Toan tính của ông Trump khi mạnh miệng đòi "hủy diệt" Triều Tiên tại LHQ

Thi Anh |

"Những gì chúng tôi nói về việc quân đội Mỹ hủy diệt Triều Tiên đã bộc lộ sự lo lắng đến mức tuyệt vọng của Lầu Năm Góc", cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ Karen Kwiatkowski nói.

Sự tuyệt vọng của Lầu Năm Góc

Chia sẻ với Sputnik, cựu chuyên gia phân tích Lầu Năm Góc - Thượng tá Không quân Mỹ về hưu Karen Kwiatkowski cho rằng: Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền của ông đang khiến người dân kích động về Triều Tiên để chôn vùi những tiếng nói phản đối Mỹ tăng cường quân sự.

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, ông Trump đã tuyên bố: Mỹ sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu tình thế bắt buộc. 

Trước đó, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cũng cảnh báo rằng, nước Mỹ có nhiều phương án quân sự để lựa chọn nhằm đối phó với các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng.

Toan tính của ông Trump khi mạnh miệng đòi hủy diệt Triều Tiên tại LHQ - Ảnh 1.

Cựu chuyên gia phân tích Lầu Năm Góc - Thượng tá Không quân Mỹ về hưu Karen Kwiatkowski

"Sự kích động trong dân chúng đang được chính quyền [ông Trump] đẩy lên cao. Tôi cho rằng đây là nỗ lực nhằm chấm dứt hoặc hạn chế sự bất mãn của dư luận", bà Kwiatkowski nói.

Bộ Quốc phòng và các nhà thầu chính của mình đã nhận thấy làn sóng phản đối ngày càng gia tăng trước những khoản chi khổng lồ và vô số hoạt động can thiệp, cũng như chiến dịch của quân đội Mỹ trên khắp thế giới.

"Những gì chúng tôi nói về Triều Tiên, cũng như việc quân đội Mỹ dọa hủy diệt nước này [tại Liên Hợp Quốc] đã bộc lộ sự lo lắng đến mức tuyệt vọng của Lầu Năm Góc và sự phụ thuộc của cơ quan này về mặt kinh tế".

Kéo dài căng thẳng

Mỹ đã nhiều lần tìm cách sử dụng bản thân như một thứ vỏ bọc và nguyên cớ để tiến hành chiến tranh khắp thế giới trong suốt gần 70 năm qua, Kwiatkowski nói, "Khi bước vào các cuộc chiến như từng làm tại Triều Tiên năm 1950, Nam Tư năm 1991, Iraq năm 1990 và 2003, Mỹ đều có được sự bảo trợ hoặc ủng hộ của Liên Hợp Quốc".

Theo nhận định của bà Kwiatkowski, đại sứ Mỹ Nikki Haley đang cố gắng vun vén sự ủng hộ tại Liên Hợp Quốc để phục vụ cho một cuộc chiến tương tự nhằm vào Triều Tiên trong năm nay, nhưng tới giờ bà vẫn chưa thành công.

"Những nỗ lực của bà Haley tại Liên Hợp Quốc được thiết kế để có được sự ủng hộ đông đảo trong mùa hè năm nay. Và có vẻ như Haley đã không thành công, một phần là bởi đối đầu với Triều Tiên cũng tương tự như Mỹ tuyên chiến với Trung Quốc và Nga", bà Kwiatkowski nhấn mạnh.

Cựu quan chức Lầu Năm Góc giải thích: Kế hoạch thất bại một phần là do vị thế và tầm ảnh hưởng của Moscow, cũng như Bắc Kinh đều đã gia tăng trong những năm gần đây:

"Nga và Trung Quốc không chỉ có trong tay khả năng bỏ phiếu chống trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mà còn khẳng định bản thân ở phạm vi toàn cầu, về mặt tài chính cũng như quân sự trong thập kỷ vừa qua" .

Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền của Mỹ tới nay cũng chưa thành công. 

"Cuộc chiến tuyên truyền trong nước của Chính phủ Mỹ và những nhà vận động chiến tranh hầu như không có hiệu quả", bà Kwiatkowski nói, ngay cả nỗ lực nhằm tô vẽ cho mối đe dọa của Triều Tiên đối với đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương cũng thất bại. 

"Thậm chí, khả năng Triều Tiên tấn công tên lửa vào đảo Guam - lãnh thổ Mỹ - một điểm du lịch phục vụ khách hàng châu Á cũng bị nhiều cư dân của Guam coi như cuộc cãi vã vặt vãnh giữa hai chính trị gia bốc đồng, ưa nói khoác".

Toan tính của ông Trump khi mạnh miệng đòi hủy diệt Triều Tiên tại LHQ - Ảnh 2.

Đảo Guam, một vùng lãnh thổ của Mỹ, nơi Triều Tiên khẳng định có thể tấn công bằng tên lửa. Ảnh: Reuters

Bà Kwiatkowski cho rằng, khủng hoảng an ninh Triều Tiên có thể đã được giải quyết nếu nước Mỹ đồng ý kí một hiệp định hòa bình toàn diện, kéo dài với Bình Nhưỡng, điều mà nước này đã không làm kể từ năm 1953.

"Điều cần phải làm để chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên là cùng nhau cam kết vào hiệp định hòa bình giữa Triều Tiên và Hàn Quốc mà thỏa thuận Ngừng bắn 1953 thúc đẩy. Có vẻ Chính phủ Mỹ không thể ủng hộ một hiệp định hòa bình như vậy".

Washington không muốn ký hiệp định hòa bình bởi nếu làm như vậy, Mỹ sẽ không có cơ sở để tiếp tục vận hành những căn cứ quân sự khổng lồ ở Hàn Quốc, bà Kwiatkowski bổ sung thêm.

"Tất nhiên, nếu hiệp định hòa bình được ký kết giữa Bình Nhưỡng và Seoul thì sẽ không còn cần tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc nữa. Bất ký hiệp định nào cũng sẽ buộc Mỹ phải đóng cửa căn cứ tại đó hoặc chuyển giao quyền kiểm soát cho quân đội Hàn Quốc".

Theo bà Kwiatkowski, chính quyền Mỹ đang tìm cách khiến căng thẳng gia tăng. Quân đội Mỹ cần các cuộc khủng hoảng tiếp diễn, bởi Lầu Năm Góc phải đối mặt với tình trạng ngân sách hạn hẹp và tầm ảnh hưởng suy giảm trong những năm tới, khi mà nợ công tăng nhanh, còn kinh tế thì chững lại.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang trong vài tháng trở lại đây, liên quan tới hoạt động thử hạt nhân của Bình Nhưỡng. Hội đồng Bảo an đã tăng cường cấm vận nhằm vào nước này nhưng điều đó không ngăn cản Triều Tiên tiếp tục các cuộc thử nghiệm mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại