Tình hình Syria: Nước cờ "hiếm" của Nga ở Syria

Minh Thu |

Nga đi thêm nước cờ tăng tầm ảnh hưởng ở Syria; Quân đội Mỹ - Syria lại chạm trán ở tỉnh Al-Hasakah là những diễn biến mới của tình hình Syria.

Bước đi 'chưa từng có' của Nga ở Syria

Theo tờ Ahram Online, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Syria vẫn chưa chấm dứt cùng những bất đồng liên quan tới vấn đề quân sự và chính trị, Tổng thống Vladimir Putin đã bất ngờ chỉ định đại sứ tại Damascus là ông Alexander Yefimov trở thành đặc phái viên của Tổng thống Nga phụ trách phát triển các mối quan hệ với chính phủ Syria.

Theo giới chuyên gia, lần bổ nhiệm đặc biệt này của Tổng thống Putin có nhiều ẩn ý.

Cụ thể, quyết định bổ nhiệm ông Yefimov được công bố vào thời điểm nền kinh tế Syria đã bị hủy hoại hoàn toàn sau gần 10 năm nội chiến. Giá trị đồng nội tệ của Syria cũng rớt giá thảm hại, khiến nhiều người tin rằng Syria sẽ không thể tái thiết và phục hồi trong một sớm một chiều.

Điều đặc biệt, ông Yefimov trở thành đặc phái viên của Tổng thống Nga giữa lúc cuộc chiến ngầm trong gia tộc của Tổng thống Bashar Al-Assad phần nào được công khai trước truyền thông.

Cuộc chiến ngầm giữa một bên là Tổng thống Assad và phu nhân Asmaa Al-Assad với một bên là tỷ phú Rami Makhlouf. Theo đó, ông Makhlouf tố cáo chính quyền của anh họ là Tổng thống Assad đã ra lệnh tịch thu tài sản của gia đình, đồng thời cấm làm ăn với chính phủ trong vòng 5 năm.

Trong văn bản được Bộ Tài chính Syria đóng dấu hôm 19/5 nhấn mạnh quyết định trên nhằm đảm bảo thu hồi số tiền thuế mà Tập đoàn viễn thông Syriatel do ông Makhlouf làm chủ đang thiếu nợ Bộ Viễn thông Syria. Syriatel được cho đang thiếu khoảng 77 triệu USD tiền thuế.

Trong khi đó, tỷ phú Makhlouf từng là nhân vật gần gũi và ủng hộ mạnh mẽ đối với Tổng thống Assad. Thông tin tỷ phú Makhlouf bị tịch thu tài sản được công bố trong bối cảnh, chính phủ Syria đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng nhằm củng cố nguồn tài chính cho đất nước trước áp lực từ lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây.

Bên cạnh đó, động thái mới của Tổng thống Putin được đưa ra trùng với thời điểm Quốc hội Mỹ thi hành Đạo luật bảo vệ công dân Syria Caesar nhằm mở đường áp đặt lệnh trừng phạt đối với chính quyền của Tổng thống Assad và các cá nhân cũng như quốc gia ủng hộ Damascus.

Đạo luật của Mỹ còn được cho sẽ tạo ra sức ép đối với những nước ủng hộ chính phủ Syria mà đặc biệt là Nga và Iran.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, “chiểu theo Đạo luật Caesar, Tổng thống sẽ có quyền áp đặt các lệnh trừng phạt mới với bất cứ cá nhân hoặc tổ chức làm ăn với chính phủ Syria hoặc hỗ trợ tài chính bao gồm cả các cơ quan an ninh và tình báo Syria cùng Ngân hàng Trung ương Syria”.

Đạo luật Caesar còn cho phép Mỹ trừng phạt bất cứ công ty quốc tế nào tham gia vào các lĩnh vực năng lượng, xây dựng hoặc kỹ thuật của Syria, cũng như bất cứ tổ chức và cá nhân hỗ trợ tài chính cho chính quyền Damascus.

Do đó, lệnh trừng phạt của Mỹ có thể giáng xuống các cơ quan của Nga và Iran đã hỗ trợ chính quyền Syria qua thông qua hình thức tài chính, nguyên vật liệu và công nghệ. Nhiều cơ quan của Nga cũng dường như sẽ bị đưa vào danh sách đen của Mỹ bao gồm cả quân đội Nga, các nhà sản xuất vũ khí Nga cùng các doanh nhân Nga, nhà thầu quân sự và nhà sản xuất năng lượng.

Nói cách khác, Đạo luật Caesar có thể là nguyên nhân khiến Tổng thống Putin muốn tạo thêm sức ép cho chính quyền Syria để thúc giục Ủy ban Hiến pháp xây dựng dự thảo về hiến pháp mới của Syria cũng như tiến tới cải tổ chính trị.

Bên cạnh đó, Đạo luật Caesar còn đang đẩy chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Assad vào vô vàn sóng gió khi phải đối mặt với liên tiếp các lệnh trừng phạt và bị cô lập khỏi quốc tế. Đây cũng là thông điệp rõ ràng của Mỹ về việc Washington sẽ không hỗ trợ Syria tái thiết đất nước sau chiến tranh chừng nào ông Assad vẫn giữ ghế Tổng thống.

Với tất cả những lý do trên, giới bình luận cho rằng Nga cần tăng mức độ hiện diện ở Syria. Nói cách khác, việc ông Yefimov trở thành đặc phái viên của Tổng thống Putin sẽ giúp ông Yefimov trực tiếp trao đổi và làm việc với nhà lãnh đạo Nga để đưa ra những quyết định chính trị nhanh chóng thay vì thông qua một bộ máy cồng kềnh mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, việc thăng chức cho ông Yefimov còn củng cố quyền hạn của Nga tại Syria khi nâng lên tầm Tổng thống, đồng thời làm suy giảm tầm ảnh hưởng của Iran ở Syria.

Theo đó, Nga sẽ mở rộng được tầm ảnh hưởng trong những quyết định kinh tế của Syria liên quan tới các dự án trong tương lai và loại bỏ được vai trò cùng tầm ảnh hưởng của Iran trong hiến pháp Syria.

Một dự án đầu tư trọng điểm từng được Nga – Syria ký kết vào tháng 4/2019 cùng khoản đầu tư của Nga ở cảng Tartous trong vòng 49 năm. Bên cạnh đó, các công ty Nga cũng đã ký kết với phía Syria những dự án liên quan tới dầu mỏ và khí đốt, sân bay, căn cứ quân sự, nông nghiệp và cảng biển. Tóm lại, Syria hiện là trọng tâm chiến lược của Nga ở khu vực Trung Đông.

Đáng nói, cuộc chiến ở chảo lửa Idlib giữa quân đội Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng các tay súng được Ankara hậu thuẫn được cho sẽ sớm nối lại. Do đó, Nga hy vọng có thể trở thành nhân tố quan trọng đưa ra các giải pháp chính trị để chấm dứt xung đột đẫm máu.

Quân đội Mỹ - Syria lại đối mặt

Một đoạn video được công bố trên mạng xã hội cho thấy, các quân nhân Mỹ đứng cách binh sĩ của lực lượng đặc nhiệm số 154 thuộc quân đội Syria chỉ vài mét khi hai bên chạm trán tại làng Al-Dardara.

Vụ việc xảy ra vào ngày 2/6 khi quân đội Syria từ chối để phái đoàn quân sự Mỹ đi qua khu vực làng Al-Dardara thuộc tỉnh Al-Hasakah. Trong đoạn video, trong vài phút mặt đối mặt, quân đội Syria đã khuyên binh sĩ Mỹ dừng di chuyển và quay đầu trở về hướng đi ban đầu.

Khi 3 binh sĩ Mỹ đứng gần chiếc xe bọc thép, một binh sĩ Syria đã nói rằng, “Hãy nghe và nhìn tôi đây, các người không thể đi qua khu vực này”.

Cuối cùng, phái đoàn quân sự Mỹ cũng đã chịu quay đầu, nhưng sau đó lại bị một đám trẻ trong làng ném đá tấn công.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại