Tiểu đường thai kỳ có tự hết sau khi sinh con?

Mộc Trà |

Mang thai ở tuần 22, sản phụ 43 tuổi mắc đái tháo đường tuýp 2. Nhưng sau sinh 1 năm, bà mẹ bỉm sữa đã tự khỏi bệnh nhờ bí quyết riêng.

Chia sẻ từ mẹ bỉm sữa Nguyễn Thị Thanh (43 tuổi), chị đã vượt qua thời kỳ thai nghén an toàn cán đích mẹ tròn con vuông, đồng thời "đẩy lùi" được bệnh đái tháo đường tuýp 2. Hiện tại, đường huyết của chị trở về mức ổn định, không cần dùng thuốc.

Chị Thanh kể, khi mang thai ở tuần 22, chị phát hiện đường máu tăng cao nên phải chuyển qua chuyên khoa nội tiết, đái tháo đường để điều trị. Mỗi ngày chị Thanh phải tiêm 4 mũi insulin, tổng liều insulin cao nhất tới 60 đơn vị/ngày.

Đến tuần thai thứ 38, chị Thanh tiến hành sinh mổ chủ động, con nặng 3kg. Sau sinh 6 tuần, kết quả kiểm tra lại cho thấy chị bị mắc đái tháo đường tuýp 2 (Glucose máu sau uống đường 16.62 mmol/L). Chị tiếp tục được điều trị bằng insulin trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Sau khi cai sữa cho con, bác sĩ chuyển sang điều trị bằng thuốc viên, đường máu chị luôn được duy trì ở mức thấp.

TTƯT.TS.BS Hoàng Kim Ước, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ở thời điểm đó, các bác sĩ quyết định ngưng thuốc điều trị đái tháo đường cho chị Thanh.

"Thay vào đó, các bác sĩ tư vấn bệnh nhân ăn uống, bổ sung nhiều rau xanh, ăn nhiều thực phẩm có chất béo tốt, hạn chế ăn đường, tinh bột,... kết hợp các bài tập luyện. Sau 3 tháng không dùng thuốc, đường máu của chị vẫn ở mức bình thường (Glucose máu lúc đói 5.09mmol/L, glucose máu sau ăn 7.4mmol/L, HbA1C 5.63%)", BS Ước cho hay.

Tiểu đường thai kỳ có tự hết sau khi sinh con? - Ảnh 1.

Sản phụ mắc tiểu đường thai kỳ cần được tư vấn kỹ lưỡng. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ ở những sản phụ hiếm muộn

Tiến sĩ Ước cũng chia sẻ thêm về một trường hợp hiếm muộn khác đang mong con bằng phương pháp IVF bị mắc đái tháo đường. Do đường máu cao, mất kinh, nhiều năm nay người bệnh không thể có thai tự nhiên. Điều kỳ diệu là sau khi được TS Ước điều trị bằng tiêm insulin và thuốc viên, đường máu của người bệnh trở về bình thường, kinh nguyệt có trở lại thì bệnh nhân đã mang thai tự nhiên. Tuần thai thứ 38, chị sinh con nặng 3kg, sức khỏe 2 mẹ con ổn định.

Đái tháo đường thai kỳ hay tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao ở một số phụ nữ trong thời gian mang thai. Do sự thay đổi nội tiết của cơ thể mẹ dẫn đến tăng đề kháng với insulin, khiến lượng đường máu trong cơ thể mẹ cao hơn mức bình thường, bệnh thường phát triển từ tuần thai thứ 24 - 28.

TS Ước cho biết, người bị đái tháo đường trong thai kỳ sau khi sinh con thì đường máu cũng có thể trở về bình thường. Tuy nhiên, thai phụ sẽ tăng nguy cơ bị bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai. Thậm chí, nếu không điều trị tốt đái tháo đường ở mẹ sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh đái tháo đường ở con, đồng thời gây ra những biến chứng sức khỏe cho cả mẹ lẫn con.

Em bé sinh ra từ một bà mẹ có đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ bị suy hô hấp, hạ đường huyết khi chào đời, tử vong ngay sau khi sinh, nguy cơ béo phì và tiểu đường tuýp 2 khi trưởng thành.

Bệnh đái tháo đường thai kỳ hiếm khi biểu hiện triệu chứng rõ rệt và thường được phát hiện trong những lần thăm khám định kỳ của thai phụ. Tuy nhiên, những triệu chứng cần lưu tâm bao gồm: tiểu nhiều lần trong ngày, mệt mỏi, mờ mắt, khát nước liên tục, ngủ ngáy, tăng cân quá nhanh so với khuyến nghị. Nguy cơ cao hơn nếu thai phụ trên 35 tuổi, thừa cân béo phì trước khi mang thai, có người thân ruột thịt mắc tiểu đường tuýp 2, mắc tiền tiểu đường, có tiền sử sinh con to trên 4kg…

Để giảm thiểu tối đa biến chứng cho mẹ và bé do tình trạng đái tháo đường thai kỳ, TS Hoàng Kim Ước nhấn mạnh phương pháp điều trị quản lý đường máu trong thai kỳ là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, cần theo dõi sát sao trọng lượng của em bé trong những tuần thai cuối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại