'Trạm y tế không muốn quản lý điều trị những bệnh như huyết áp, đái tháo đường...'

XUÂN MAI |

Do bệnh không lây nhiễm, không lây truyền nên việc hỗ trợ từ quốc tế hiện nay rất ít. Các trạm y tế cũng không muốn quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm vì gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trạm y tế không muốn quản lý điều trị những bệnh như huyết áp, đái tháo đường... - Ảnh 1.

Lại Đức Trường - đại diện văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - kiểm tra các loại thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm tại Trạm y tế phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI

Đây là ý kiến của ông Lại Đức Trường - đại diện văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam - trong buổi thảo luận hỗ trợ tăng cường quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế, xã, thị trấn vào ngày 14-9.

Ông Trường cho hay hiện nay, số người mắc bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng rất cao, nổi bật nhất là tăng huyết áp và đái tháo đường. Theo một điều tra sắp công bố, hiện tỉ lệ người từ 18 đến 69 tuổi trên cả nước bị tăng huyết áp là 26%, còn tiểu đường là 7,1%.

Mặc dù lượng bệnh nhiều như vậy nhưng theo ông Trường, số lượng quản lý điều trị rất thấp. Theo đó, có hơn 86% người bị cao huyết áp và hơn 70% người bị đái tháo đường không được quản lý.

Điều này cũng dẫn đến tỉ lệ tử vong các bệnh không lây nhiễm ở nước ta rất lớn, chiếm tới 77% tổng số ca bệnh, trong đó số người tử vong sớm (trước 70 tuổi) chiếm 44%. Với đặc điểm quan trọng của bệnh không lây nhiễm là không lây truyền nên quốc tế hỗ trợ rất ít.

"Đây là khoảng trống lớn trong quản lý điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường", ông Trường nói.

Với số lượng người mắc các bệnh không lây nhiễm nhiều và ngày càng gia tăng, theo ông Trường, cần củng cố hệ thống y tế, trong đó có cả y tế cơ sở để quản lý, điều trị lâu dài bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên các trạm y tế không muốn quản lý điều trị vì nhân viên y tế không có thu nhập tăng thêm và sợ bị xuất toán, làm sai thì bị trừ lương.

Bên cạnh đó, bệnh viện tuyến huyện không hỗ trợ hay khống chế trạm y tế vì sợ mất thu nhập do mất bệnh nhân. Trạm y tế lại có tâm lý mong đợi hỗ trợ điều trị từ bệnh viện tuyến trên, hay lãnh đạo địa phương chưa quan tâm đúng mức cũng là những thách thức, khó khăn trong quản lý, điều trị.

Về quy định chế độ cho cán bộ trạm y tế từ nguồn khám chữa bệnh của Bộ Y tế, theo ông Trường, còn thiếu hoặc chưa phù hợp. Chẳng hạn theo thông tư liên tịch số 37 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính thì giá khám cho bệnh nhân ở trạm y tế là 29.000 đồng, bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, trong đó chi phí khám chỉ có 7.000 đồng/bệnh nhân.

“Cán bộ nhân viên y tế trạm y tế lương rất thấp. Dù quản lý 0 bệnh nhân hay chục bệnh nhân hay mấy trăm bệnh nhân vẫn bấy nhiêu lương. Ai muốn làm, mà nếu làm sai thì ai xuất toán. Bên cạnh đó Bộ Y tế có xu hướng chuyên khoa hóa y tế cơ sở”, ông Trường nói.

Để giải quyết tình trạng này, theo ông Trường, cần rất nhiều nguồn lực và thời gian để quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm có hiệu quả trong cộng đồng.

Theo đó, cần giao hệ thống kiểm soát bệnh tật chịu trách nhiệm chỉ đạo, quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế. Trạm y tế trước mắt chỉ thực hiện những dịch vụ thiết yếu và theo dõi chặt chẽ tiến triển bệnh qua hệ thống báo cáo trực tuyến.

Ông Trường thông tin thêm, hiện có rất nhiều bệnh không lây nhiễm nhưng WHO khuyến cáo tập trung 4 nhóm bệnh chính có tỉ lệ tàn tật và tử vong cao nhất là: tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính.

Nguyên nhân chính gây ra bệnh là do thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường máu và mỡ máu với những yếu tố nguy cơ là hút thuốc lá, rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực và ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, già hóa dân số.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại