Triều Tiên không phải Afghanistan hay Iraq, Mỹ muốn cũng không dám tấn công quân sự

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Mỹ không dám manh động và các nước liên quan cũng sợ chuốc vạ vào thân nên không muốn hùa theo Mỹ tấn công quân sự Triều Tiên.

Thái độ cứng rắn với Triều Tiên

Vụ phóng tên lửa mới đây nhất của Triều Tiên đã làm cho tất cả các bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đến vấn đề hạt nhân và tên lửa của nước này thêm khó xử. Phản ứng của họ, dù đó là Liên hợp quốc, Mỹ, Nga hay Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, ở xa cũng như ở gần khu vực, đều cho thấy sự bối rối và bị động.

Sau khi đã siết chặt thêm mức độ trừng phạt Triều Tiên, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong nghị quyết mới nhất chỉ lên án Triều Tiên lại phóng tên lửa. Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung đồng thời với cuộc tập trận chung của Trung Quốc và Nga ở vùng biển gần Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm và nhất trí gia tăng đến mức tối đa áp lực đối với Triều Tiên. Một số thành viên Liên minh châu Âu vừa làm găng với Triều Tiên vừa hối thúc đối thoại với nước này.

Mỹ bộc lộ tâm trạng bế tắc và nản chí khi lại đề cập nhiều đến và chủ ý nhấn mạnh sẵn sàng tấn công quân sự Triều Tiên.

Đáng chú ý nhất trong đó là phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis rằng, Washington có không chỉ một mà nhiều phương án tấn công quân sự Triều Tiên và đại diện Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho rằng, HDBA LHQ đã hết cách đối phó Bình Nhưỡng, vì thế hiện chỉ còn giải pháp quân sự.

Nhìn biểu hiện bề ngoài thì tình hình như thể trở nên căng thẳng hơn. Trong thực chất lại không hẳn như vậy. Những đối tác này và Triều Tiên càng khó khăn và khó xử thì càng ít khả năng xảy ra đụng độ quân sự, Triều Tiên và Mỹ càng không sẵn sàng manh động về quân sự.

Tất cả đều biết rằng cứ hành xử như từ trước đến nay thì không thể giải quyết được vấn đề này nhưng tiếp cận giải pháp theo cách khác thì lại chưa được nhất trí. Vì thế, các bên còn tiếp tục cái cũ cho tới khi có cái mới.

Nhưng lực bất tòng tâm

Chuyện xoay quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nhưng trong thực chất là mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Mối quan hệ này liên quan trực tiếp đến những đối tác khác. Đấy là chuyện giữa một bên không còn sự lựa chọn nào khác và một phía lực bất tòng tâm.

Triều Tiên dùng chương trình hạt nhân và tên lửa để xử lý toàn bộ mối quan hệ với Mỹ và biến những đối tác còn lại thành con tin của mối quan hệ này.

Cách suy tính của Triều Tiên ở đây đơn giản chỉ là nếu không làm cho Mỹ sợ và ngại thì sẽ không thể tránh khỏi tình trạng bị Mỹ muốn làm gì thì cũng đều có thể làm được, kể cả bị tấn công quân sự để lật đổ chính thể hiện tại và Mỹ chỉ sợ tiềm lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Cho nên đối với Triều Tiên, chương trình hạt nhân và tên lửa không những được kiên định tiếp tục phát triển bằng mọi giá mà còn không phải là nội dung đàm phán với Mỹ. Cho nên sẽ không thể có được đối thoại và đàm phán trực tiếp giữa hai bên nếu Mỹ cứ bám giữ vào điều kiện tiên quyết đã đặt ra là Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa này.

Trước đây có thể khác chứ còn bây giờ, Triều Tiên chắc chắn sẽ chỉ chấp nhận đổi sự từ bỏ chương trình này lấy sự đảm bảo chắc chắn là không còn bị đe doạ an ninh từ phía Mỹ và đồng minh của Mỹ.

Triều Tiên không phải Afghanistan hay Iraq, Mỹ muốn cũng không dám tấn công quân sự - Ảnh 1.

Từ đó có thể thấy Triều Tiên sẽ không có hành động cụ thể mà chỉ có trong khẩu chiến với Mỹ thể hiện đe doạ trực tiếp an ninh của Mỹ nhưng luôn đủ mức để phía Mỹ hiểu rằng khi cần thì Triều Tiên có thể làm được điều ấy trong khi luôn chứng tỏ có thừa khả năng đe doạ trực tiếp an ninh của Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như cảnh báo Nga và Trung Quốc không thể tránh khỏi bị vạ lây.

Bằng cách ấy, Triêu Tiên răn đe Mỹ và buộc các đối tác kia hành xử sao đó để Mỹ không dám tấn công quân sự Triều Tiên.

Mỹ nhiều lần nhấn mạnh khả năng tấn công quân sự thế thôi chứ trong thâm tâm không suy tính chuyện này thật sự nghiêm túc. Nếu thật sự chủ ý tấn công quân sự Triều Tiên, Mỹ trước đó ít nhất phải sơ tán hàng mấy chục ngàn binh lính Mỹ hiện đang triển khai ở Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ lại còn phải hiệp đồng chặt chẽ và hiệu quả với cả Trung Quốc và Nga chứ không phải chỉ với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mỹ không dám manh động và các nước này chẳng khác gì tự chuốc vạ vào thân nếu hùa theo Mỹ tấn công quân sự Triều Tiên. Cho nên dẫu có muốn lắm đi chăng nữa thì Mỹ cũng không dám tấn công quân sự Triều Tiên. Đối với Mỹ, Triều Tiên không giống như Iran, lại càng không như Afghanistan, Iraq hay Grenada hoặc Panama.

Mỹ càng khó xử với Triều Tiên thì lại càng thất thế trước Trung Quốc và Nga trong vấn đề này. Mỹ bế tắc vì đe doạ quân sự không có tác dụng đối với Triều Tiên mà quân sự được Mỹ coi là đối sách chắc thắng nhất đối với Mỹ, trong khi lại không hoàn toàn tranh thủ và lôi kéo được Nga và Trung Quốc về hẳn phe mình, tức là không sẵn sàng trả đúng giá cho cả Triều Tiên lẫn Trung Quốc và Nga.

Vậy nên chuyện này còn dai dẳng, còn căng thẳng và còn phức tạp trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại