Nga đang có kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự ở Syria dựa trên các thỏa thuận đang được triển khai hiện nay giữa Moscow và Damascus liên quan đến căn cứ không quân Khmeimim thuộc tỉnh Latakia và cơ sở hậu hải quân ở Tartus.
Cụ thể, ngày 29/5 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ thị cho cả Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tiến hành đàm phán các thỏa thuận mới với Damascus nhằm tăng thêm quyền thiết lập các căn cứ quân sự của nước này ở Syria.
Thông chính xác về các địa điểm mới vẫn chưa được tiết lộ nhưng nhiều khả năng sẽ có cả cảng biển và căn cứ đặt trên đất liền. Điều này cho thấy rõ ý đồ của Moscow sử dụng Syria làm bàn đạp để thực thi chiến lược dài hạn ở Trung Đông.
Thỏa thuận song phương thiết lập căn cứ cho Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga (VKS) ở Latakia và tăng cường sử dụng cơ sở hải quân tại Tartus đã được ký kết từ ngày 26/8/2015.
Theo đó, VKS được quyền tiếp cận miễn phí căn cứ không quân Khmeimim để tiến hành các hoạt động quân sự. Hai năm sau, một thỏa thuận tương tự cho phép Hải quân Nga sử dụng cơ sở Tartus. Cả hai thỏa thuận này được ký kết trong thời hạn 49 năm và được quyền tự động gia hạn thêm 25 năm nữa.
Các lực lượng vũ trang Nga ở Syria.
Thời gian tới đây, cả căn cứ không quân ở Latakia và cơ sở hậu cần hải quân ở Tartus đều sẽ được mở rộng. Theo ông Yury Shvitkin, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga, những cơ sở này sẽ tiếp tục được hiện đại hóa và phát triển để gia tăng hiệu suất hoạt động và tăng cường chức năng.
“Chức năng của Tartus hiện nay khá hạn chế”, ông Shvitkin cho biết, đồng thời khẳng định cơ sở này sẽ được Nga xây dựng thành một căn cứ hải quân đầy đủ. Trong khi đó, căn cứ không quân ở Latakia sẽ được tách ra thành hai phân khu, quân sự và dân sự, để bảo vệ tốt hơn lực lượng của Nga tại đây.
Một trong những lý do giải thích cho việc Nga muốn thiết lập thêm căn cứ và mở rộng cơ sở Tartus là tham vọng khuếch trương sức mạnh ra biển Địa Trung Hải.
“Từ bờ biển Syria, Nga không chỉ có cơ hội kiểm soát phần phía Đông mà còn là toàn bộ Biển Địa Trung Hải”, chuyên gia hải quân Anatoly Ivanov ở Moscow giải thích.
Đối với Nga, Địa Trung Hải không chỉ gần gũi về mặt địa lý mà còn cả về mặt địa chính trị. Do đó, tận dụng cơ hội để thiết lập sự hiện diện quân sự dày đặc hơn ở Syria dường như là một kế sách hợp lý.
Kể từ khi bắt đầu các hoạt động quân sự ở Syria, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu Nga đã sử dụng cơ hội này để tăng cường huấn luyện chiến đấu, tích lũy kinh và thử nghiệm hàng loạt hệ thống vũ khí mới.
Một ví dụ điển hình cho điều này là Nga đã thử nghiệm tại Syria dòng xe tăng chiến đấu chủ lực mới nhất của mình - T-14 Armata hay máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 Su-57.
Mặc dù thông tin chi tiết về kế hoạch mở rộng căn cứ quân sự của Nga ở Syria vẫn còn được giấu kín nhưng nhiều khả năng nó sẽ được xây dựng dựa trên mô hình của các hiệp định song phương hiện tại, cụ thể là sẽ sử dụng lâu dài và miễn phí.
Thông điệp mà Nga muốn chuyển tải là Moscow sẽ hiện diện dài hạn ở Syria và đây cũng là một điều “bình thường mới” đối với các Lực lượng Vũ trang Nga.
Hệ thống phòng không Pantsir-S2 và S-400 Triumph của Nga tại căn cứ Khmeimim