Mỹ khai trương Đại sứ quán tại Jerusalem: Đổ xăng để dập lửa Trung Đông Mỹ điều tàu sân bay Truman đến Trung Đông giữa căng thẳng tại Syria Trung Đông - nơi "vừa bạn, vừa thù"
Ai đang đào sâu mâu thuẫn ở Trung Đông
Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thỏa thuận hạt nhân Iran luôn là cái “gai”. Với việc rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt, ông D.Trump có nguy cơ đẩy khu vực Trung Đông vào tình huống tồi tệ. Quyết định rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) với Iran không phải là lần đầu tiên ông từ bỏ một hiệp định quốc tế.
Từ Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, việc phá vỡ các khuôn khổ đa phương đã trở thành “đặc trưng” của ông. Việc Tổng thống D.Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi JCPOA và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Đông Jerusalem được cho là 2 động thái trực tiếp nhất đang đào sâu mâu thuẫn ở Trung Đông.
Có thể nói, vấn đề Trung Đông sẽ viết lại quan hệ tam giác Mỹ-Âu-Nga, vấn đề hạt nhân Iran, vấn đề Syria sẽ không dẫn đến việc phân tách giữa Brussels, Paris, Berlin và Washington. Trong thời điểm chính quyền D.Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và kiểm nghiệm sự đồng thuận của phương Tây trong các vấn đề liên quan, sự phối hợp giữa Trung Quốc và Nga trong bối cảnh rối ren của Trung Đông càng quan trọng hơn.
Thời gian tới, Moskva và Bắc Kinh có thể một bên về quân sự, một bên về ngoại giao, thúc đẩy sự ổn định và phát triển của khu vực Tây Á-Bắc Phi, sẽ là chủ đề then chốt trong cục diện mới của thế giới.
Ở tầm lớn hơn, sức mạnh tổng hợp, ảnh hưởng ngoại giao của Mỹ hiện nay không thể cùng lúc gây sức ép lên cả Nga và Trung Quốc; giữa Bắc Kinh và Moskva, giữa hai phần Đông và Tây của lục địa Âu-Á. Đến nay, ông D.Trump vẫn chưa cho dư luận thấy rõ rằng Washington thực hiện chiến lược “tái cân bằng” trên hành trình "trở lại châu Á-Thái Bình Dương".
Qua cách hành xử của Mỹ với Trung Đông, thời gian tới, dự báo mô hình đối lập với một bên là Mỹ-Israel-Saudi Arabia, một bên là Nga-Iran-Syria ngày càng căng thẳng; mâu thuẫn giữa Sunni-Shi'ite cũng ngày càng nan giải hơn so với cuộc chiến tranh Iran-Iraq. Trong đó, trách nhiệm của ông D.Trump là lớn nhất vì những sai lầm mà ông phạm phải cũng là "khó chữa nhất".
Khủng hoảng và cơ hội
Rõ ràng, JCPOA là cái cớ Mỹ lợi dụng tạo xung đột giữa Mỹ và Iran. Với sự suy yếu về kinh tế của Iran, cả Israel và Saudi Arabia đang tận dụng cơ hội để xóa bỏ ảnh hưởng của Tehran trong khu vực cũng như sự hỗ trợ cho các lực lượng phiến quân bao gồm cả lực lượng Hezbollah ở Liban và Syria, lực lượng du kích theo dòng Shi'ite ở Iraq và Houthi ở Yemen. Vì vậy không có gì lạ khi Israel là quốc gia đầu tiên lên tiếng ủng hộ quyết định nói trên của ông D.Trump, tiếp đến là Saudi Arabia.
Đối với Iran, cuộc khủng hoảng Gaza là cơ hội để Iran thể hiện rằng việc triển khai quân đội ở nước ngoài là cần thiết. Cuộc khủng hoảng này gây phương hại tới Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nhưng lại là mở ra cánh cửa cho Hamas và đằng sau Hamas là Iran.
Cũng với lý do này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng đang sử dụng cuộc khủng hoảng Gaza để củng cố uy tín của mình trong mắt người Hồi giáo; lợi dụng vấn đề Palestine để cản trở kế hoạch của Israel.
Đối với Qatar, quốc gia đang bị phong tỏa này có cơ hội để lấy lại phần nào ảnh hưởng bị mất. Nước này từng là nhà tài trợ lớn nhất cho Gaza, trợ giúp hàng tỷ USD. Song, trong bối cảnh đang bị Saudi Arabia và các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) phong tỏa với lý do nước này trợ giúp lực lượng khủng bố Hamas, Qatar đã phải tạm lùi lại. Giờ đây, cuộc khủng hoảng có thể mở cánh cửa để Qatar khôi phục phần nào sự ủng hộ và lấy lại danh tiếng là một cường quốc nhỏ song có sức nặng địa chính trị đáng kể.
Đối với Saudi Arabia và nhiều quốc gia Vùng Vịnh Arập, vấn đề Palestine cản trở ý định mới manh nha của họ là gây dựng một liên minh với Israel để đối phó với kẻ thù chung Iran. Cuối cùng là đối với bản thân Israel, cuộc khủng hoảng Gaza không còn là thách thức quốc phòng nổi bật. Mối quan ngại lớn hơn là Iran, và những gì mà nước này có thể làm trong bối cảnh Tehran đang gây dựng ảnh hưởng tại Syria và đe dọa biên giới phía Bắc của Israel. Những cơ hội hay rủi ro địa chính trị mà các các cường quốc khu vực có thể thu được sẽ thay đổi tùy theo nhu cầu của bản thân họ vào từng thời điểm.
Một trong những đối tác quan trọng của Trung Đông là Liên minh châu Âu (EU) cũng đã bị kẹp ở giữa. Không có gì ngạc nhiên khi gần đây Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã nhận định rằng tình hình ở Trung Đông cho thấy những năm tháng người châu Âu dựa vào Mỹ và quân đội Mỹ đã kết thúc.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho rằng, người châu Âu phải chủ động hơn trong các lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng thì chắc chắn "lời nói sẽ đi đôi với việc làm". Quyết định của Tổng thống Mỹ D.Trump về Jerusalem và JCPOA được coi như cú đòn thứ ba nhằm vào nền kinh tế châu Âu trong vòng 6 tháng qua.
Các doanh nghiệp châu Âu cũng sẽ phải chịu đựng hậu quả về quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của ông D.Trump vì doanh nghiệp sẽ có 6 tháng để ngừng tất cả các hoạt động với Iran. Ngày 17-5, hãng vận tải dầu Maersk Tankers của Đan Mạch thông báo sẽ ngừng hoạt động kinh doanh tại Iran. Maersk công bố quyết định trên chỉ 1 ngày sau khi tập đoàn năng lượng khổng lồ của Pháp, Total cùng nhiều doanh nghiệp châu Âu tiết lộ ý định rút khỏi Iran trước khi các lệnh trừng phạt áp dụng trở lại.
MSC, hãng vận tải biển lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Maerk ngày 16-5 cũng tuyên bố ngừng nhận đơn vận chuyển hàng mới tới Iran. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới dự kiến cũng sẽ giảm hoạt động kinh doanh tại Iran như hãng bảo hiểm Allianz, hãng công nghệ Siemens.
Phát biểu ngày 17-5 bên lề Hội nghị thượng đỉnh EU tại thủ đô Sofia của Bulgaria, một nhà ngoại giao EU cho biết khối này hiện đang đứng giữa 2 luồng quan điểm là đáp trả Mỹ hoặc tiếp tục duy trì đối thoại với Washington. Cho dù tuyên bố bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp châu Âu và khẳng định Mỹ không thể hành động đơn phương, song rõ ràng, Mỹ vẫn là một thế lực để tất cả các bên phải tính tới.