là "chiến đấu trong tình trạng mù và điếc".
UCAV Bayraktar TB2 trong một triển lãm hàng không của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2018.