TT Putin: Mẫu hình điệp viên 007 hay vai "đặc biệt" trong James Bond?

Quốc Vinh |

Với không ít cơ quan truyền thông Mỹ, Tổng thống Putin như là "vai phản diện" trong loạt phim James Bond (Điệp viên 007), nhưng thực tế ông mới đích thực là "người hùng" của nước Nga.

Tâm điểm của sự thù địch

Sau những tuyên bố gây bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Helsinki vào ngày 16/7, ông Trump bị chỉ trích là “bênh vực” ông chủ Điện Kremlin hơn là đứng về lập trường cáo buộc của cộng đồng tình báo Mỹ về sự can thiệp của Moscow trong cuộc bầu cử năm 2016.

Nhiều thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa khi đó đã trực tiếp chỉ trích ông Putin bằng những ngôn từ đầy thù địch. Họ gọi ông là "kẻ thù" và những ngôn từ đầy ác cảm khác.

Theo một số nhà quan sát Nga, Tổng thống Putin hiện đang bị bôi nhọ hình ảnh của mình trên sân khấu quốc tế như một “nhân vật phản diện của James Bond” – hình tượng bất hủ trong bộ phim nổi tiếng nước Mỹ về Điệp viên 007.

Nhưng Giáo sư Brian Taylor từ đại học Syracuse (Mỹ) lại có một cách suy nghĩ khác.

Chuyên gia phân tích chính trị này dẫn lời đạo diễn nổi tiếng Joss Whedon, biên kịch nổi tiếng của bộ phim The Avenger từng nhận xét: “Nhân vật phản diện không nghĩ rằng họ là kẻ xấu. Họ nghĩ rằng mình là người hùng".

Câu nói đáng suy ngẫm này có thể áp dụng với Tổng thống Putin: Nhà lãnh đạo Nga không phải là kẻ phản diện trong loạt phim James Bond, mà đặc biệt hơn, ông chính là một người hùng như James Bond, tài năng và cứu nguy thế giới.

Bị truyền thông Mỹ mô tả như một nhà lãnh đạo thù địch, người đã thách thức những lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới, Tổng thống Putin không ngạc nhiên khi thấy những lời chỉ trích hướng vào mình. Nhưng theo quan điểm của ông: Nga đang chơi phòng thủ.

Nếu nhìn theo hướng của giới chính khách Mỹ, Tổng thống Putin có thể coi là nhà lãnh đạo “gây hại” đối với họ. Nhưng nếu theo góc nhìn của giới chính trị Nga, người dân Nga – Tổng thống Putin đang làm những điều tốt nhất cho đất nước.

Tất cả những lời chỉ trích trên xuất phát từ mối quan hệ nghèo nàn hiện tại giữa Nga và phương Tây, cũng như sự không tương đồng trong quan điểm giữa Điện Kremlin với hầu hết các nhà lãnh đạo phương Tây hiện tại.

Chính những tinh thần khác biệt rõ rệt này là điều khiến cho nhà lãnh đạo Moscow luôn là tâm điểm thù địch.

Tâm lý của mỗi người luôn cho rằng bản thân mình là người đúng, quan điểm của mình là chính xác, và mọi hành động trái ngược lại đều bị quy chụp cho cái xấu. Đó là sự nhìn nhận chủ quan mà nước Mỹ đang mắc phải.

Tư duy của ông Putin

Khái niệm trung tâm trong tâm thức của Tổng thống Putin là Nga phải trở thành một nhà nước mạnh mẽ và là một cường quốc lớn trên thế giới. Sự cạnh tranh đối với phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng, và tinh thần nung nấu sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 chính là thứ nhiên liệu để ông chủ Điện Kremlin đốt lên cho việc khôi phục sức mạnh nước Nga.

Tổng thống Putin muốn cân bằng lại những gì mà ông thấy là một trật tự quốc tế do Mỹ lấn lướt, khai thác điểm yếu của Nga. Ông cảm thấy bản thân phải giành lại những điều tốt nhất và tích cực chống lại những tồi tệ nhất.

Tổng thống Putin đã làm rõ quan điểm của mình nhiều lần trong quá khứ. Trong bài phát biểu năm 2003, ông nói: “Một quốc gia như Nga có thể tồn tại và phát triển trong phạm vi biên giới hiện tại của mình chỉ khi chúng ta trở thành một quyền lực lớn.

Trong mọi giai đoạn đất nước suy yếu – về chính trị hay kinh tế - Nga luôn luôn và chắc chắn phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ".

TT Putin: Mẫu hình điệp viên 007 hay vai đặc biệt trong James Bond? - Ảnh 1.

Tổng thống Putin cho rằng một đất nước yếu đuối sẽ luôn đối mặt với nguy cơ sụp đổ.

Sự lo ngại này từng được thể hiện trong phản ứng của ông đối với cuộc tấn công khủng bố Beslan năm 2004, khi một trường học ở miền Nam nước Nga bị tấn công và 334 người chết, hơn một nửa trong số đó là trẻ em. Tổng thống Putin nói rằng vụ tấn công xảy ra vì nước Nga “yếu đuối. Và kẻ yếu đã bị đánh bại”.

Cụ thể hơn, ông khẳng định: “Họ muốn lấy của chúng ta miếng bánh ngon và có những người khác đang giúp họ”. Từ “Họ” mà ông ám chỉ ở đây là những kẻ khủng bố và “những người khác đang giúp họ” - không còn nghi ngờ gì nữa, là nước Mỹ.

Bài phát biểu nổi tiếng năm 2007 của Tổng thống Putin tiếp tục mở rộng thế giới quan này ở quy mô lớn hơn. Ông phàn nàn về nỗ lực của Mỹ trong việc xây dựng một thế giới chỉ có "một trung tâm quyền lực, một trung tâm áp đặt, một trung tâm ra quyết định. Một thế giới chỉ có một ông chủ, một chủ quyền”.

Năm 2014, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã được áp đặt sau khi Nga sáp nhập Crimea và cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tổng thống Putin giận dữ tuyên bố: “Họ luôn cố gắng trói chúng ta bằng xiềng xích. Và sau khi bị xích rồi, họ sẽ tháo răng và móng vuốt của chúng ta... Chúng ta đang bảo vệ độc lập, chủ quyền và quyền tồn tại của chính mình”.

Tổng thống Putin đã so sánh hình ảnh của Nga khi đó như một con gấu bị đe dọa và một pháo đài bị vây hãm.

Trở lại để "ngăn chặn"

70 năm trước, nhà ngoại giao Mỹ George Kennan đã giới thiệu chính sách “ngăn chặn”, được mô tả như một biện pháp nhằm ngăn chặn sự mở rộng quyền lực của Liên Xô.

Giờ đây, “ngăn chặn” lại tiếp tục là chiến lược để đối phó với nước Nga của Tổng thống Putin. Nhưng thật khó để Mỹ tiến hành ngăn chặn một Nhà nước khác biệt như hiện tại.

Chính sách “ngăn chặn” được thiết kế cho Liên Xô, một nhà nước mang tính cách mạng, muốn mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu. Trong khi đó nước Nga hiện tại có sự khép kín hơn và không đi theo con đường cách mạng.

Trong thực tế, Tổng thống Putin ghét những cuộc cách mạng, dù ở Đông Âu hay Trung Đông. Đối với ông, các cuộc cách mạng không phải là những cuộc nổi dậy tự phát trong nước do sự bất mãn phổ biến gây ra, mà chúng thường là sự kiện được xúi giục bởi một ai đó, thường là người ngoài cuộc.

Chính quyền Putin muốn Nga phải là một cường quốc lớn, lớn trong nội tại, chứ không phải lớn để mở rộng ảnh hưởng và thâu tóm sức mạnh cả thế giới. Nhưng Mỹ hiểu lầm rằng Moscow tham vọng hơn, muốn soán ngôi mình, nên thúc đẩy chính sách đối ngoại đối đầu và hung hăng hơn.

Ngược lại, những người cầm quyền của Nga nghĩ rằng họ đang thể hiện sự thận trọng, phòng thủ và là một phản ứng cần thiết đối với áp lực và thù địch của phương Tây.

"Đó là một câu chuyện cảm xúc về việc Nga không được đối xử như một siêu cường", một nhà báo người Nga từng nói. Trong bài phát biểu tháng 3/2014 để thông báo về sự sáp nhập chính thức với Crimea, Tổng thống Putin cay đắng phàn nàn: "Họ lừa dối chúng ta sau một thời gian, họ đưa ra quyết định sau lưng và đưa chúng ta vào sự đã rồi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại