Toàn cảnh Sri Lanka: Bắt đầu giai đoạn khó khăn bậc nhất, cả nghìn người xếp hàng mua gas

Thúy |

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực khi quốc đảo phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế vô cùng tàn khốc.

Người dân xếp hàng mua khí đốt. Ảnh: New York Times

Người dân xếp hàng mua khí đốt. Ảnh: New York Times

Hãng tin Reuters (Anh) cho biết, hàng nghìn người đã xếp hàng để mua khí đốt cho nấu nướng và xăng dầu tại thủ đô của Sri Lanka hôm 20/5.

Đông nghịt người xếp hàng chờ mua khí đốt

Hàng dài người đợi mua khí đốt xuất hiện ở nhiều khu vực của Colombo - thành phố với khoảng 900.000 dân, do người dân cố gắng tích trữ nhiên liệu. Nhiên liệu tại nước này phần lớn là được nhập khẩu và nguồn cung vô cùng hạn chế do chính phủ đã cạn kiệt ngoại hối.

Toàn cảnh Sri Lanka: Bắt đầu giai đoạn khó khăn bậc nhất, cả nghìn người xếp hàng mua gas - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng dài để mua khí đốt. Ảnh: Reuters

Mohammad Shazly - một tài xế bán thời gian đã đứng xếp hàng tới ngày thứ 3 với hy vọng mua được khí đốt cho gia đình 5 người. Ông cho biết: "Ở khu vực này, chỉ có khoảng 200 bình được phát ra trong đó có khoảng 500 người. Hàng trăm người khác đang xếp hàng với những chiếc bình rỗng."

Shazly nói: "Không có khí đốt, không có dầu hỏa, chúng tôi không thể làm gì được. Lựa chọn cuối cùng là gì? Không có thức ăn, chúng tôi sẽ chết. Điều đó chắc chắn sẽ xảy ra."

Sri Lanka - quốc gia phụ thuộc vào du lịch - đang phải đối mặt với tình trạng thiếu ngoại hối, nhiên liệu và thuốc men, hoạt động kinh tế đã bị đình trệ.

Toàn cảnh Sri Lanka: Bắt đầu giai đoạn khó khăn bậc nhất, cả nghìn người xếp hàng mua gas - Ảnh 2.

Người lao động chờ đợi xe dỡ các bao tải gạo tại một chợ bán buôn. Ảnh: Reuters.

Phương tiện giao thông công cộng đã bị cắt giảm nhiều và giao thông trở nên thưa thớt bởi hầu hết mọi người đang ở nhà do khan hiếm xăng.

Thủ tướng Wickremesinghe cũng cảnh báo về tình trạng khan hiếm lương thực và đã hứa sẽ mua đủ phân bón cho vụ gieo trồng tiếp theo để tăng năng suất và đáp ứng nhu cầu của 22 triệu dân.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã ra quyết định vào tháng 4 năm ngoái về việc cấm tất cả các loại phân bón hóa học. Điều này đã khiến năng suất cây trồng giảm đáng kể. Và mặc dù chính phủ đã ra các quyết định đảo ngược lệnh cấm, nhưng vẫn chưa có hoạt động nhập khẩu đáng kể nào được thực hiện.

"Mặc dù có thể không có thời gian để mua phân bón cho vụ mùa từ tháng 5 - tháng 8 này, nhưng hiện (chính phủ) đang thực hiện các bước để đảm bảo đủ lượng dữ trữ lương thực cho vụ mùa từ tháng 9 - tháng 3," thủ tướng nước này cho biết trong một thông báo trên Twitter vào hôm 19/5.

Toàn cảnh Sri Lanka: Bắt đầu giai đoạn khó khăn bậc nhất, cả nghìn người xếp hàng mua gas - Ảnh 3.

Một người bán hàng ăn bánh mì khi đợi khách ở chợ rau. Ảnh: Reuters

Nhật Bản, quốc gia có quan hệ kinh tế lâu đời với hòn đảo cho hay, họ sẽ cung cấp khoản tài trợ khẩn cấp trị giá 3 triệu USD cho mặt hàng thuốc men và thực phẩm, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao nước này.

Litro Gas - công ty do nhà nước điều hành đang hy vọng sẽ bắt đầu phân phối 80.000 bình khí đốt mỗi ngày nhưng có tới 3,5 triệu bình khí đốt đang bị thiếu hụt trên thị trường, Chủ tịch của công ty, Vijitha Herath, nói với Reuters.

Giá cả của khí đốt phục vụ nấu nướng và của thực phẩm cũng như các như yếu phẩm khác đã tăng lên. Giá một bình khí đốt dành cho nấu nướng nặng 12,5kg đã tăng vọt lên gần 5.000 rupee (14 USD, tương đương 324.380 VND) từ mức 2.675 rupee vào tháng 4.

