Không cùng chí hướng, Iran vẫn chọn Nga “sát cánh”
Giữa bối cảnh leo thang căng thẳng vùng Vịnh có nguy cơ bùng phát thành một cuộc chiến nguy hiểm, Nga có kế hoạch sẽ sử dụng các cảng biển của Iran ở Bandar-e-Bushehr và Chabahar làm các căn cứ quân sự cho tàu chiến và tàu ngầm hạt nhân với sự canh gác của hàng trăm binh lính thuộc Lực lượng Đặc biệt có vai trò như những "cố vấn quân sự" và một căn cứ không quân gần Bandar-e-Bushehr tập trung 35 máy bay Sukhoi Su-57.
Đợt tập trận chung tiếp theo giữa Nga và Iran ở Ấn Độ Dương và Eo biển Hormuz cũng sẽ đánh dấu cho sự khởi đầu của việc Moscow mở rộng hoạt động quân sự tại Tehran, khi mà những con tàu của Nga được Iran cho phép sử dụng các cơ sở vật chất ở Bandar-e-Bushehr và Chabahar.
Dựa trên phản ứng trong nước và quốc tế đối với việc này, những con tàu này hoặc sẽ giữ nguyên, hoặc sẽ mở rộng số lượng trong 50 năm tới.
Chuyên gia Simon Watkins phân tích trên trang OilPrice rằng việc Nga tìm cách gây ảnh hưởng với Iran hiện nay cũng tương tự như những gì nước này từng làm với Syria. Moscow đã "đổi" sự ủng hộ về mặt chính trị và kinh tế đối với chính quyền Tổng thống Assad để "lấy" những điều kiện về quân sự.
Đầu tiên, Nga cử các lực lượng tới căn cứ Không quân Khmeimim của nước này ở Syria với vai trò là cố vấn quân sự, đồng thời triển khai hệ thống tên lửa S-400 ở trong và xung quanh tỉnh Latakia.
Sau đó, Nga mở rộng sự hiện diện ấy và hợp thức hóa bằng một thỏa thuận với chính quyền Syria vào tháng 1/2017 mà theo thỏa thuận này, Nga được phép tiếp tục các hoạt động của mình tại Latalia cũng như sử dụng các cơ sở hải quân ở Tartus trong 49 năm tới.
Đây cũng chính là hình thức thỏa thuận mà lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei đã nhất trí trong một vài ngày trước với Nga, bất chấp sự phản đối từ các đồng minh của Tổng thống Hassan Rouhani vốn ủng hộ Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Quyết định của Iran khi "ngả" về phía Nga khiến nhiều người ngạc nhiên bởi hai quốc gia vốn không cùng chung lợi ích trong nhiều vấn đề song có 2 lý do cơ bản để Tehran thực hiện chiến lược này.
Thứ nhất, Iran không có lựa chọn nào khác ngoại trừ Nga với tư cách là một đồng minh trong cuộc chiến chống lại lệnh trừng phạt và sức ép từ phía Mỹ.
Chỉ có 5 thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà trong đó, Mỹ luôn đối đầu với Iran, Anh và Pháp lại là những đồng minh thân cận của Mỹ, Trung Quốc thì dựa vào thời thế mà quyết định ủng hộ hay "im hơi lặng tiếng". Có lẽ chỉ còn duy nhất Nga là Iran cảm thấy có thể “liên thủ”.
Nga và Iran không có cùng lợi ích và mục tiêu trong nhiều vấn đề nhưng dù sao Moscow có vẻ vẫn là đồng minh tiềm năng nhất để "sát cánh" cùng Tehran trước những sức ép gia tăng từ phía Mỹ.
Lý do thứ hai là Tổng thống Iran Rouhani cùng những cộng sự của ông ủng hộ việc hòa hợp với phương Tây và thỏa thuận hạt nhân đã không thể thuyết phục được những người đã bỏ phiếu cho ông và thậm chí cả Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei rằng JCPOA sẽ đem lại sự thịnh vượng cho Tehran như ông Rouhani - "kiến trúc sư" của thỏa thuận này từng hứa hẹn.
"Lãnh tụ tối cao Ali Khamnei từng ủng hộ Tổng thống Rouhani một vài năm đầu nhưng hiện ông ấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhất trí với những đề xuất của lực lượng IRGC mà trong đó, thỏa thuận với Nga được đặt lên trước", một quan chức cấp cao Iran cho biết.
Do đó, có thể nói rằng việc Iran trao 2 cảng biển chiến lược quan trọng cho Nga vừa là một quyết định bất đắc dĩ mà cũng là một quyết định tự nguyện.
Nga “nắm đằng chuôi”, kiếm soát toàn bộ Vịnh Ba Tư?
Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Borge Brende nhận định trên CNBC hồi tháng 7 rằng sự hiện diện của Nga ở Trung Đông đang gia tăng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà động thái này của Moscow trùng với thời điểm Washington rút quân và căng thẳng vùng Vịnh vẫn đang sục sôi từng ngày.
"Tôi nghĩ có một thực tế rõ ràng là chúng ta ngày càng thấy nhiều "dấu chân" ảnh hưởng của Nga tại khu vực", ông Brende đánh giá.
Theo chuyên gia này, ngoài quân sự, Nga thậm chí còn gia tăng ảnh hưởng cả ở các lĩnh vực thương mại và đầu tư. "Chúng ta thấy các nước vùng Vịnh đang thảo luận rất nhiều với Nga về giá dầu bởi Nga là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, thậm chí lớn hơn cả Saudi Arabia".
Đúng như ông Brende nhận định, Nga tăng cường hiện diện ở Trung Đông không chỉ vì quân sự mà còn vì dầu mỏ.
Cách đây hơn 10 ngày, qua một tài liệu chính thức được Liên Hợp Quốc phê duyệt, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra một khái niệm mới về an ninh Vịnh Ba Tư.
Moscow nhấn mạnh "hoạt động thực tế trong việc khởi động một tiến trình nhằm xây dựng hệ thống an ninh ở Vịnh Ba Tư" nên bắt đầu "bằng những tham vấn song phương và đa phương giữa các bên liên quan, gồm cả các nước trong khu vực và ngoài khu vực" cũng như các tổ chức như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Liên đoàn các nước Arab, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh.
Sáng kiến này của Nga, bên ngoài là để đảm bảo an ninh vùng Vịnh nhưng sâu xa còn nhằm hợp thức hóa sự hiện diện của nước này tại đây.
Thỏa thuận toàn diện giữa Nga và Iran vừa được ký kết đã một phần của bản ghi nhớ 22 điểm do Thứ trưởng Dầu mỏ Iran Amir-Hossein Zamaninia và Thứ trưởng Năng lượng Nga Kirill Molodtsov nhất trí với nhau giữa bối cảnh 2 bên đang tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, đối với ngành dầu khí, Nga sẽ cấp 50 tỷ USD mỗi năm cho Iran và duy trì khoản tiền này trong ít nhất 5 năm để hoàn thành các dự án dầu khí ưu tiên hàng đầu theo tiêu chuẩn phương Tây, ước tính tốn khoảng 250 tỷ USD.
Một khoản tiền trị giá 250 tỷ USD khác sẽ được cấp trong 5 năm sau đó để Tehran xây dựng các mặt còn lại của nền kinh tế. Đổi lại, Iran sẽ tạo điều kiện cho các công ty Nga trong các thỏa thuận thăm dò dầu khí trong tương lai cũng như bổ sung vào thỏa thuận đã đạt được tại thời điểm đó.
Ngoài ra, một điểm quan trọng về mặt quân sự là Iran nhất trí mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga, cho phép Moscow mở rộng các điểm thăm dò tín hiệu và tăng gấp đôi số lượng các sĩ quan cấp cao của IRGC được cử tới Moscow để đào tạo.
Thỏa thuận này cũng bao gồm một điều khoản không cho phép Iran áp các lệnh trừng phạt lên bất kỳ công ty phát triển nào của Nga thi công chậm tiến độ trong bất kỳ lĩnh vực nào trong vòng 10 năm.
Trong thời gian đó, Nga cũng có quyền quyết định lượng dầu sản xuất từ mỗi mỏ (theo thùng), thời gian bán (theo ngày), bên bán là công ty nào và giá dầu là bao nhiêu.
Như vậy, Nga không chỉ có quyền tiếp cận tất cả các nguồn dự trữ dầu trong đất liền, ngoài khơi của Iran và trên biển Caspi để bán theo ý muốn mà nước này còn có thể đảm bảo việc sử dụng 2 cảng chiến lược có vị trí tốt nhất của Iran và các khu vực xung quanh nằm trong điểm nóng về khí đốt nhạy cảm nhất thế giới này, đồng thời duy trì hiệu quả ảnh hưởng trên Eo biển Hormuz.
Dĩ nhiên Eo biển này vẫn là tuyến đường vận chuyển dầu mỏ quan trọng nhất của thế giới và Vịnh Arab tới Viễn Đông qua Ấn Độ Dương với khoảng 35% lượng dầu trên biển và 1/3 lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng toàn cầu đi qua đây.
"Bandar-e-Bushehr và Chabahar sẽ giúp Nga "nắm đằng chuôi" quyền kiểm soát toàn bộ vùng Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương - một cơ hội cho phép Nga tiến hành tập trận hải quân dễ dàng hơn với Trung Quốc", một nhà phân tích tại London nhận định trên OilPrice.
"Thực tế là việc Nga có ý định sử dụng 2 cảng biển này không chỉ cho các tàu chiến mà còn cho các tàu ngầm hạt nhân khi vùng biển nằm ở các cảng phía bắc của nước này bị đóng băng đã giúp Nga có thêm một quân bài mặc cả để đàm phán với phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng"./.