Mẫu xe trang bị pin mặt trời của Aptera. Ảnh: Aptera
Cùng với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ pin lithium chính là hai thành tố chính tạo nên cuộc cách mạng của xe điện so với xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Bạn đọc có thể theo dõi toàn bộ tuyến bài TRÁI TIM NĂNG LƯỢNG của xe điện tại đây.
VỪA ĐI VỪA SẠC XE ĐIỆN CÓ ĐƯỢC KHÔNG?
Ở thời điểm hiện tại, việc sạc xe đa phần được thực hiện khi chiếc xe dừng đỗ ở một nơi có nguồn điện và được thực hiện thông qua bộ sạc.
Tuy nhiên cũng có những cách khác để nạp năng lượng cho pin của xe điện. Cách thức có thể kể tới như sử dụng công nghệ phanh tái tạo, sạc không dây hoặc sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời.
Những lo ngại về việc tìm kiếm trạm sạc có lẽ sẽ tiêu tan khi công nghệ pin năng lượng mặt trời được áp dụng lên ngành công nghiệp xe điện. Ví dụ tiêu biểu nhất là mẫu ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời của Aptera Motor dự kiến ra mắt vào cuối năm nay 2021.
Mẫu xe 3 bánh của Aptera có thể vừa đi vừa sạc bằng pin mặt trời
Với một tấm pin năng lượng mặt trời có diện tích 3,1m2, tấm pin này có khả năng cung cấp đủ năng lượng để xe có thể đi được quãng đường hơn 64km vào những ngày trời quang mây.
Thêm vào đó, chiếc xe vẫn có thể di chuyển được quãng đường 1600km/lần sạc - xa hơn nhiều so với mẫu xe Tesla Model S Long Range với 652km được đánh giá là có cự ly di chuyển tốt nhất hiện nay.
Bên cạnh sử dụng năng lượng mặt trời, xe điện nói chung hoàn toàn có thể vừa đi vừa sạc bằng các phương thức khác như: phanh tái sinh, sạc không dây.
Khi xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống không thể vừa đi vừa nạp năng lượng, những chiếc xe điện đang dần cho thấy những thế mạnh 'ăn đứt' xe xăng.
LOẠI PIN VINFAST MỚI HỢP TÁC ĐỂ SẢN XUẤT 'SẠCH' CỠ NÀO?
Mới đây, VinFast đã ký thỏa thuận hợp tác với một công ty chuyên sản xuất pin tới từ Trung Quốc là Gotion High-Tech.
Theo đó, VinFast và Gotion High-Tech sẽ phối hợp để nghiên cứu, phát triển và sản xuất loại pin Lithium - Sắt - Phốt phát (còn được gọi là Lithium Ferrophosphate - LiFeSO4).
Riêng đối với pin LFP thì cách thức sản xuất của loại pin này được coi là 'sạch' và hợp lý hơn các loại pin khác hiện nay.
Hiện nay, theo ý kiến của ông Caspar Rawles (người đứng đầu bộ phận thẩm định giá cả và thông tin tại công ty tư vấn hàng đầu thế giới về chuỗi cung ứng Li-ion cho xe điện Benchmark Mineral Intelligence) thì hầu như chỉ có Trung Quốc đang sử dụng loại pin LFP này.
Trong khi đó, các nhà sản xuất tại châu Âu và Mỹ đang sử dụng chính 2 loại pin là NCA (Niken - Cô-ban - Nhôm) và NMC (Niken - Mangan - Cô-ban). Thực tế, gần như chỉ có Tesla sử dụng chính loại pin NCA, còn các nhà sản xuất khác thường sử dụng NMC.
Tuy vậy, các loại pin NCA và pin NMC này hiện đang tạo nên nhiều tranh cãi trên trường quốc tế. Lý do là bởi cô-ban là một trong các kim loại hiếm với nguồn cung hạn chế, bên cạnh đó là các vấn đề khai thác chưa đảm bảo an toàn lao động và chưa thân thiện với môi trường. Điều này dẫn tới giá cao, gây ảnh hưởng cả ở phía khai thác lẫn bên sử dụng.
Trái lại, pin LFP lại tỏ ra 'thân thiện' hơn với cả 2 phía.
Nguyên nhân chủ yếu tới từ việc pin LFP có thành phần chính là sắt - nguyên tố nhiều thứ 4 trong vỏ Trái Đất. Bởi dồi dào tài nguyên và dễ khai thác nên pin LFP có một ưu điểm rất lớn so với pin NCA và pin NMC là giá thành dễ tiếp cận. Điều này là tiền đề để đi tới một kết quả rất tươi đẹp cho ngành xe điện nói chung: Giúp xe điện trở nên 'gần gũi' với người dùng hơn.
Thêm vào đó, theo một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (United Nation Environment Program - UNEP) thì tỷ lệ sắt được tái chế lên tới hơn 50%, và vẫn còn khả năng để tái chế nhiều hơn.
Như vậy, với nguồn cung dồi dào và khả năng tái chế tốt, pin LFP cho thấy rõ đây là một trong các giải pháp 'sạch' để có một môi trường bền vững, hướng tới tương lai.