Lạnh lùng cảnh cáo sát vách, Nga-Ấn chuẩn bị "đòn tấn công kép" dành cho Trung Quốc?

Lâm Vy |

Kế hoạch mới của Nga-Ấn có thể sẽ trở thành một "gót chân Achilles" khác của Trung Quốc, giúp New Delhi và Moscow trấn áp "con hổ giấy".

Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Viễn Đông

Trung Quốc được cho là đã phát đi những cảnh báo ngầm tới Nga trong bối cảnh Moscow ngày càng gần gũi với New Delhi khi căng thẳng Trung-Ấn gia tăng. Dường như đáp trả lại điều đó, Nga đã quyết định không tiếp tục áp dụng các biện pháp "nửa vời" để bảo vệ lợi ích của mình trước Trung Quốc.

Theo một bản báo cáo từ Reuters, Nga hiện đang tăng cường hiện diện quân sự tại Viễn Đông để ứng phó với tình hình căng thẳng gia tăng trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm thứ Năm nhắc lại rằng, quyết định trên được đưa ra do những căng thẳng trong "hướng chiến lược phía đông", đề cập tới khu vực bao gồm biên giới phía đông của Nga với Trung Quốc, và rộng hơn là châu Á-Thái Bình Dương.

Theo trang tin TFI, có vẻ động thái của Nga còn có liên quan tới việc thời gian gần đây, một lượng lớn người dùng mạng tại Trung Quốc tuyên bố rằng Vladivostok là một phần của Trung Quốc.

Theo những người này, nơi đây vốn là quê hương Mãn Châu của nhà Thanh nhưng đã bị Đế quốc Nga thôn tính vào năm 1860, sau khi Trung Quốc bị Anh và Pháp đánh bại trong cuộc chiến tranh Nha phiến lần thứ hai.

Lạnh lùng cảnh cáo sát vách, Nga-Ấn chuẩn bị đòn tấn công kép dành cho Trung Quốc? - Ảnh 1.

Một cuộc tập trận của Nga ở Viễn Đông. Nguồn: rostechnologiesblog

Nga-Ấn phối hợp trấn áp "con hổ giấy"

Trung Quốc, trong một số lần, đã nhấn mạnh lại rằng Bắc Kinh và Moscow không phải là đồng minh, mà là đối tác chiến lược. Họ biết rằng nếu gọi Nga là đồng minh, thì điều đó đồng nghĩa với việc giấc mơ bành trướng của Trung Quốc sẽ bị ngăn cản.

Tuy nhiên, có một điều Bắc Kinh không nhận ra là, khi thúc đẩy Nga gia tăng quân sự ở Viễn Đông, họ cũng đồng thời thúc đẩy Moscow có lập trường quyết đoán hơn ở Ấn Độ Dương.

Ấn Độ là một nhà đầu tư lớn ở vùng Viễn Đông của Nga. Năm ngoái, New Delhi đã mở rộng hạn mức tín dụng trị giá 1 tỷ USD cho Nga để phát triển khu vực này.

Quốc gia Nam Á cũng đang tìm cách phát triển một tuyến đường biển nối vùng Chennai của Ấn Độ với thành phố Vladivostok ở Viễn Đông. Tuyến đường này sẽ đi qua Biển Đông, bảo toàn vùng lãnh thổ Viễn Đông của Nga và đồng thời cho phép tiếp cận Trung Quốc.

Để bảo vệ lãnh thổ của mình trước Trung Quốc, Nga sẽ sớm tiến vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuyến đường Chennai – Vladivostok có thể sẽ trở thành một "gót chân Achilles" khác của Trung Quốc, giúp New Delhi và Moscow trấn áp "con hổ giấy".

Lạnh lùng cảnh cáo sát vách, Nga-Ấn chuẩn bị đòn tấn công kép dành cho Trung Quốc? - Ảnh 2.

Moscow đang tìm kiếm sự hỗ trợ và đầu tư của Ấn Độ để đối phó sự hiện diện của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông. Ảnh: ET

Khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với Vladivostok, Nga đã đáp trả bằng cách cùng Ấn Độ tiến hành cuộc tập trận hải quân chung gần eo biển Malacca – nút thắt cổ chai chiến lược ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời là điểm yếu của Bắc Kinh trong khu vực.

Theo TFI, với sự hỗ trợ của Ấn Độ, Nga đang nói với Trung Quốc rằng, Moscow sẽ tiếp tục làm suy yếu Bắc Kinh ngay tại sân sau của mình nếu họ vẫn cố "vươn vòi" tới vùng Viễn Đông và Bắc Cực của Nga.

Ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng, Nga cũng muốn dựa vào lực lượng lao động Ấn Độ trong khu vực để chống lại sự thay đổi nhân khẩu học do các doanh nghiệp Trung Quốc gây ra ở khu vực chỉ có dân số 8 triệu người này.

Moscow đã cấm chuyển nhượng đất vĩnh viễn cho các nhà đầu tư Trung Quốc trong khu vực và buộc họ phải tuyển dụng 80% dân lao động địa phương cho tất cả các dự án sắp tới của Trung Quốc ở Vladivostok.

Nếu Ấn Độ tăng cường hợp tác với Nga thì điều đó sẽ giúp Moscow giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh, từ đó cho phép Ấn Độ kiềm chế mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc trong khu vực.

Về phần mình, thông qua "lá bài Ấn Độ", Nga dường như muốn phát đi thông điệp rằng: Trung Quốc hãy hành động thận trọng khi hai phía của họ là những đối thủ khổng lồ Nga-Ấn.

TFI nhận định, việc Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Viễn Đông cho thấy "lằn ranh đỏ" đã được vạch ra và nếu còn tiếp tục lấn tới, Bắc Kinh nên chuẩn bị cho một cuộc tấn công kép từ Nga-Ấn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại