Hôm 19/9, hãng tin TASS của Nga dẫn tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Nga đã chế tạo ra tên lửa siêu vượt âm từ các công nghệ của Mỹ được khai thác dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama và vị "phó tướng" Joe Biden.
Phát biểu trước đám đông trong cuộc mít tinh vận động tranh cử tại Sân bay thành phố Bemidji, bang Minnesota, ông Trump nhấn mạnh:
"Họ (Nga) có tên lửa, "super-duper-hypersonic missile" (tạm dịch: Tên lửa vượt âm thượng hạng)… Nó bay nhanh hơn 5 lần so với các loại tên lửa bình thường. Chúng ta có một thứ nhanh hơn nhiều, nhanh hơn như vậy rất nhiều.
Nga lấy các thông tin đó từ thời Obama, người Nga đã đánh cắp thông tin đó. Chúng ta đều biết điều đó. Nga có được thông tin và sau đó họ lắp ráp chúng", tổng thống Mỹ tiếp lời.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại tại Sân bay thành phố Bemidji, bang Minnesota(Nguồn: The New York Times).
Trước đó vào ngày 16/5/2020, trong buổi lễ thượng cờ Lực lượng Không gian tại Nhà Trắng, ông Trump cũng tiết lộ một "tên lửa thượng hạng" có "khả năng bay nhanh gấp 17 lần mọi thứ chúng ta (Mỹ) có hiện nay".
Tạm thời bỏ qua khái niệm "tên lửa thượng hạng" thứ đã bị mỉa mai trên mạng xã hội Twitter và cáo buộc Nga phát triển thành công tên lửa siêu vượt âm dựa vào các thông tin khai thác dưới thời ông Obama của ông Trump chính xác ra sao, thực tế là các quan chức quốc phòng Mỹ đã phải thừa nhận rằng họ "chậm chân" Nga và thậm chí là cả Trung Quốc trong lĩnh vực này
Ngày 7/12/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho biết Quân đội Mỹ đang "lên kế hoạch bắt kịp" và "đầu tư từng USD có thể" để đạt được bước tiến trong vũ khí siêu vượt âm.
Một nguyên mẫu tên lửa siêu vượt âm phóng từ máy bay của Mỹ (Ảnh: Không quân Mỹ).
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tự tin cho rằng hiện nay Moscow đã có vũ khí siêu vượt âm thì không có lý do gì để các nước khác chi nhiều tiền như vậy để "răn đe" Nga.
Ông Putin cũng lưu ý rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nga đã vượt xa các nước khác trong phương diện phát triển vũ khí tiên tiến.
Trung đoàn đầu tiên của tên lửa hành trình siêu vượt âm Avangard đã được Quân đội Nga đưa vào hoạt động cuối năm 2019. Ngoài ra, Nga tiếp tục thử nghiệm các loại vũ khí tối tân khác, bao gồm tên lửa hành trình chống hạm Tsirkon và tên lửa chiến lược Sarmat.
Theo chuyên gia Ryan P. Burke, vũ khí siêu vượt âm là các tên lửa "siêu nhanh", có thể bay "siêu xa".
Nếu mô tả theo hướng kỹ thuật thì tên lửa siêu vượt âm tạo ra mối đe dọa kép, chúng kết hợp khả năng cơ động trong lộ trình bay của tên lửa hành trình với tốc độ của một tên lửa đạn đạo có khả năng du hành không gian dưới quỹ đạo (không bay hết một vòng quanh quỹ đạo Trái Đất).
Các loại vũ khí siêu vượt âm có thể được triển khai theo 2 cách: như một tên lửa hành trình siêu vượt âm được phóng bằng động cơ phản lực không khí sử dụng hệ thống đẩy hydrogen, hoặc như một phương tiện lượn siêu vượt âm (HGV - hypersonic glide vehicle) được phóng bằng rocket, sau đó tách ra và lao đến mục tiêu.
Dù được triển khai bằng phương thức nào thì vũ khí siêu vượt âm đều có thể tăng tốc nhanh gấp nhiều lần tốc độ âm thanh. Tên lửa siêu vượt âm có thể bay xa hàng nghìn dặm chỉ trong vài phút, điều đó cho phép chúng qua mặt các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại.
Bên cạnh đó, tên lửa siêu vượt âm còn có thể được triển khai từ các bệ phóng di động trên bộ hoặc từ máy bay, chúng có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường, và duy trì độ chính xác tấn công cực cao.
Theo tờ The Drive, chương trình Tên lửa chiến lược tiên tiến phóng từ trên không (ASALM) được Mỹ phát triển từ những năm 1970 được cho là những công nghệ tiệm cận tên lửa siêu vượt âm hiện đại.