Trung Đông: Cục diện mới sau thỏa thuận UAE – Israel

Vũ Dũng |

Kể từ khi thành lập vào năm 1948 đến nay, Israel luôn bị thế giới Arab coi là kẻ thù và cô lập trong suốt thời gian dài. Thế giới Arab luôn áp dụng sách lược "nhắm mắt làm ngơ", phủ nhận sự tồn tại của nhà nước Isarel. Tuy nhiên, Israel không những không bị diệt vong mà còn trở thành một cường quốc ở Trung Đông.

Và với thỏa thuận lịch sử UAE - Israel, nước này lại tiến thêm một bước mới quan trọng với việc hình thành một cục diện mới ở khu vực vốn là một trong những điểm phức tạp nhất của thế giới bấy lâu nay.

Việc UAE và Israel bình thường hóa quan hệ có thể dẫn đến một loạt thay đổi về địa chính trị. Một mặt, các nước Vùng Vịnh khác như Saudi Arabia và Bahrain có thể tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel và kéo theo các nước Arab khác tiếp xúc với Israel.

Là "đồng minh thân thiết" của Saudi Arabia và UAE, Bahrain không chỉ có quan hệ chặt chẽ với Mỹ mà còn duy trì tiếp xúc với Israel trong nhiều năm qua nên việc hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao có thể sẽ được hoàn tất trong tương lai gần.

Mặt khác, UAE và Israel có thể sẽ thúc đẩy hợp tác quân sự một cách chặt chẽ hơn sau thỏa thuận với mục tiêu chính là đối phó với thế lực đang lên của Iran. Đối với Israel, Iran từ lâu đã tuyên bố muốn "xóa sổ" khỏi bản đồ.

Iran vẫn thường xuyên hỗ trợ Hezbollah, Lực lượng Huy động nhân dân (PMU) của Iraq và Hamas của Palestine... vốn vẫn là những đối thủ truyền kiếp của Israel. Trước mối đe dọa đến từ Iran, quan hệ UAE - Israel có thể sẽ nhanh chóng ấm lên và phát triển theo hướng liên minh quân sự.

UAE và Saudi Arabia đã thiết lập cơ chế hợp tác tình báo với Israel để chia sẻ thông tin tình báo quân sự nhằm vào Iran. Các nhân viên quân sự của UAE đã bắt đầu tiếp nhận sự huấn luyện của Israel. Một số nhân viên công nghiệp quốc phòng của Israel cũng đã hợp tác với UAE.

Sự kiện Bộ trưởng Văn hóa và Thể thao Israel Miri Regev dẫn đội tuyển Judo đến thăm UAE để tham dự giải vô địch Judo Abu Dhabi Grand Slam năm 2018 và đến thăm Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed ở Abu Dhabi được giới truyền thông Trung Đông miêu tả là chưa từng có tiền lệ.

Tại nhà thi đấu Judo của UAE, lần đầu tiên họ cho phép kéo quốc kỳ và cử quốc ca của Israel. Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thỏa thuận thế kỷ Palestine - Israel vào đầu năm 2020, đại diện của UAE và Bahrain cũng tham dự, thể hiện sự đồng tình và ủng hộ đối với Israel.

UAE đóng một vai trò quan trọng trong cộng đồng các nước Arab Vùng Vịnh và cũng có ảnh hưởng lớn đối với thế giới Arab. Nhiều quốc gia Arab đã tiếp nhận các khoản tài trợ của UAE để duy trì sự ổn định tài chính.

UAE có quan hệ thân thiết với Saudi Arabia, thái tử của hai nước không chỉ tương đồng tuổi tác và quan hệ cá nhân khăng khít mà còn chia sẻ quan niệm địa chính trị chung.

Do đó, việc UAE thiết lập quan hệ hòa bình với Israel rất có thể sẽ lôi kéo các nước Arab khác lần lượt thiết lập quan hệ chính thức với nước này, từ đó dẫn đến những thay đổi lớn về địa chính trị ở khu vực Trung Đông.

Việc UAE và Israel đạt được thỏa thuận hòa bình và không thể tách rời vai trò trung gian của Mỹ. Ngay sau khi cuộc điện đàm kết thúc, Tổng thống Trump đã đăng trên Twitter nội dung này. Điều đó cho thấy vai trò và ảnh hưởng đặc biệt của Mỹ đối với khu vực này.

Thúc đẩy UAE và Israel thừa nhận lẫn nhau, mở đầu cho một cuộc thay đổi về cục diện có lợi cho nước Mỹ tại Trung Đông sẽ là một thành tích ngoại giao quan trọng của chính quyền đương nhiệm. Và đó là điều ông Trump mong muốn ngay trước cuộc bầu cử.

Trung Đông: Cục diện mới sau thỏa thuận UAE – Israel - Ảnh 2.

Cố vấn An ninh quốc gia Israel Meir Ben-Shabbat chạm cùi tay với quan chức UAE trước khi rời Abu Dhabi hôm 1-9.

Đối với Israel, thỏa thuận hoàn bình với UAE cũng là thành tích ngoại giao lớn. Chính phủ liên minh do Thủ tướng Netanyahu đứng đầu không chỉ phải đối phó với những áp lực xã hội như dịch bệnh ở trong nước tái bùng phát và tình hình kinh tế không mấy khởi sắc mà còn phải đối phó với thách thức cạnh tranh đảng phái.

Bản thân ông Netanyahu cũng đối diện với các cáo buộc tham nhũng của cơ quan tư pháp, do đó ông rất cần những thành tích ngoại giao để bảo vệ địa vị của mình. Tháng 5-2020, đảng Likud do ông Netanyahu lãnh đạo và Liên minh Xanh - Trắng do ông Benny Ganz lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận thành lập nội các luân phiên.

Theo thỏa thuận, ông Netanyahu sẽ chuyển giao chức thủ tướng cho Bộ trưởng Quốc phòng Benny Ganz vào tháng 11-2021. Nhiều khả năng ông Netanyahu sẽ tuyên bố giải tán chính phủ và tổ chức bầu cử sớm trước tháng 11-2021. Do đó, việc ký kết thỏa thuận hòa bình với UAE chắc chắn sẽ là "liều thuốc trợ lực" cho chính quyền ông Netanyahu hiện nay.

Giới phân tích còn cho rằng, việc UAE và Israel đạt được thỏa thuận hòa bình cũng là kết quả tất yếu của cuộc đọ sức địa chính trị ở Trung Đông. Do Thái tử UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan và Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud đều là thế hệ lãnh đạo chính trị mới trong thế giới Arab, khác với thế hệ ông cha theo đuổi sự thống nhất của thế giới Arab và "Tình anh em Arab".

Thế hệ lãnh đạo mới chú trọng nhiều hơn đến lợi ích quốc gia và đó xem ra cũng sẽ là tất yếu trong tiến trình vận động phát triển của lịch sử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại