Trong bài viết mang tựa đề "Найдено самое слабое место Су-57 - Đã tìm thấy yếu huyệt của Su-57", chuyên gia quân sự người Nga Vladimir Tuchkov đã bình luận về những bài viết cả dìm hàng lẫn tâng bốc của truyền thông Trung Quốc đối với dòng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 mới nhất của Nga này.
Trung Quốc dìm hàng tiêm kích tàng hình Su-57 Nga...
Theo chuyên gia Vladimir Tuchkov, trên trang tin Sohu của Trung Quốc mới đây vừa đăng tải bài viết liên quan tới các tiêm kích thế hệ thứ 5.
"Hoá ra, chỉ có hai nước có thể chế tạo được chúng. Và trong số những quốc gia này không có Nga. Đó là Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc đã qua mặt Nga bằng việc chế tạo tiêm kích J-20 của mình, mà được ứng dụng công nghệ tàng hình và đang trong biên chế của Lực lượng không quân nước này.
Còn giới quân sự Nga chỉ còn biết than phiền đối với hiệu quả thấp của ngành công nghiệp chế tạo hàng không", bài báo Trung Quốc viết.
Nhưng trong tài liệu này chỉ đề cập tới duy nhất một trong số nhiều các tính năng của chiếc máy bay - đó là khả năng tàng hình.
Tất cả những thứ còn lại như vũ khí, tải trọng vũ khí, vận tốc, trần bay, khả năng thao diễn - cơ động, bán kính chiến đấu, khả năng phát hiện các mục tiêu trên không và trên bộ, tổ hợp phòng vệ lại không được xem xét tới, ông Vladimir Tuchkov nhấn mạnh.
Và điều này cũng dễ hiểu thôi. Chỉ kẻ lười nhác mới không lên tiếng chỉ trích chiếc Su-57 của Nga vì sử dụng "không tới" các công nghệ tàng hình trong quá trình thiết kế.
Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga.
Khả năng khó bị radar định vị phát hiện được tạo ra nhờ việc sử dụng các lớp sơn hấp thụ sóng vô tuyến đặc biệt và/hoặc sử dụng hình dáng khi động học của thân máy bay để tán xạ sóng của hệ thống radar của địch sang các hướng.
Đối với chất lượng của lớp sơn thì không ai có thể nói được điều gì cụ thể, bởi vì nó cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trong phòng thí nghiệm để nói lên chất lượng, và đây là bí mật quân sự, chả ai công bố chi tiết.
Còn để nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, cần phải có trong tay chiếc máy bay của kẻ địch. Và tạm thời chưa ai làm được điều này.
Liên quan tới hình dáng khí động học tàng hình, thì ở đây các chuyên gia đã đưa ra phương pháp xác định tiết diện tán xạ hiệu quả theo ngoại hình của chiếc máy bay, mà có được nhờ các bức ảnh và đoạn video.
Đương nhiên, việc chứng kiến tận mắt các cỗ máy được giới thiệu tại những triển lãm hàng không quốc tế cũng mang lại các dữ liệu nhất định để đánh giá về độ tiết diện phản xạ radar hiệu quả.
Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga mang tên lửa không đối không R-77 và R-73 trong thử nghiệm.
Tuy nhiên, phương pháp này có thể chỉ mang tới những đánh giá về tiết diệt phản xạ radar hiệu quả ước lượng. Và nhờ đó, có thể đưa ra các đánh giá so sánh – chiếc máy bay nào có tiết diện tán xạ hiệu quả nhỏ hơn một cách tương đối, khó chính xác.
Có một tiêu chuẩn "tàng hình" nhất định, mà theo đó, như trong giới chuyên gia Mỹ vẫn sử dụng, có thể tạo nên chiếc tiêm kích "lý tưởng".
Lấy ví dụ, trong thiết kế thân máy bay, không được phép có bất cứ một góc nhọn nào, bởi vì những chi tiết thân và cánh máy bay kiểu đó sẽ phản xạ vô tuyến, đưa sóng radar quay trở lại ăng-ten thu của hệ thống radar đối phương.
Có những yêu cầu nhất định đối với ốc vít, có nghĩa là đối với các đinh tán. Không được phép có những rãnh thẳng kéo dài.
Điều phàn nàn chính đối với Su-57 đó là các kênh của những cửa hút khí thẳng băng. Có nghĩa là qua đó sẽ thấy rõ các cánh quạt tuốc bin. Và chúng phản xạ với tia sóng của hệ thống radar.
Tất cả những của máy bay Mỹ - F-22, F-35 và B-2, các kênh của những cửa hút khí uốn lượn theo hình dáng chữ S. Nhờ đó, có thể giấu được những cánh quạt, nhưng sẽ bị mất lực đẩy của động cơ.
... chỉ là "ếch ngồi đáy giếng"
Những người chỉ trích Su-57 không hiểu tại sao lại hoàn toàn quên rằng, cả trong trường hợp cửa hút khí thẳng băng thì vẫn có thể xử lý được việc bị lộ các cánh quạt tuốc bin. Để giải quyết vấn đề này, người ta sử dụng lưới chống radar.
Nhưng tất nhiên trên Su-57 chưa được cụ thể hóa tất cả những phương pháp nhằm giảm khả năng bị radar phát hiện, đó là bí mật mà người Nga cần phải giữ kín ít nhất là trong tương lai gần.
Và không phải vì sự bất lực trong khả năng thiết kế, mà để trong cuộc chiến vì khả năng tàng hình không phải hy sinh những phẩm chất quan trọng khác của máy bay tiêm kích - diện tích khoang bụng để bố trí bom và tên lửa, khả năng thao diễn, hiệu quả nhiên liệu,...
Nhưng có lẽ cần phải đồng tình với Sohu: Tiết diện tán xạ hiệu quả của Su-57 lớn hơn đôi chút so với của các tiêm kích Mỹ. Nhưng chúng ta chỉ biết đoán về tiết diện phản xạ radar hiệu quả của tiêm kích J-20, bởi vì người Trung Quốc giữ kín nó.
Về lý thuyết, nó có thể dao động ở mức từ 0,01m2 đến 0,1m2. Nếu là 0,01m2, thì đương nhiên tốt hơn của Su-57.
Bảng so sánh các thông số kỹ thuật cơ bản của 4 loại tiêm kích tàng hình (từ trái qua): Su-57, F-22, F-35B và J-20.
Có thể tranh cãi với một vài điều được nêu trong bài viết. Lấy ví dụ, Su-57 rất kém về khả năng tàng hình trong phổ hồng ngoại.
Tuy nhiên, trên thực tế tiêm kích J-20 cũng gặp phải điều tương tự do nó sử dụng động cơ sao chép của các máy bay thế hệ thứ 4 của Nga. Thế há chẳng phải tác giả của bài báo Trung Quốc nói trên chỉ như con "ếch ngồi đáy giếng", không biết thiên hạ rộng lớn ra sao.
Nhưng người Trung Quốc hoàn toàn đúng khi nói rằng J-20 đang được khai thác, còn chiếc tiêm kích của Nga, có thể nói, tạm thời thì chưa. Hai tiêm kích này bắt đầu được chế tạo gần như cùng lúc - ngay những năm đầu của thập niên 2000.
Và Lực lượng không quân Trung Quốc đã vận hành gần 30 chiếc J-20 được hơn 2 năm. Chỉ có thể nói rằng Su-57 đã sẵn sàng, khi nào trong các đơn vị chiến đấu xuất hiện tối thiểu 10 chiếc.
Và không phải với những động cơ đời đầu, mà với các động cơ thế hệ thứ 5 bình thường hiện vẫn còn đang được hoàn thiện dưới ký hiệu "Sản phẩm 30". Có những quan ngại rằng điều đó chỉ có thể diễn ra vào giữa thập niên 2020 này, không thể sớm hơn.
Việc chiếc tiêm kích Su-57 tạm thời vẫn chưa sẵn sàng có thể đánh giá không chỉ qua giai đoạn đầu của quá trình thử nghiệm chiếc máy bay với động cơ mới "Sản phẩm 30", mà nguyên mẫu thử nghiệm đã được lắp đặt trên 2 trong số 10 nguyên mẫu Su-57 thử nghiệm bay.
Có thay đổi đáng kể của hệ thống truyền động, khi thuỷ lực dược thay bằng truyền động điện.
Chắc chắn điều đó sẽ làm cho trọng lượng chiếc máy bay nhẹ hơn. Nhờ đó, tầm bay sẽ tăng do nó có thể mang nhiều nhiên liệu hơn. Cũng có thể mang cơ số đạn lớn để triển khai nhiệm vụ chiến đấu.
Tuy nhiên, những điều chỉnh này sẽ làm cho thời hạn sẵn sàng của chiếc máy bay bị lùi lại, kéo theo thời hạn bàn giao chiếc tiêm kích tàng hình Su-57 cho Không quân Nga cũng bị thay đổi, điều mà có thể sẽ khiến nó trở nên lỗi thời về mặt tinh thần.