Theo đó, khoảng chiều ngày 8/1, em N.V.H. (15 tuổi) và em P.V.G.B. (14 tuổi), cả 2 đều ngụ tỉnh Lâm Đồng cùng nhau chế pháo theo hướng dẫn trên mạng. Hai em sử dụng máy xay sinh tố, loại bằng thủy tinh trong để trộn thuốc pháo. Vừa bật máy xay lên, thuốc pháo bị nổ, làm máy xay sinh tố nổ, bắn các mảnh thủy tinh ghim vào người H. và B. khiến cả 2 đa chấn thương.
Ngay lập tức, người nhà đưa 2 em đến BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên để cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận em B. bị trúng nhiều mảnh vỡ, làm thủng nhãn cầu hai mắt, đứt khí quản, vết thương thấu ngực gây thủng màng phổi 2 bên, thủng ruột, rách gan..., có nhiều vết thương làm chảy máu, tiên lượng nặng. Em H. cũng bị nhiều vết thương tương tự B. nên ê-kíp tại BV đã tiến hành loại bỏ các mảnh thủy tinh trên người 2 em, bảo tồn mắt, đặt nội khí quản cho B. và chuyển cả 2 đến BV Nhi đồng 2 để cấp cứu.
Tiếp nhận hai bệnh nhi vào khoảng 21h cùng ngày, các bác sĩ BV Nhi Đồng 2 ngay lập tức bật báo động đỏ, huy động y bác sĩ nhiều chuyên khoa để liên tục cấp cứu, phẫu thuật cứu 2 em.
Trải qua nhiều cuộc phẫu thuật với 10 giờ đồng hồ, 2 em may mắn giữ được tính mạng, em B. hiện đã tỉnh, thực hiện đúng y lệnh nhưng vẫn còn thở máy qua nội khí quản. Riêng em H. tiên lượng còn nặng, cả 2 em vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến thị lực bởi hai mắt tổn thương rất nặng.
“Sau khi lành bệnh, có thể cả hai bệnh nhi đều bị nhiều di chứng. Một tuần trước, cũng có một trẻ tự chế pháo nổ, tai nạn bị mất một mắt và phải cắt bỏ một tay. Bể nhãn cầu và nát cánh tay, hậu quả rất lớn”, BS. Sơn nói.
Theo các bác sĩ, cận Tết là thời điểm bệnh viện thường tiếp nhận các trường hợp tai nạn do trẻ tự điều chế pháo tại nhà. Hầu hết các em ở độ tuổi khám phá, dễ dàng truy cập các thông tin hướng dẫn và đặt mua hoá chất trên mạng xã hội để thực hành theo.
Việc tự chế pháo là một hoạt động rất nguy hiểm, có thể gây hại nghiêm trọng cho trẻ em và những người xung quanh. Vì thế gia đình, trường học và cộng đồng cần hợp tác để giáo dục trẻ em nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.