Vụ đụng độ ở biên giới hồi tháng Năm giữa Trung - Ấn đang đẩy quan hệ giữa hai nước vào vòng xoáy căng thẳng mới, khi mà cả hai bên đều cho điều động thêm binh sĩ và vũ khí tới khu vực tranh chấp chủ quyền. Thậm chí, quân đội Trung Quốc còn tăng cường thử nghiệm các loại vũ khí hiện đại cũng như huấn luyện binh sĩ làm quen với môi trường chiến đấu khắc nghiệt.
Cho tới nay, chính phủ Trung - Ấn chưa có bất cứ tuyên bố chính thức nào về số lượng cụ thể binh sĩ hai nước được triển khai tới vùng biên giới tranh chấp. Song theo nhiều báo cáo, quân đội Trung Quốc đã điều động nhiều hệ thống vũ khí hiện đại cũng như cải tiến dàn chiến đấu cơ để hoạt động trên những khu vực có độ cao lớn như cao nguyên Tây Tạng.
Không chỉ Trung Quốc, Ấn Độ cũng cho điều thêm một vài tiểu đoàn từ một sư đoàn bộ binh thường đóng quân ở thành phố Leh của bang Ladakh tới “những khu vực báo động” nằm dọc biên giới với Trung Quốc và đưa thêm lính tăng viện tới đây.
Chuyên gia quân sự tại Hong Kong, ông Liang Guoliang nhấn mạnh Bắc Kinh đã cho triển khai ít nhất là 9 lữ đoàn quân sự hỗn hợp bao gồm bộ binh trên núi, pháo binh, phòng không, hàng không, hóa học, hạt nhân và chiến tranh điện tử tới Bộ Chỉ huy quân sự khu vực Tây Tạng.
Căng thẳng biên giới Trung - Ấn tái bùng nổ vào tháng trước, khi hàng trăm binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ lao vào ẩu đả, đấm đá và ném đá vào nhau ở thung lũng sông Galwan nằm giữa vùng Ladakh của Ấn Độ và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát hôm 9/5.
Trước đó, Trung - Ấn từng xảy ra xung đột kéo dài hai tháng rưỡi vào năm 2017 trên cao nguyên tranh chấp Doklam. Cụ thể, căng thẳng Trung - Ấn bùng phát hồi tháng 6/2017 sau khi New Delhi quyết định điều động binh sĩ ngăn chặn Trung Quốc xây dựng một con đường cao tốc tại Doklam, khu vực vốn là điểm nóng tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan.
Quan hệ Trung - Ấn chỉ được bình thường hóa trở lại sau khi hai bên nhất trí rút toàn bộ quân khỏi cao nguyên tranh chấp Doklam vào tháng 8/2018.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, kể từ sau xung đột ở Doklam, quân đội Trung Quốc đã cho mở rộng kho vũ khí đặc chủng nhằm giành ưu thế trong các cuộc xung đột ở vùng biên giới có độ cao lớn như cao nguyên Tây Tạng bao gồm xe tăng Type 15, trực thăng Z-20, máy bay không người lái (UAV) tấn công GJ-2 và pháo tự hành PCL-181 đặt trên khung gầm xe tải 6x6.
Tiếp đó, trong bản tin được CCTV công bố hôm 1/6, Bộ Chỉ huy quân sự khu vực Tây Tạng của quân đội Trung Quốc đã điều động binh sĩ tới khu vực nằm trên độ cao 4.700 m vào lúc 1 giờ sáng để tiến hành đợt tập trận xâm nhập vào phòng tuyến địch, cũng như thử nghiệm khả năng chiến đấu trong môi trường khắc nghiệt.
Cụ thể, vào lúc 1 giờ sáng tại một địa điểm không được tiết lộ, một đơn vị trinh sát của quân đội Trung Quốc đã cho quân di chuyển tới mục tiêu nằm trên núi Tanggula. Trong quá trình di chuyển, các phương tiện quân sự đã tắt toàn bộ đèn chiếu sáng và sử dụng các thiết bị nhìn ban đêm nhằm tránh bị máy bay không người lái (UAV) trinh sát của địch phát hiện.
Trước đó, vào tháng 8/2017, CCTV cũng cho công bố đoạn video về một lữ đoàn pháo binh Trung Quốc thử nghiệm pháo tự hành PCL-181 đúng thời điểm căng thẳng ở cao nguyên tranh chấp Doklam đang gia tăng.
Trung Quốc chỉ muốn "dằn mặt" Ấn Độ
Chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, ông Zhou Chenming nhận định các đoạn video được công bố hồi năm 2017 và đoạn video về cuộc tập trận bất thường lúc 1 giờ sáng của Bộ Chỉ huy quân sự khu vực Tây Tạng đều nhằm gửi lời cảnh báo tới quân đội Ấn Độ. Nói cách khác, quân đội Trung Quốc muốn chứng minh năng lực quân sự của lực lượng này đang không ngừng nâng lên.
“Trung Quốc tiếp tục triển khai các loại vũ khí mới và được nâng cấp bao gồm trực thăng Z-20, J-10C và J-11 tới khu vực nằm cách mực nước biển 5.000 m ở cao nguyên Tây Tạng để phục vụ hoạt động huấn luyện và thử nghiệm”, ông Zhou nói.
“Tuy nhiên, hành động này chỉ nhằm gửi lời cảnh báo tới Ấn Độ chứ không phải phát động một cuộc chiến tranh bởi Bắc Kinh nhận ra rằng, Delhi không phải là kẻ thù thực sự ngay cả khi Mỹ đang có những nỗ lực lôi kéo Ấn Độ vào chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc”, ông Zhou nói thêm.
Cũng theo ông Zhou, quân đội Trung Quốc đang duy trì 70.000 binh sĩ hoạt động dọc biên giới dài gần 3.500 km giữa Trung - Ấn, trong khi đó số lượng binh sĩ Ấn Độ hiện diện ở vùng biên giới là 400.000.
Song bà Rajeswari Rajagopalan, nhà phân tích quốc phòng tại viện nghiên cứu Observer Research Foundation ở New Delhi lại cho rằng, Ấn Độ chỉ có khoảng 225.000 binh sĩ hoạt động ở vùng biên giới giáp Trung Quốc.
“Theo những đánh giá mới nhất của các chuyên gia tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Trung Quốc có từ 230.000 – 250.000 binh sĩ tại Chiến khu Tây Bộ, đơn vị quản lý cả vùng Tây Tạng và Tân Cương”, bà Rajagopalan nói.
“Điều đáng nói, phần lớn binh sĩ Ấn Độ có mặt ở biên giới không phải để đối đầu với Trung Quốc mà để thực hiện sứ mệnh chống các lực lượng nổi dậy. Các binh sĩ Ấn Độ cũng thực chất không phải tập trung hết ở biên giới, bởi Ấn Độ gặp vô vàn khó khăn để tiếp cận các lực lượng vùng biên do địa hình đồi núi phức tạp”, bà Rajagopalan phân tích.
Ông Liang nói thêm, số binh sĩ Trung Quốc thường xuyên có mặt ở biên giới cũng chỉ dưới 40.000 người. Tuy nhiên, nếu cần thì chỉ trong một ngày, Trung Quốc có thể điều quân tăng viện tới Tây Tạng từ các tỉnh kế bên như Thanh Hải, Cam Túc và ngay cả Tân Cương và Tứ Xuyên.
Trong khi đó, ông Rajeev Ranjan Chaturvedy, một chuyên gia quốc phòng ở New Delhi cho rằng, bất đồng giữa Trung - Ấn bắt nguồn từ tuyên bố của Ấn Độ khi nghi ngờ Trung Quốc tăng cường các khoản đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các vùng biên giới tranh chấp giữa hai nước.
“Cơ sở hạ tầng của Trung Quốc có quy mô lớn hơn và tốt hơn. Dù Trung Quốc không ngừng phát triển và mở rộng khả năng tiếp cận các vùng biên giới, Bắc Kinh lại không muốn Delhi làm như vậy. Trong khi, Ấn Độ vẫn quyết tâm cải thiện khả năng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở biên giới và không muốn phải được sự chấp thuận của Trung Quốc”, ông Chaturvedy kết luận.