Tiến sĩ bệnh viện K: Người bệnh không tuân thủ điều trị gây ra biến cố y khoa đáng sợ nhất

Bác sĩ Phạm Thị Việt Hương - Bệnh viện K |

Một trong các biến cố rất đáng sợ do việc không tuân thủ điều trị của bệnh nhân là việc kháng thuốc.

LTS: Bài viết của TS Phạm Thị Việt Hương, khoa Nội Nhi, Bệnh viện K Trung ương có thể giúp người đọc hiểu hơn về những nguyên nhân dẫn đến biến chứng y khoa và tâm sự làm nghề của những bác sĩ.

Tôi đã khóc rất nhiều khi xem clip khủng khiếp ấy. Cảm giác đau thấu tâm can. Cái nghề lý tưởng mà mình đã yêu, đã hy sinh tuổi trẻ, sức khỏe bản thân, đã nguyện cống hiến trọn tình đây ư?

Cảm giác phẫn nộ, bất lực, sau đó là suy sụp vì cô độc bủa vây. Cảm giác mất lòng tin vào tất cả. Giá như cái clip ấy không diễn ra trong buồng bệnh, trong bệnh viện, giá như đừng có bóng công an đi qua, giá như không có mấy đồng nghiệp đi qua, giá như không có mấy anh bảo vệ ở đó, giá như...

Bs Thiện chắc chắn sẽ đau đớn cho đến tận cuối cuộc đời. Nỗi đau này không chỉ một mình Thiện chịu đựng. Chắc chắn cha mẹ, vợ con... và hàng vạn hàng vạn bác sĩ đã phải đau đớn lắm khi xem clip.

Tiến sĩ bệnh viện K: Người bệnh không tuân thủ điều trị gây ra biến cố y khoa đáng sợ nhất - Ảnh 1.

Ảnh cắt từ clip BS bị người nhà bệnh nhân chửi.

Biến cố y khoa luôn là "vết thương lòng" với bác sĩ

Đứng trước một biến cố y khoa, bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân và dư luận nói chung thường nghĩ ngay đến do lỗi của các thầy thuốc. Bao nhiêu câu chuyện đau lòng xảy ra xung quanh các biến cố y khoa. Mặc dầu vậy, biến cố y khoa vẫn luôn là một đề tài nhạy cảm mà ít người, từ nhân viên y tế đến bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân, có thể thẳng thắn đối mặt với nó.

Biến cố y khoa khi đã xảy ra, không phải chỉ có người bệnh chịu thiệt thòi, nó luôn là "vết thương" không bao giờ mất trong lòng thầy thuốc, thậm chí ngay cả khi tất cả mọi người xung quanh đã quên, thì thầy thuốc đó vẫn sẽ còn sống mãi với "vết thương lòng".

Có nhiều dạng biến chứng y khoa: biến cố do cơ địa, biến cố do khả năng của khoa học, do hạn chế về tay nghề, về kĩ năng của người thầy thuốc, hạn chế của cơ sở y tế, hạn chế của y học nước nhà, hoặc do sai sót y khoa, biến cố do sự không tuân thủ điều trị của chính bệnh nhân.

Tiến sĩ bệnh viện K: Người bệnh không tuân thủ điều trị gây ra biến cố y khoa đáng sợ nhất - Ảnh 2.

Bác sĩ Phạm Thị Việt Hương - Bệnh viện K.

Các biến cố do cơ địa bệnh nhân thường thấy là phản ứng thuốc, sốc phản vệ… Những biến cố loại này không bắt nguồn từ sai sót chuyên môn y khoa nhưng lại hay được đổ lỗi cho nhân viên y tế. Tôi là bác sỹ điều ung thư nên càng thấy biến cố y khoa nhiều hơn vì hầu hết bệnh nhân ung thư có sức khỏe chung yếu mà các phương pháp điều trị ung thư lại tiềm tàng nhiều độc tính.

Từ chối điều trị người bệnh thì bác sỹ không gặp biến chứng y khoa nào, nhưng từ chối điều trị người bệnh đồng nghĩa với không còn là bác sỹ nữa. Vậy thì mọi người sẽ nghĩ: Thận trọng tránh được tai biến. Sự thật có nhiều tai biến y khoa xảy ra không liên quan đến việc trước đó thầy thuốc đã thận trọng.

Một trong các biến cố rất đáng sợ do việc không tuân thủ điều trị của bệnh nhân là việc kháng thuốc. Đối với một số loại kháng sinh, việc không tuân thủ điều trị tạo ra một dòng vi khuẩn kháng thuốc, mang lại sự nguy hiểm cho bản thân người bệnh và cho cả cộng đồng.

Đây là loại biến cố y khoa có tác hại rất lớn nhưng lại ít thấy dư luận phản ứng, cũng chẳng ai bắt bệnh nhân bồi thường vì không tuân thủ điều trị. Đồng thời, luật pháp cũng chẳng có điều khoản nào chế tài những người không chịu tuân thủ quy trình điều trị của thầy thuốc. Việc không tuân thủ yêu cầu của thầy thuốc lại rất phổ biến ở bệnh nhân Việt nam.

Tôi đã thấy rất nhiều người bệnh, mặc dù bác sỹ căn dặn rõ không được tự ý dùng thuốc nếu không được sự đồng ý của bác sỹ, không tự ý điều trị bằng một phương pháp khác với phương pháp đang điều trị mà không cho bác sỹ biết…

Nhưng hàng ngày, tôi vẫn thấy bệnh nhân tự ý mua thuốc không theo đơn, đến điều trị "thêm" ở một cơ sở nào đó một cách bí mật, thậm chí là Lang vườn, hoặc Thầy cúng. Đến khi tai biến xảy ra, bác sỹ điều trị bất ngờ và khó có thể chủ động cấp cứu bệnh nhân được.

Những biến cố do hạn chế y học của phương pháp điều trị như hủy hoại các tế bào lành do xạ trị, hóa trị trong ung thư… cũng làm cho nhiều bác sĩ dở khóc dở mếu khi bị bệnh nhân và thân nhân cho rằng do bác sĩ tắc trách. Ví dụ, hầu hết các hóa chất điều trị ung thư đều dẫn tới ức chế tủy xương là hạ bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu.

Biến cố này có thể chắc chắn xảy ra ở một số phác đồ điều trị mà không thể tránh khỏi. Nhiều bệnh nhân ở nhà, không kịp thời đến bệnh viện ngay theo lời dặn của bác sỹ, hậu quả là đến quá muộn, biến chứng nặng, tử vong.

Biến chứng do sai sót chuyên môn y khoa là biến cố dễ đưa các thầy thuốc vào trạng thái u uất nhất. Tuy nhiên, trong nhóm này cũng cần phải phân biệt biến cố do lỗi cẩu thả, do sự không tuân thủ qui trình khám chữa bệnh của nhân viên y tế hay biến chứng do sự hạn chế về mặt kĩ năng của người thầy thuốc.

Theo tôi, biến cố do sự cẩu thả của thầy thuốc không nhiều vì thầy thuốc làm việc theo một e kíp, có hội chẩn, có sự trợ giúp và giám sát của đồng nghiệp. Trên thực tế, ngay cả khi đã hết sức cẩn thận, qui trình rất chuẩn nhưng vẫn có thể xảy ra những biến cố do sự hạn chế về tay nghề, hạn chế về kĩ năng của người thầy thuốc.

Tiến sĩ bệnh viện K: Người bệnh không tuân thủ điều trị gây ra biến cố y khoa đáng sợ nhất - Ảnh 3.

Một trong các biến cố rất đáng sợ do việc không tuân thủ điều trị của bệnh nhân là việc kháng thuốc. (Ảnh minh họa)

Khi xảy ra biến cố y khoa, xin đừng kết tội bác sĩ không cứu chữa tận tình

Đứng trước một biến cố y khoa, bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân và dư luận nói chung thường nghĩ ngay đến do lỗi của các thầy thuốc. Để tránh được các căng thẳng của người bệnh và dư luận khi biến cố y khoa xảy ra, các thầy thuốc cần giải thích thật rõ cho người bệnh những vấn đề có thể xảy ra trước khi áp dụng một biện pháp khám chữa bệnh nào đó.

Người bệnh cần hiểu cơ hội hết bệnh cũng như nguy cơ của tai biến, cần hiểu những tai biến nào tất yếu xảy ra, những tai biến nào có thể xảy ra, mức độ, tính thường gặp của tai biến.

Một sai lầm rất lớn là người bệnh hay nghĩ đã nhờ vả thì bác sỹ không thể để xảy ra tai biến. Vì nghĩ vậy nên một khi biến cố xảy ra, thân nhân người bệnh dễ có tâm lý phủ nhận sạch trơn những điều tốt đẹp mà mình đã thấy từ bác sỹ trước đó, dẫn tới phẫn nộ, kiến nghị, kiện cáo tùm lum.

Như đã trình bày ở trên, đa số các biến cố y khoa không phụ thuộc vào sự tốt xấu của thầy thuốc mà phụ thuộc vào các yếu tố ngoài khả năng của người thầy thuốc.

Một điều quan trọng nữa mà cả xã hội cũng như từng người dân, kể cả các thầy thuốc phải ý thức được, biến cố y khoa luôn gắn liền với mọi hoạt động y khoa.

Chúng ta cần hiểu rằng khi chấp nhận một phương pháp chẩn đoán hoặc điều trị, bên cạnh khả năng nhận được những mối lợi (chẩn đoán ra bệnh, điều trị khỏi bệnh) luôn tiềm ẩn nguy cơ nhận được điều ngược lại - những biến cố y khoa mà không ai mong muốn.

Bất cứ một phương pháp chẩn đoán hay điều trị nào cũng có tính hai mặt của nó. Không bao giờ có một phương pháp chẩn đoán hay điều trị an toàn tuyệt đối cả. Người bệnh cần hiểu điều này. Khi còn phân vân, hãy hỏi thẳng bác sĩ, nếu cần có thể trao đổi đến cùng.

Tiến sĩ bệnh viện K: Người bệnh không tuân thủ điều trị gây ra biến cố y khoa đáng sợ nhất - Ảnh 4.

Đứng trước sinh mạng người bệnh, không có bác sỹ nào thờ ơ, vô cảm hoặc có tư tưởng "làm tiền" cả. (Ảnh minh họa)

Bài học xương máu của tôi cho thấy với những người bệnh có vẻ "khó chịu", trao đổi kĩ lưỡng về tai biến trước khi thực hiện, khi xảy ra tai biến họ bình tĩnh hơn, dễ chấp nhận các cách khắc phục hậu quả tai biến hơn những người trước đó xuề xòa và đặt hết niềm tin vào thầy thuốc.

Thái độ của truyền thông góp phần không nhỏ vào thái độ chung của xã hội, của người dân đối với biến cố y khoa và với các thầy thuốc. Loại trừ một số ít nhà báo vì những lí do nào đó cố tình viết sai sự thật, một số nhà báo khác bị các thành kiến xã hội chi phối hoặc tiếp cận thông tin từ một phía, dẫn đến thiếu khách quan khi đưa tin.

Trong nhiều sự việc, có một số nhà báo mà tôi tin là không cố tình viết sai sự thật, nhưng vì tiếp nhận thông tin từ một nhóm định kiến, và cũng chỉ tiếp nhận thông tin từ đó, bản thân nhà báo lại không học về y nên đã có những nhận định sai.

Giới truyền thông cần có một cái nhìn khách quan. Các bạn có thể thương cảm, đau xót cho những người bệnh chịu biến cố y khoa thì các bạn cũng cần phải hiểu cho những gì người thầy thuốc phải chịu đựng khi xảy ra biến cố y khoa đó.

Bản thân tôi đã nhiều lần lang thang vô định nghĩ về chuyện bệnh nhân của mình đang diễn biến nặng như vậy có lỗi gì của mình trong đó không. Đã có những thầy thuốc giỏi chuyên môn, kinh nghiệm lâu năm có ý định bỏ nghề chỉ vì những biến cố y khoa mà họ là người tham gia vào quá trình điều trị chứ không phải là do sai sót chuyên môn của họ gây ra.

Đứng trước sinh mạng người bệnh, không có bác sỹ nào thờ ơ, vô cảm hoặc có tư tưởng "làm tiền" cả. Đứng trước mất mát, không thầy thuốc nào thanh thản được vì sứ mệnh nghề nghiệp đặt lên vai họ là cứu người chứ không phải là giết người.

Vì vậy, khi biến cố y khoa xảy ra, xin đừng kết tội bác sỹ là "chắc vì không cho nó tiền nên nó không tận tình cứu chữa", xin đừng dùng những ngôn từ nghiệt ngã của những người không hiểu gì về y học để gây ra những cơn bão mạng, thiếu khách quan và thiếu tính xây dựng làm đau lòng bác sỹ - những người không thể dừng việc cứu người hàng ngày, hàng giờ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại