Trẻ bị tiêu chảy cấp: Gặp 10 dấu hiệu này phải đi viện ngay kẻo con gặp nguy hiểm

Đình Mạnh |

Bệnh tiêu chảy cấp thường có những triệu chứng khá ồ ạt, đặc biệt trong 48 - 72 giờ đầu của bệnh. Trẻ có thể buồn nôn và nôn ói nhiều lần. Trẻ sẽ tiêu phân lỏng nước nhiều lần trong ngày.

Dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị tiêu chảy cấp và hướng xử trí

Tiêu chảy cấp có nghĩa là đi tiêu phân lỏng nước, trong một thời gian ngắn (cấp tính) khoảng dưới 7 ngày. Giải thích này nghe có vẻ đơn giản, nhưng đối với một số phụ huynh mà nói, là một điều không đơn giản chút nào. Đặc biệt đối với những trẻ càng nhỏ, đi tiêu nhiều lần, việc xác định trẻ có bị tiêu chảy hay không là một thử thách không nhỏ đối với ba mẹ trẻ.

Bình thường, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt dưới 6 tháng, có thể có tần suất đi tiêu nhiều lần trong ngày, trung bình từ 3 lần, đến 10 lần một ngày, hoặc hơn thế nữa. Phân của trẻ nhìn có thể sệt, lỏng, nhiều màu vàng, xanh, hoặc nâu.

Trẻ bú sữa mẹ có thể dễ sản xuất phân nhiều lần hơn và phân có nước nhiều hơn so với trẻ uống sữa công thức. Trẻ từ 1 tuổi trở lên, thông thường có khoảng 1 - 2 lần đi tiêu một ngày. Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, vì đây là một tình trạng bệnh lý, trẻ sẽ có sự thay đổi tần số đi tiêu, cũng như tính chất phân một cách đột ngột, rất dễ nhận biết.

Trẻ bị tiêu chảy cấp: Gặp 10 dấu hiệu này phải đi viện ngay kẻo con gặp nguy hiểm - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Phân trong tiêu chảy cấp thường lỏng nhiều, có nhiều nước, mùi hôi tanh và có một lượng poo poo nhiều hơn hẳn so với bình thường. Bên cạnh đó, vì đây là một hiện bệnh đường ruột, trẻ sẽ có thêm những triệu chứng khác, như mệt, quấy khóc nhiều, sốt, buồn nôn và nôn, đau bụng....

Thông thường, ở trẻ nhũ nhi, tiêu chảy được định nghĩa khi trẻ đi tiêu gấp đôi số lần đi tiêu bình thường, hoặc đối với trẻ trên 1 tuổi, là khi trẻ đi tiêu phân lỏng nước từ 3 lần một ngày trở lên.

Vì vậy, nếu trẻ 8 tháng tuổi, bình thường đi tiêu 3 lần phân sệt một ngày, bỗng dưng hôm nay đi tiêu 6 lần, phân lỏng hơn, nhiều nước hơn, chúng ta nên bắt đầu nghi ngờ trẻ có bị tiêu chảy cấp hay không. Ở trẻ nhũ nhi, tiêu chảy được định nghĩa khi trẻ đi tiêu gấp đôi số lần đi tiêu bình thường.

Một trẻ 4 tuổi, bình thường đi tiêu 1 lần một ngày, đột nhiên hôm nay đi tiêu phân lỏng nước lượng nhiều 3 lần một ngày, trẻ cũng có thể bị tiêu chảy cấp.

Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy cấp, bố mẹ nên làm gì cho trẻ tại nhà?

Bệnh tiêu chảy cấp thường sẽ có những triệu chứng khá ồ ạt, đặc biệt trong 48 - 72 giờ đầu (2 - 3 ngày đầu) của bệnh. Trẻ có thể buồn nôn và nôn ói nhiều lần. Trẻ sẽ tiêu phân lỏng nước nhiều lần trong ngày. Trẻ có thể kèm theo đau bụng, vì đường ruột của trẻ phải hoạt động quá nhanh và quá nhiều, nên co thắt gây đau. Trẻ có thể bị sốt, mệt mỏi, đừ người, khó ngủ.

Sau 2 – 3 ngày ồ ạt, các triệu chứng thường sẽ cai thiện nhanh và đáng kể. Sau ngày thứ 5, thường trẻ sẽ trở lại bình thường và hoạt động đường ruột cũng như tình trạng phân sẽ về bình thường một cách nhanh chóng.

Vì vậy, ở đa số các trường hợp, tiếp cận ban đầu hợp lý nhất là hỗ trợ triệu chứng cho trẻ, để giúp trẻ vượt qua được những ngày khó khăn đầu tiên một cách dễ dàng hơn, bớt khó chịu hơn.

Trẻ bị tiêu chảy cấp: Gặp 10 dấu hiệu này phải đi viện ngay kẻo con gặp nguy hiểm - Ảnh 2.

Trẻ có thể buồn nôn và nôn ói nhiều lần.

Nếu trẻ sốt từ 38.3°C - 38.5°C trở lên, hoặc trẻ có biểu hiện đau nhiều, chúng ta có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt, giảm đau như Acetaminophen (có thể ở dưới nhiều dạng, như Tylenol, Efferalgan, Hapacol, Panadol... - bạn nên xem kỹ thành phần biệt dược dưới tên thuốc nhé!) 10 - 15mg/kg/lần, tối đa 4 lần một ngày.

Đối với hiện tượng ói nhiều, chúng ta nên khuyến khích trẻ ăn, uống chậm lại, lượng ít lại, thường xuyên hơn, để giảm thiểu khả năng bị ói thêm ở trẻ. Đường ruột và dạ dày của trẻ lúc này đang bị "bệnh", nên sẽ không đủ sức chấp nhận một khối lượng lớn thức ăn, thức uống trong một thời gian ngắn và vì vậy sẽ gây nôn ói thêm mà thôi.

Chúng ta có thể cho trẻ uống từng ngụm nhỏ nước, sữa, hoặc đút muỗng, bơm vào miệng từ từ, thường xuyên cho trẻ. Khi bị tiêu lỏng nhiều lần và nôn ói, trẻ sẽ có nguy cơ bị mất nước, hạ đường huyết, rối loạn điện giải, làm tình trạng của trẻ nặng hơn.

Vì vậy, mục tiêu của chúng ta là có thể "bù nước và điện giải" một cách hiệu quả cho trẻ, để tránh những biến chứng này.

Ở trẻ nhũ nhi còn bú mẹ hoặc bú sữa công thức, chúng ta vẫn nên cho trẻ bú mẹ hoặc sữa công thức để bù nước, điện giải và năng lượng cho trẻ qua thực phẩm quan trọng này.

Không nên sử dụng dung dịch điện giải khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ. Vì việc cho trẻ uống điện giải có thể làm trẻ giảm uống sữa mẹ/sữa công thức và làm trẻ mệt mỏi hơn. Đối với những trẻ lớn hơn, chúng ta có thể sử dụng dung dịch điện giải thoải mái hơn.

Ban đầu, trẻ có thể từ chối thức ăn, đặc biệt là các thức ăn cứng. Điều này là bình thường và chúng ta chỉ cần hỗ trợ cho trẻ uống nước và sữa mà thôi. Chúng ta cũng có thể chuẩn bị những thức ăn dạng lỏng dễ ăn hơn cho trẻ, để xem trẻ có chấp nhận hay không.

Nếu bạn muốn cho trẻ uống nước trái cây, hoặc nếu trẻ đòi uống nước trái cây khi bị tiêu chảy cấp, nên nhớ pha loãng 1 phần nước chín với 1 phần nước trái cây. Việc uống nước trái cây nguyên chất sẽ làm cho tiêu chảy của trẻ nặng hơn, vì nước trái cây chứa nhiều đường.

Trẻ bị tiêu chảy cấp: Gặp 10 dấu hiệu này phải đi viện ngay kẻo con gặp nguy hiểm - Ảnh 3.

Việc uống nước trái cây nguyên chất sẽ làm cho tiêu chảy của trẻ nặng hơn, vì nước trái cây chứa nhiều đường.

Các loại nước ngọt, cũng như các loại nước "điện giải" thể thao được bán ngoài thị trường, cũng là một lựa chọn xấu, vì sẽ làm trẻ bị khó chịu đường ruột hơn và bị tiêu ngoài nhiều hơn, trong giai đoạn bệnh.

10 dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy cấp cần đi khám bác sĩ ngay

Chúng ta nên cho trẻ đi khám bác sĩ khi trẻ dưới 6 tháng tuổi bị tiêu chảy cấp. Vì trẻ tuổi này rất dễ bị mất nước và trở nặng bệnh mà người nhà có thể không nhận biết được.

Ở lứa tuổi này, nếu vẫn có thể điều trị ngoại trú, bác sĩ sẽ hẹn người nhà mang bé đến tái khám khá thường xuyên, đôi khi mỗi 6 - 12 giờ một lần, để có thể theo dõi sát tình trạng bệnh.

Ở trẻ lớn hơn, chúng ta nên cho trẻ đi khám bác sĩ ngay nếu trẻ có một trong những dấu hiệu nguy hiểm sau đây:

· Nếu trẻ vẫn nôn ói nhiều, mặc dù chúng ta đã cho trẻ uống chậm, ít, thường xuyên.

· Nếu trẻ không chịu ăn uống gì, trong khi trẻ vẫn còn tiêu chảy và nôn ói nhiều

. Nếu trẻ đi tiêu quá thường xuyên và chúng ta lo lắng có thể không bù được đủ nước cho trẻ

· Nếu khi nôn ói, chúng ta thấy dịch nôn ói của trẻ có màu xanh lá cây (dịch từ túi mật)

· Nếu trẻ than đau bụng nhiều, thường xuyên

· Nếu phân có máu

· Nếu trẻ có dấu hiệu mất nước

· Nếu trẻ mệt mỏi, lừ đừ, quấy khóc liên tục, hoặc nếu bạn thấy trẻ ngủ nhiều, khó đánh thức

· Nếu tiêu chảy vẫn không hết sau 7 ngày

· Nếu bạn có bất kì lo lắng nào

*Bài viết này rút từ sách "Chat với bác sĩ" của BS Trần Thị Huyên Thảo, Thái Hà Books phối hợp với Nhà xuất bản Lao Động ấn hành. Bài viết được chỉnh lý bởi biên tập viên Đình Mạnh. Các tiêu đề trong bài do Ban biên tập tòa soạn đặt.

Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo tốt nghiệp y khoa tại trường đại học Monash, Melbourne, Úc, qua chương trình học bổng toàn phần AusAid của chính phủ Úc.

Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Huyên Thảo về làm việc tại Việt Nam và có nhiều năm kinh nghiệm về Nhi Khoa. Bs Huyên Thảo hiện đang giữ vị trí Trưởng khoa Nhi, phòng khám CarePlus, và là tác giả của hai quyển sách chăm sóc trẻ: "Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng!" dành cho lứa tuổi 0-6 tháng, và "Bước đệm vững chắc vào đời" dành cho trẻ từ 0-6 tháng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại