Công nghệ sạc không dây hiện nay chúng ta biết tới thường thấy trên các sản phẩm điện tử, giúp cho quá trình sử dụng tiện lợi hơn rất nhiều so với việc cắm dây sạc. Sắp tới, công nghệ sạc không dây có thể áp dụng cho cả ô tô điện, loại bỏ mối lo về việc không đủ trạm sạc trên đường.
Cụ thể, Cục Giao thông của bang Indiana – Mỹ vừa mới thông báo về việc sẽ triển khai xây dựng hệ thống sạc không dây dành cho ô tô điện.
Thực tế, công nghệ sạc không xây cho ô tô điện cũng đã được các hãng xe nghiên cứu từ trước, như BMW, KIA, Jaguar. Chỉ có điều, công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm, chưa tới bước áp dụng đại trà.
Tấm sạc không dây của Magment chứa các hạt ferrite tái chế từ rác thải điện tử, thường sử dụng làm nam châm. Ảnh: Magment
Để thực hiện kế hoạch này, Cục Giao thông bang Indiana sẽ cùng triển khai với Đại học Purdue và công ty Magment của Đức chuyên sản xuất xi măng từ tính.
Theo kế hoạch, họ sẽ triển khai thí điểm một đoạn đường khoảng 400m tích hợp công nghệ sạc không dây, giúp các xe dù đang di chuyển hay đang dừng đỗ có thể sạc một cách dễ dàng.
Từ thí nghiệm tới thực tiễn sẽ có 3 giai đoạn phải thực hiện.
Giai đoạn 1 và 2 thử nghiệm và đánh giá đa phần sẽ do Đại học Pardue đảm nhiệm. Giai đoạn 3 là thử nghiệm trên đường phố công cộng.
Trong bước thử nghiệm, công nghệ sạc của Magment sẽ được áp dụng với xe tải hạng nặng, sạc với công suất từ 200kW trở lên.
Sau khi thành công sẽ áp dụng đại trà trên một đoạn đường cao tốc. Địa điểm thực hiện nghiên cứu chưa được công bố, nhưng công nghệ này được dự đoán sẽ giúp cho cả những chiếc xe điện phổ thông như của VinFast, Ford hay Volkswagen vừa đi vừa sạc.
Tất nhiên, những chiếc xe điện cũng sẽ phải có những trang bị phù hợp để sử dụng tính năng này, ít nhất là cũng trang bị cuộn dây thứ cấp giống cấu tạo trên những chiếc điện thoại có thể sạc không dây.
Ngoài các thông tin hạn chế và chung chung về kế hoạch, các mốc thời gian thực hiện cũng chưa được công bố.
Với thông tin như vậy, chúng ta chỉ biết chờ đợi xem dự án này thành công tới đâu mà thôi, tuy nhiên khi công nghệ này đang có những bước đột phá mới thì cũng là một điều đáng mừng.