Người dân Sri Lanka xếp gàng mua gas ở Colombo, ngày 8/5/2022. Ảnh: AFP
Sri Lanka vốn được xem là một nước có thế mạnh về xuất khẩu dệt may khi các hàng hóa thuộc ngành này chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka cùng với tình trạng cắt điện kéo dài, chi phí nguyên liệu tăng cao và thiếu hụt lao động trầm trọng đã khiến quốc gia này gặp khó khăn trong việc đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.
Ngành dệt may “điêu đứng” vì khủng hoảng
Anthony, chủ một cơ sở dệt may nhỏ ở Moronthuduwa, cho biết."Tôi chưa bao giờ thấy tình trạng này diễn ra trong suốt 20 năm sự nghiệp của mình". Đứng trước những khó khăn dường như không thể tháo gỡ, anh dự tính sẽ rời bỏ nghề kinh doanh may mặc, điều đó đồng nghĩa với việc các công nhân làm việc trong xưởng sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp tạm thời và ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế của gia đình công nhân. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều chủ kinh doanh và công nhân ngành dệt may ở Sri Lanka giữa thời điểm nước này chìm sâu trong khủng hoảng.
Chịu ảnh hưởng nặng nề như nhiều ngành khác trong đại dịch Covid-19, ngành dệt may ở nước này được cho là đang trên đà phát triển trở lại vào đầu năm nay khi nhu cầu hàng hóa tăng lên sau khi dịch bệnh được kiểm soát tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Theo số liệu thống kê, mức thu nhập từ việc xuất khẩu hàng hóa của các nhà sản xuất hàng may mặc đã chạm mốc 514 triệu USD trong tháng 1/2022, tăng 22% so với tháng 1 năm ngoái.
Tuy vậy, khủng hoảng tài chính bất ngờ ập đến đã chặn đứng cơ hội phục hồi kinh tế của quốc gia vừa trải qua đại dịch khủng khiếp nhất lịch sử và xóa sạch những thành tựu mà nước này đạt được trong nhiều năm qua.
Hiện nay, Sri Lanka đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948, với nguồn dự trữ ngoại hối giảm 70% xuống còn 2,36 tỷ USD vào hồi tháng 1.
Sự thiếu hụt nguồn ngoại tệ đã khiến quốc gia Nam Á này gặp trở ngại trong việc thanh toán các hàng hóa nhập khẩu bao gồm thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu. Tình trạng cắt điện kéo dài chưa từng có đã khiến hàng loạt ngành công nghiệp sử dụng nhiều điện năng phải đóng cửa, bao gồm cả ngành dệt may, dẫn tới tình trạng gián đoạn xuất khẩu hàng hóa sang phương Tây.
Chính phủ Sri Lanka đang nỗ lực kêu gọi các khoản hỗ trợ từ bên ngoài, song vẫn chưa thể cứu vãn được tình trạng gián đoạn chung của chuỗi cung ứng. Một số thương hiệu lớn trên thế giới đã chuyển hướng sang các thị trường thay thế, chẳng hạn như Bangladesh và Ấn Độ, để lấp đầy khoảng trống.
Phụ nữ ngành dệt may khốn đốn vì mức lương thấp và thất nghiệp
Liên tiếp các cuộc đình công, ngừng hoạt động kinh doanh xảy ra ở khắp nơi trên quốc đảo 22 triệu dân này. Trong đó, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất chính là những người phụ nữ làm việc tại các xưởng mặc mặc. Thống kê cho thấy cứ 10 lao động trong lĩnh vực dệt may thì có khoảng 8 người là phụ nữ và hầu hết đều đến từ các vùng nông thôn để tìm việc làm. Nhiều phụ nữ nông thôn vốn đã được trả mức lương thấp nay phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp, khiến họ phải đi vay nợ hoặc làm thêm để kiếm sống qua ngày.
Charika Fernando, 22 tuổi, cho biết: "Một bộ trang phục mang thương hiệu xa xỉ được may trong nhà máy đáng giá bằng tiền lương một tháng của chúng tôi. Khi họ [giới chủ] kiếm được hàng triệu USD sau nhiều giờ làm việc gian khổ của chúng tôi, thì số tiền chúng tôi nhận được lại rất ít".
Các tổ chức công đoàn cho rằng tình trạng này là vấn đề vốn đã tiềm ẩn trong nhiều năm và nay được bộc lộ rõ ràng. Vấn đề tiềm ẩn đó chính là sự mâu thuẫn giữa giá trị gia tăng của các thương hiệu nổi tiếng phương Tây với mức lương mà các công nhân châu Á nhận được để sản xuất hàng hóa cho họ.
Cô Jasintha Nilmini, người làm việc tại một nhà máy chuyên sản xuất đồ nội y, cho biết: “Chúng tôi phải chi hơn một nửa số tiền lương của mình cho việc đi lại từ nhà đến nơi làm việc ... hầu như không có đủ tiền lương để nuôi sống gia đình”.
Fernando, một người phụ nữ đang làm việc trong nhà máy sản xuất quần áo cho các nhãn hiệu lớn, chia sẻ: “Mẹ tôi làm nghề cắt may và ủi quần áo. Từ kinh nghiệm của mẹ tôi, tôi hiểu công việc này vất vả như thế nào”. Tuy nhiên, cô vẫn đi theo con đường đó, chọn công việc may mặc là cách thoát nghèo tốt nhất. Tiền lương tháng 3 cô nhận được là 40.000 rupee, song đó cũng không phải là một số tiền dư dả khi mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn.
Cô cho biết: “Vào hồi tháng 2, theo yêu cầu của công đoàn, chúng tôi được tăng lương thêm 2.500 rupee. Nhưng ngay trước khi tăng lương, chủ nhà của tôi đã tăng tiền thuê phòng lên 15.000 rupee/tháng.” Thêm vào đó, khối lượng công việc của cô ấy cũng tăng lên, thời gian làm việc là 12 giờ mỗi ngày và sáu ngày mỗi tuần.
"Các chỉ tiêu đã tăng lên. Nếu không đạt chỉ tiêu, chúng tôi sẽ phải tăng ca 4 tiếng. Các chủ nhà máy hẳn đã gặt hái được mùa. Có những khoảnh khắc tôi bật khóc vì tuyệt vọng. Chúng tôi không có chế độ đãi ngộ cho những ngày ốm đau. Chúng tôi không có kỳ nghỉ," cô chia sẻ thêm.
Vấn đề sử dụng lao động
Hiện nay, người lao động từ Trung Mỹ đến Nam Á, đều đang phải chịu nhiều thiệt thòi vì cường độ làm việc cao cùng với điều kiện lao động tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng mức lương nhận được lại rất thấp. Điều này được xem là một thực trạng nhức nhối đằng sau ngành công nghiệp thời trang đầy hào nhoáng.
Cuộc sống của những người công nhân dệt may vốn bấp bênh, song đại dịch lại càng làm khiến họ thêm “điêu đứng”. Báo cáo của một nhóm quyền lao động toàn cầu cho biết trong tháng 5, hàng nghìn công nhân may mặc đã phải đối mặt với tình trạng bị bóc lột và phải làm việc trong điều kiện tiềm ẩn đầy rủi ro và nguy cơ do dịch bệnh bùng phát lan tràn tại các nhà máy.
Trên thế giới, trước một loạt các thảm họa nghiêm trọng tại các xưởng dệt may, cùng với các báo cáo về tình trạng lạm dụng lao động trong chuỗi cung ứng và sự lên ngôi của “thời trang sinh thái” – thời trang thân thiện với môi trường, nhiều người tiêu dùng đã ngừng sử dụng các sản phẩm thời trang “ăn liền”, giá rẻ để mua những sản phẩm có giá thành cao nhưng chất lượng hơn. Điều này càng thúc đẩy nhu cầu hàng hóa đối với những sản phẩm thời trang đến từ các thương hiệu uy tín.
Khi nhu cầu hàng hóa tăng lên thì vấn đề sử dụng lao động tại các xưởng may mặc lại càng đáng quan tâm. Bà Padmini Weerasooriya, người bảo vệ công nhân may mặc ở Sri Lanka, đã bày tỏ mối lo ngại rằng cách thức hoạt động của các doanh nghiệp thời trang có thể gây ảnh hưởng đến quyền của phụ nữ. "Chúng tôi muốn tất cả những người làm việc trong ngành may mặc phải được trả một mức lương công bằng," bà cho biết./.