TS.BS. Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Chợ Rẫy cho hay, bản thân bác sĩ cũng thích uống ít rượu bia. Tuy nhiên, với bác sĩ dinh dưỡng, muốn ăn uống gì thì họ đều phải có tìm hiểu và chọn lọc.
Bia có thành phần chính là cồn, cồn là sản phẩm cuối cùng của quá trình lên men những nguồn đường tự nhiên, đường tự nhiên có thể từ lúa mạch, từ lúa mì, hoa quả, siro. Người ta dùng nấm men để ủ ra được chất cồn và thải CO2.
Ngoài ra rượu bia cũng có một số chất phụ gia (tạo vị, tạo mùi, tạo màu, chất bảo quản), chính vì thế tùy vào chất lượng rượu, bia mà các thành phần phụ nhiều hay ít, là chất tốt hay chất cấm.
Nói đến cồn là nói đến đường, nếu dùng lượng nhỏ làm bằng nguyên liệu tự nhiên thì cũng có thể có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu dùng lượng lớn thì cồn vào máu nhanh và sẽ phân tán chủ yếu đến gan (90%).
Gan tiết là chất men axetandehit gây tác hại cho thần kinh, thị giác, dạ dày, đường tiêu hóa. Gan sau đó sản xuất một loại men khác để biến axetandehit thành axetat, axetat ít độc hơn. Axetat sau đó chuyển đến tế bào và các tế bào sẽ chuyển axetat thành năng lượng và giải phóng CO2.
“Lá gan có sức chịu đựng chừng mực, ước tính một giờ chỉ có thể uống được khoảng một lon bia, dưới 100 ml rượu vang. Dưới 50 ml rượu mạnh. Cho nên nếu uống nhiều bia rượu thì gan không thể thải độc và có tác hại lớn đến gan”. Ts Tâm nói.
Cùng quan điểm trên, TS.BS. Võ Duy Long, Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, thật sự, uống rượu bia một cách điều độ, vừa phải sẽ không có bất lợi lớn đối với gan.
Tuy nhiên, rượu bia thật sự không có lợi cho sức khỏe nếu như bị lạm dụng. Bên cạnh đó, nếu chúng ta cứ uống liên tục, liên tục trong một thời gian dài, tế bào gan hoạt động không ngừng nghỉ để chuyển hóa, đào thải dẫn đến quá tải, gây hại đến tế bào gan.
TS. BS. Võ Duy Long, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, BV Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
“Lá gan không vĩ đại đến mức chúng ta uống bao nhiêu, tế bào gan hấp thu và phân giải rượu bấy nhiêu. Tất cả đều có giới hạn. Nếu lá gan làm việc hoài để chuyển hóa và loại trừ chất độc, chắc chắn đến một ngày nào đó, các tế bào gan sẽ mỏi mệt. Tế bào gan sẽ hư đi, dẫn đến tình trạng đầu tiên là thoái hóa mỡ .
Thoái hóa mỡ lâu ngày dẫn đến tình trạng viêm gan, nghĩa là tế bào gan bị phá hủy. Sau đó là xơ gan nghĩa là các tế bào gan không còn hoạt động được nữa. Rồi sẽ dẫn đến tình trạng cuối cùng rất nguy hiểm là ung thư gan. Ung thư gan trong bia rượu là giai đoạn cuối trong tiến trình từ thoái hóa mỡ, đến viêm gan, xơ gan và ung thư gan”. TS Long khẳng định.
TS.BS. Võ Duy Long cũng cảnh báo, hiện ở Việt Nam, những bệnh viêm gan cũng như các bệnh liên quan đến gan rất đáng báo động. Việt Nam là một trong những nước hàng đầu thế giới có tỷ lệ mắc viêm gan, xơ gan liên quan đến virus.
Bên cạnh đó, viêm gan, gan nhiễm mỡ thậm chí xơ gan, ung thư gan liên quan đến rượu bia cũng đang càng ngày càng tăng
Tại phòng khám Chuyên khoa BV ĐH Y Dược TP.HCM, hầu như ngày nào cũng gặp rất nhiều bệnh nhân đến khám sức khỏe định kỳ, không có triệu chứng, phần lớn kết quả siêu âm cho thấy tình trạng gan nhiễm mỡ. Trong số đó, không ít trường hợp chuyển qua xơ gan, xơ gan mất bù, một số khác tiến tới ung thư gan.
Thống kê tại Việt Nam chưa đầy đủ, khoảng 90% nam giới trưởng thành Việt Nam có tiếp xúc hay uống bia, trong đó 20 - 25% có tình trạng gan nhiễm mỡ với tỷ lệ 10 - 15% có tình trạng xơ gan, 5 - 7% có thể dẫn tới ung thư gan.
Do đó, uống rượu bia lâu ngày và quá nhiều, tình trạng thường gặp nhất khi đi khám sức khỏe định kỳ, kết quả siêu âm bụng cho thấy thoái hóa mỡ ở gan, dấu hiệu cảnh báo quá tải tế bào gan vì rượu bia.