Ria Novosti đưa tin hôm 2/8, người đứng đầu Trung tâm Hợp tác quốc tế về an ninh của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Chu Ba tuyên bố: Ấn Độ nên rút quân khỏi lãnh thổ của Trung Quốc, nếu không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh.
Được biết, phát ngôn trên được ông Chu Ba đưa ra khi tham gia tranh luận trên kênh CGTN về căng thẳng gia tăng trên khu vực cao nguyên cùng với Thiếu tướng quân đội Ấn Độ đã về hưu là ông Ashok Mehta.
Ông Mehta cho biết, truyền thông Trung Quốc đang đưa các bài báo mang tính công kích về Ấn Độ, về một cuộc đối đầu vũ trang tiềm năng giữa hai nước, từ đó lôi kéo Ấn Độ vào cuộc xung đột.
Đại diện quân đội Trung Quốc nhấn mạnh: "Các vị đang ở Trung Quốc, và nếu các vị không muốn chiến tranh, thì phải ra khỏi lãnh thổ của chúng tôi".
Đáp lại lời, đối tác Ấn Độ cho rằng, cao nguyên Doklam là phần lãnh thổ đang tranh chấp, ông Chu Ba tuyên bố: "Bhutan đã tham gia 24 vòng đàm phán và không bao giờ đặt hoài nghi, thực tế đây là lãnh thổ Trung Quốc".
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ xung quanh tình hình khu vực khai thác mỏ trên cao nguyên Doklam, tại nơi giao các đường biên giới giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan, đã kéo dài từ hồi đầu tháng Sáu.
Công nhân Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một đường cao tốc xuyên qua cao nguyên, khiến Bhutan phản đối gay gắt. Vài ngày sau đó, quân đội Ấn Độ, một nước có quan hệ đồng minh với Bhutan, đã vượt qua biên giới quốc gia và sau một cuộc giao tranh ngắn đã buộc quân đội Trung Quốc phải rút quân khỏi khu vực cao nguyên Doklam.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó thông báo, rằng khu vực xây dựng con đường cao tốc lại một lần nữa dưới quyền kiểm soát của quân đội Trung Quốc, về vấn đề này đã được Bộ ngoại giao và Quốc phòng Trung Quốc nhiều lần kêu gọi Ấn Độ rút quân khỏi lãnh thổ Trung Quốc và không khiêu khích thêm leo thang căng thẳng.
Vào dịp kỷ niệm 90 năm Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Bắc Kinh vẫn cam kết theo hướng hòa bình và đối thoại, nước này "không phải là kẻ đi xâm lăng hay xâm lược, nhưng cũng sẽ không cho phép bất cứ ai cướp mất một phần lãnh thổ nhỏ của mình".