Người dân biểu tình

Sumanavathi - một phụ nữ 60 tuổi, bán trái cây và rau quả ở chợ Pettah của Colombo cho biết: "Tôi không thể đoán trước được mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào trong vòng 2 tháng nữa, với tốc độ này thì chúng tôi có lẽ cũng chẳng còn đứng đây được nữa."

Lạm phát có thể tăng lên tới mức đáng kinh ngạc là 40% trong vài tháng tới. Yếu tố này được đẩy lên cao phần lớn bởi áp lực từ phía cung cấp và các biện pháp của ngân hàng trung ương cũng như chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát từ phía cầu, ngân hàng cho biết.

Lạm phát đạt 29,8% trong tháng 4 với giá thực phẩm tăng 46,6% so với cùng kì năm ngoái.

Khi sự tức giận chống lại chính phủ lan rộng, cảnh sát đã bắn hơi cay và phun vòi rồng để dẹp hàng trăm sinh viên biểu tình ở Colombo hôm 19/5. Những người biểu tình yêu cầu phế truất tổng thống cũng như thủ tướng nước này.

Toàn cảnh Sri Lanka: Bắt đầu giai đoạn khó khăn bậc nhất, cả nghìn người xếp hàng mua gas - Ảnh 4.

Người biểu tình đứng trên xe phun vòi rồng. Ảnh: Reuters.

Toàn cảnh Sri Lanka: Bắt đầu giai đoạn khó khăn bậc nhất, cả nghìn người xếp hàng mua gas - Ảnh 5.

Người biểu tình chạy khi cảnh sát dùng hơi cay để giải tán đám đông. Ảnh: Reuters

Giai đoạn khó khăn bậc nhất

Các nhà chức tránh Sri Lanka hôm 20/5 đã đóng cửa các trường học và yêu cầu các quan chức không đi làm trong một động thái tuyệt vọng để chuẩn bị cho tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng dự kiến sẽ kéo dài trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỉ qua của nước này.

Các nhà chức trách đã thông báo cắt điện trên toàn quốc tới 4 giờ trong 1 ngày vì họ không thể cung cấp đủ nhiên liệu cho các trạm phát điện.

Thủ tướng nước này, ông Ranil Wickremesinghe cho biết, cần 75 tỷ để giúp cung cấp các mặt hàng thiết yếu, nhưng kho bạc nước này đang vật lộn để tìm kiếm dù là 1 tỷ USD.

Giám đốc tài chính của nhóm 7 cường quốc (G7) cho biết, nhóm này ủng hộ các nỗ lực xóa nợ cho Sri Lanka.

Điều gì đã gây ra suy thoái kinh tế ở Sri Lanka?

Các chuyên gia cho rằng, cuộc khủng hoảng này không diễn ra trong một sớm một chiều. Murtaza Jafferjee, chủ tịch Viện Advocata của tổ chức tư vấn Sri Lanka, nói với CNN rằng trong 10 năm qua, chính phủ đã phải vay một lượng lớn tiền từ các tổ chức cho vay nước ngoài để tài trợ cho các dịch vụ công.

Đồng thời, nông nghiệp bị ảnh hưởng do gió mùa và lệnh cấm phân bón hóa học. Đại dịch Covid-19 đã làm phức tạp thêm nhiều vấn đề, và trong nỗ lực nhằm kích thích nền kinh tế, thuế đã được cắt giảm. Điều này khiến nguồn thư của chính phủ bị cắt giảm nghiêm trọng.

Tại sao lại xảy ra tình trạng thiếu gas?

Tạp chí The Week cho biết, hầu hết nhiên liệu ở Sri Lanka được nhập khẩu, và vì cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước, Sri Lanka không có đủ tiền để trả cho các chuyến hàng nhiên liệu. Chính phủ thậm chí không có 5 triệu đô la để nhập khẩu xăng.

Giá dầu cũng đang tăng khiến tình hình càng trở nên khó khăn. Tờ The New York Times đưa tin, người dân đã không có gas nấu ăn trong vài tuần và các trạm xăng liên tục phải từ chối khách hàng do thiếu nhiên liệu.

Có nhiều con tàu chở nhiên liệu ngoài khơi đang chỉ chờ thanh toán hàng hóa và Thủ tướng Wickremesinghe cho biết hạn mức tín dụng của Ấn Độ sẽ được sử dụng để mua hai chuyến hàng xăng và hai chuyến dầu diesel. Điều này sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu nhiên liệu tạm thời.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra, vài tháng tới "sẽ là những tháng khó khăn nhất trong cuộc đời của chúng tôi. Chúng tôi phải chuẩn bị và có thể phải hy sinh một số điều để đối mặt với những thách thức trong giai đoạn này."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại