Truyền thông Anh đã trích dẫn ý kiến các chuyên gia và phân tích những nguyên nhân khiến Indonesia có thái độ mạnh mẽ đối với Trung Quốc trong sự kiện này.
Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều, vào giữa tháng 1, Quân đội Indonesia (TNI) đã triển khai một lực lượng gồm 600 binh sĩ Thủy quân lục chiến và ít nhất 9 tàu chiến các loại tại tuyến trước của Quần đảo Natuna.
Đến ngày 13/1, Hải quân Indonesia cũng đã đưa một tàu tuần dương và hai tàu khu trục để đối đầu với ba tàu hải cảnh của Trung Quốc. Khi thế giới bên ngoài nói về sự thay đổi của Indonesia ở Biển Đông, ít người chú ý đến dòng chảy chính trị đã thúc đẩy xu hướng này và có thể gây nên làn sóng chống Trung Quốc.
Công ty Phát thanh, Truyền hình Anh BBC ngày 18/1 đưa tin, Tổng thống Indonesia Joko Widodo vốn có quan hệ thân thiết và thân thiện với Trung Quốc, và Trung Quốc cũng có một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ở Indonesia.
Vào năm 2014, trong vòng 5 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ của Joko Widodo, ông đã đến thăm Trung Quốc hai lần và gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Giáo sư Diego Fossati làm việc tại Khoa Nghiên cứu Châu Á và Quốc tế tại Đại học Thành thị Hong Kong (City University of Hong Kong), người đã nghiên cứu nền chính trị Indonesia trong nhiều năm, nói, sự phát triển của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến các nước Đông Nam Á lo ngại.
Ông nói: "Indonesia kiên quyết đáp trả Trung Quốc, có thể là để sát cánh chiến đấu bên cạnh các nước Đông Nam Á khác để chống lại mối đe dọa của Trung Quốc".
Tuy nhiên, tình hình đã khác kể từ tháng 12/2019. Khi các nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ đấu tranh (PDI) của ông Widodo cũng ủng hộ tới tấp ủng hộ "thái độ cứng rắn" của Indonesia trong vấn đề quần đảo Natuna; thậm chí bắt đầu yêu cầu chính phủ "xem xét lại các dự án Vành đai và Con đường", thế giới bên ngoài thấy dường như ông cũng đã thay đổi theo các lực lượng chính trị chống Trung Quốc ở trong nước.
Máy bay trinh sát của Indonesia tại vùng biển phía Bắc Natuna nơi có tàu Trung Quốc vào hoạt động (Ảnh: Đa Chiều) |
Tạp chí The Diplomat (Nhà ngoại giao) của Anh đã phân tích rằng chính phủ Indonesia cũng có thể phản ứng mạnh mẽ để xoa dịu người dân, thể hiện quyết tâm kiên định đối phó với Trung Quốc.
Các học giả Trung Quốc thì chỉ ra rằng sự phản kháng của Indonesia đối với Trung Quốc có mục đích khác.
Ông Hứa Lợi Bình (Xu Liping), một nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương và Toàn cầu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng "Indonesia làm lớn chuyện các tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển tranh chấp bắt nguồn từ mạng truyền thông xã hội của Indonesia. Đằng sau họ là cái bóng của một nước lớn nọ" (có lẽ ám chỉ Mỹ).
Kể từ cuối tháng 12/2019, đã xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và Indonesia về việc bảo vệ nghề cá ở vùng biển phía Đông Bắc của Quần đảo Natuna (nằm bên trong cái gọi là Đường 9 đoạn hay "Đường hình chữ U", hoặc "Đường Lưỡi bò" mà Trung Quốc tự ý vạch ra, chiếm tới 90% diện tích Biển Đông-NV).
Trong mấy ngày sau đó, Trung Quốc đã phái nhiều tàu hải cảnh (cảnh sát biển) và tàu hải giám (giám sát biển) để hộ tống các tàu cá của họ và Indonesia cũng đã đưa các tàu công vụ tới.
Hình ảnh tàu hải cảnh Trung Quốc ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia do máy bay trinh sát của Không quân Indonesia chụp (Ảnh: Đa Chiều). |
Vào ngày 6/1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định rằng ông sẽ đưa các tàu đánh cá đến khu vực xảy ra vụ việc ở Biển Đông cùng các tàu hải quân hộ tống. Ông còn nhấn mạnh "vấn đề chủ quyền là không thể mang ra đàm phán".
Ngày hôm sau, Không quân Indonesia đã đưa tới 4 máy bay chiến đấu F-16 loại tiên tiến nhất của nước này để tuần tra quần đảo Natuna.
Trước vấn đề này, Cảnh Sảng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/1 nói rằng Trung Quốc và Indonesia là đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác thân thiện là đại cục, là dòng chính, sự khác biệt là cục bộ và dòng phụ.
Là các quốc gia ven Biển Đông và cường quốc trong khu vực, cả hai nước đều gánh vác trách nhiệm nặng nề trong việc duy trì hòa bình và ổn định của khu vực.
Tàu chiến của Indonesia trong vùng biển tranh chấp (Ảnh: Đa Chiều) |
Ông nói, Trung Quốc luôn xem xét mối quan hệ Trung Quốc - Indonesia từ tầm cao chiến lược và tầm mắt lâu dài, tin rằng phía Indonesia cũng coi trọng quan hệ song phương và đại cục ổn định khu vực, cùng phía Trung Quốc xử lý ổn thỏa các bất đồng.
Ngày 8/1, Cảnh Sảng nhấn mạnh một lần nữa rằng "Hy vọng Indonesia giữ bình tĩnh", nói rằng giữa Trung Quốc và Indonesia không có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, nhưng hai bên có các yêu sách về quyền lợi biển chồng lấn ở một bộ phận vùng biển của Biển Đông.
Ông ta đồng thời nhấn mạnh, Trung Quốc có chủ quyền đối với "Quần đảo Nam Sa" (tên Trung Quốc tự đặt cho quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các khu vực biển có liên quan.
Cảnh Sảng nói, lập trường này phù hợp với luật pháp quốc tế.
Về "thuyết mối đe dọa của Trung Quốc", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Nhạc Ngọc Thành (Yue Yucheng) từng nhấn mạnh rằng Trung Quốc "không ham muốn thành tựu phát triển của các quốc gia khác, cũng quyết không cho phép sự ổn định và an ninh của Trung Quốc bị phá hoại và không bao giờ mang lợi ích cốt lõi ra đánh đổi".
Trung tướng chỉ huy Hải quân Indonesia kiểm tra chiếc hộ vệ hạm đã tham gia xua đuổi tàu Trung Quốc trên vùng biển Đông Bắc Natuna (Ảnh: Đa Chiều) |
Cho đến nay, với việc Trung Quốc rút các tàu khỏi vùng biển phía Bắc quần đảo Natuna, tình hình căng thẳng trên biển giữa hai bên đã lắng xuống, nhưng nếu Trung Quốc lại tiếp tục đưa tàu cá và các tàu công vụ xuống thì chắc hẳn Indonesia sẽ không khoanh tay ngồi nhìn.