Suốt 5 thế kỷ gần như đứng ngoài mọi cuộc chiến, kể cả hai cuộc Đại chiến thế giới. Lần duy nhất chính sách trung lập của Thụy Sĩ bị lung lay là dưới thời Napoleon, mặc dù khi đó họ vẫn cố gắng kiềm chế và tái lập chính sách này một cách kiên định từ năm 1815.
Đó thực sự là một thành tích ấn tượng. Nhưng tại sao, Thụy Sĩ, đất nước nổi tiếng với những chiến binh đánh thuê từng chiến thắng nhiều kẻ thù, lại quyết định theo đuổi chính sách không bao giờ động binh đao?
Câu trả lời xuất phát từ một trận chiến quan trọng giữa Thụy Sĩ với Pháp trên chiến trường Marignano trong giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh Liên minh Thần thánh năm 1508-1516.
Vào thời Trung cổ, người Thụy Sỹ rất giỏi chiến đấu. Họ giỏi đến mức có thể biến nó thành một nghề hốt bạc, với nhiều chiến binh tham gia các lực lượng đánh thuê khắp châu Âu. Lính Thụy Sỹ là những chiến binh đáng tin cậy. Do đó, đánh thuê là một nguồn thu nhập tốt cho đến khi họ đại bại ở trận Marignano với quân Pháp.
Trước trận chiến này, người Thụy Sĩ đã tận hưởng một chuỗi dài chiến thắng, họ cướp bóc và chiếm được phần lớn miền Bắc Italy, bao gồm cả Milan, một cứ điểm then chốt với quân đội Pháp đối địch.
Trận Marignano là một cuộc chiến khốc liệt, mặc dù người Thụy Sĩ chịu tổn thất khủng khiếp, nhưng họ đã tiến gần đến chiến thắng. Ảnh: Wikipedia Commons
Quân Pháp, dưới thời Quốc vương mới và trẻ tuổi Francis, đã quyết định gây bất ngờ cho người Thụy Sĩ bằng một cuộc tiến quân nguy hiểm trên con đèo vắt qua dãy Alps, và đổ xuống vùng đồng bằng quanh Milan.
Quân Thụy Sĩ ban đầu đề nghị đàm phán với Pháp, nhưng khi lực lượng tiếp viện kéo đến, họ quyết định từ bỏ nỗ lực thương thảo và chuẩn bị ngay cho trận chiến.
Phía Thụy Sĩ có khoảng 22.000 quân, đối mặt với 40.000 quân Pháp, bao gồm lực lượng lính đánh thuê hiếu chiến Landsknechts từ Đức, cùng với đội kỵ binh và pháo binh đáng sợ. Nhưng người Thụy Sĩ không quá quan tâm đến tương quan lực lượng chênh lệch sau khi đã giành chiến thắng tương tự chỉ vài năm trước trong trận Novara.
Trước thềm trận chiến, Vua Pháp Francis quyết định bố trí hàng chục khẩu pháo dọc theo chiến tuyến ở trung tâm đội hình, còn kỵ binh thì mở rộng ra hai bên sườn.
Trong khi đó, người Thụy Sĩ tập trung thành một đội hình bộ binh lớn vì họ không có kỵ binh hay pháo binh yểm trợ. Chiến lược của Thụy Sĩ là xông thẳng về phía những khẩu đại bác, chiếm lấy vị trí và xoay pháo để bắn trả quân Pháp. Chiến thuật táo bạo này đã từng phát huy hiệu quả với họ trước đây.
Quân đội Thụy Sĩ thực sự là lực lượng bộ binh đáng kinh ngạc, họ chiến đấu chủ yếu bằng giáo nhọn, nhưng có thể chuyển sang các vũ khí khác khi giáp lá cà. Trong tranh là cảnh họ chiến đấu ác liệt với quân Đức đánh thuê cho Pháp. Ảnh: Wikimedia Commons
Cuộc tấn công của quân Thụy Sĩ bắt đầu ngay trước khi Mặt trời lặn và quá nhanh đến mức pháo binh Pháp lúng túng chưa kịp phản xạ. Người Thụy Sĩ nhờ đó chiếm được một số khẩu pháo và lao vào chiến đấu ác liệt với lính đánh thuê Đức.
Hai đội quân, vốn đua tranh danh hiệu lực lượng chiến binh thiện chiến nhất châu Âu, đã xông vào nhau dữ dội trong trời hoàng hôn. Sau đó đội kỵ binh Pháp, dẫn đầu là Vua Francis, xông tới yểm trợ, giúp đẩy lui quân Thụy Sĩ trước khi cả hai bên rút lui vì trời tối.
Ngày hôm sau trận chiến lại tiếp diễn tương tự, cũng với chiến thuật chiếm pháo của Thụy Sĩ. Họ điều một lượng quân khổng lồ lao về phía các khẩu đại bác, nhưng lần này, pháo binh Pháp đã được chuẩn bị. Những quả đạn đại bác xé toạc đội hình chặt chẽ của Thụy Sĩ. Nhưng không nản lòng, quân Thụy Sĩ tiếp tục xông lên, nhằm thẳng dàn pháo.
Một cuộc giao chiến khốc liệt đã diễn ra với đội lính đánh thuê Đức, trong khi kỵ binh và pháo binh Pháp bắn thẳng vào đội hình đầy kỷ luật của người Thụy Sĩ.
Trận chiến diễn ra bế tắc cho đến khi lực lượng Venetian đồng minh của Pháp tham chiến. Các cuộc tấn công từ bên sườn cộng với nhân lực bổ sung cuối cùng đã xoay chuyển tình thế và buộc quân Thụy Sĩ phải rút lui.
Đại bác bắn liên hồi, cùng với kỵ binh xông xáo khắp chiến trường đã khiến quân Thụy Sĩ phải trả giá đắt. Họ có thể đã tổn thất hơn một nửa binh sĩ, trong khi phía Pháp chỉ có khoảng 5.000 người thương vong.
Đại bại, Thụy Sĩ đã phải ký kết hiệp ước hòa bình với Pháp. Văn bản này có tên “Hiệp ước Hòa bình Vĩnh viễn”, tuyên bố rằng cả Pháp và Thụy Sĩ đều không bao giờ được gây chiến với nước còn lại, và cũng không bao giờ được liên minh với quốc gia kẻ thù của nước kia.
Bức họa "Dying Swiss" của họa sĩ Ferdinand Hodler năm 1900, mô tả người lính Thụy Sĩ tử trận.
Thụy Sĩ được bảo vệ bởi những rặng núi trùng điệp bao quanh.
Điều khoản này được hai bên kiên trì thực thi cho đến cuộc cách mạng Pháp 1789, khi lính Pháp xâm lược Thụy Sĩ.
Trong nhiều thế kỷ, lập trường về tính trung lập càng trở nên mạnh mẽ hơn, cuối cùng Thụy Sĩ đã xây dựng luật nhằm ngăn cấm công dân chiến đấu trong các cuộc chiến tranh ở nước ngoài.
Trong thời kỳ hiện đại, một số binh sĩ đã được phái đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, và máy bay tham chiến Thế chiến thứ hai từng bị bắn rơi trên không phận Thụy Sỹ.
Tuy vậy, người Thụy Sĩ về cơ bản vẫn giữ được nguyên tắc trung lập của mình vì đất nước họ được ban cho khả năng phòng thủ tự nhiên nổi bật. Những ngọn núi vây quanh là một trở ngại khó khăn với ngay cả một đội quân xâm lược hiện đại.
https://baotintuc.vn/ho-so/tran-chien-dam-mau-khien-thuy-si-trung-lap-suot-500-nam-qua-20191030154130184.htm