Tình báo phương Tây nói Iran tiến gần đến vụ thử hạt nhân đầu tiên

Hoàng Trang |

Những thông tin tình báo mới đây của Đức, Hà Lan và Thụy Điển đã đề xuất khả năng Iran đang tiến gần hơn đến vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên.

Tình báo phương Tây nói Iran tiến gần đến vụ thử hạt nhân đầu tiên - Ảnh 1.

Các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Natanz, Iran. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo trang Oilprice, cộng đồng tình báo của các nước châu Âu đã đề cập đến việc Iran đang đạt được bước tiến trong chương trình hạt nhân của nước này, cũng như là sắp sửa đạt được vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên. Giới quan sát dự báo động thái đó có thể tác động đến tình hình kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này và thị trường dầu mỏ thế giới.

Hai tuần trước, giá dầu đã tăng lên sau khi xuất hiện những tình tiết cho thấy Mỹ và Iran đạt tiến triển trong việc nối lại đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân. Điều này tương đương với khả năng những lệnh trừng phạt nhắm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran có thể được nới lỏng.

Tờ Haaretz của Israel khẳng định các cuộc đàm phán đang phát triển nhanh hơn dự tính, với tiềm năng đi đến một thỏa thuận chung trong vòng vài tuần tới.

Các điều khoản của thỏa thuận giữa Washington và Tehran có thể bao gồm việc Iran ngừng hoạt động làm giàu urani ở mức 60% và cao hơn để đổi lấy việc được phép xuất khẩu tới 1 triệu thùng dầu/ngày.

Nhưng giờ đây, một báo cáo gây nhiều tranh cãi tuyên bố rằng Iran sắp thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên lại xuất hiện.

Các báo cáo tình báo riêng biệt do Đức, Hà Lan và Thụy Điển công bố trong nửa đầu năm nay cáo buộc Iran đã liên tục tìm cách sở hữu công nghệ cho chương trình hạt nhân và thiết bị tên lửa đạn đạo. Cơ quan An ninh Tổng hợp và Tình báo Hà Lan tuyên bố rằng những tiến bộ hạt nhân của Tehran, trong đó có việc làm giàu uraniu, đem đến khả năng Iran có thể thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên sớm hơn.

Cơ quan tình báo của Hà Lan xác định rằng Iran đang triển khai các máy ly tâm làm giàu urani ngày càng tinh vi hơn, đồng thời mở rộng khả năng làm giàu chất phóng xạ này. Quan điểm đó cũng các cơ quan tình báo Thụy Điển và Đức đồng tình.

Triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đã thay đổi đáng kể, từ gần như chắc chắn vào tháng 3/2022 xuống gần như bằng không vào cuối năm ngoái, và bây giờ triển vọng đó đã tươi sáng trở lại.

Tình hình kinh tế tồi tệ của Iran cuối cùng có thể buộc nước này phải chấp nhận giám sát và ký kết một thỏa thuận hạt nhân mới sớm hơn dự tính. Dự trữ ngoại tệ của Tehran đã giảm đáng kể từ 122,5 tỷ USD năm 2018 xuống chỉ còn 20 tỷ USD vào năm 2021 trước khi phục hồi lên 41,4 tỷ USD vào năm 2022. Với tốc độ rút vốn bằng ngoại tệ ra khỏi Iran ở mức gần 5 tỷ USD mỗi tháng, Iran đang ở trong tình thế không mấy khả quan.

Có báo cáo rằng chiến lược của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với tham vọng hạt nhân của Iran đã chuyển từ phòng ngừa sang ngăn chặn, giúp con đường đạt được một thỏa thuận mới dễ dàng hơn sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố từ bỏ cách đây 5 năm.

Ông Heshmatollah Falahatpisheh, từng đứng đầu Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia tại Quốc hội Iran, đã tuyên bố rằng chính quyền Mỹ có thể "nhắm mắt làm ngơ" trước một số thỏa thuận năng lượng và cho phép giải phóng một số quỹ bị đóng băng của Iran.

Đổi lại, Iran sẽ kiềm chế không mở rộng chương trình hạt nhân hơn mức hiện tại. Nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, đã nói rằng một thỏa thuận với phương Tây có thể diễn ra miễn là nó không động chạm đến cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran.

Người ta nghi ngờ liệu Mỹ có sẵn sàng làm ngơ nếu Iran thực sự thử một đầu đạn hạt nhân hay không.

Đáng chú ý, dầu thô của Iran đang tràn ngập thị trường, mặc dù vẫn đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Xuất khẩu dầu thô của nước này đã vượt 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 5, mức cao nhất kể từ năm 2018. Tháng trước, Tehran cho biết họ đã tăng sản lượng dầu thô lên trên 3 triệu thùng/ngày, một lần nữa là mức cao nhất kể từ năm 2018.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại