Cứ 6 người thì có 1 người bị vô sinh: Tuổi nào cần đi khám?

XT |

Trên toàn cầu, ước tính cứ 6 người thì có 1 người bị ảnh hưởng bởi việc không thể có con vào một thời điểm nào đó trong đời, bất kể họ sống ở đâu.

Cứ 6 người thì có 1 người bị vô sinh: Vô sinh không phân biệt đối xử

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 3/4 thì cứ 6 người lại có 1 người vô sinh. Đây là công trình đầu tiên của WHO về vô sinh trong một thập kỷ qua và là kết quả từ phân tích các nghiên cứu thực hiện từ năm 1990 đến năm 2021.

WHO xác định rằng khoảng 17,5% người trưởng thành trên toàn thế giới bị vô sinh vào một thời điểm nào đó. Con số này có rất ít sự khác biệt giữa các khu vực giàu và những nơi nghèo hơn. Trong lời mở đầu của báo cáo, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, cho biết: "Trên toàn cầu, ước tính cứ 6 người thì có 1 người bị ảnh hưởng bởi việc không thể có con vào một thời điểm nào đó trong đời, bất kể họ sống ở đâu". Ông Tedros cũng cho biết, báo cáo này tiết lộ "một sự thật quan trọng là vô sinh không phân biệt đối xử".

Cứ 6 người thì có 1 người bị vô sinh: Tuổi nào cần đi khám? - Ảnh 1.

WHO đã xem đây là "thách thức sức khỏe lớn trên toàn cầu" và cần thiết phải mở rộng khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sinh sản và đảm bảo vấn đề này không còn bị bỏ qua trong nghiên cứu và chính sách y tế.

Tuổi nào cần đi khám vô sinh hiếm muộn?

Trước thực trạng tỷ lệ vô sinh hiếm muộn chiếm hơn 16% như vậy, nhiều người không khỏi lo lắng về khả năng sinh sản của mình. Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh hiếm muộn. Trong đó, có một nguyên nhân khiến cho tỷ lệ vô sinh hiếm muộn ngày càng tăng là do nhiều cặp vợ chồng chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc khám vô sinh để phát hiện bệnh và điều trị sớm.

Ở Việt Nam, các cặp vợ chồng thường có kế hoạch sinh con khi đã ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sau đó, nhiều cặp đôi lại chỉ dồn sự quan tâm vào chí phí sinh hoạt và cuộc sống sau khi đã có con mà lãng quên sức khỏe sinh sản của mình.

Cứ 6 người thì có 1 người bị vô sinh: Tuổi nào cần đi khám? - Ảnh 2.

Trong khi đó, ở cuộc sống hiện tại có không ít tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, bao gồm cả sức khỏe sinh sản, ví dụ như ô nhiễm môi trường, ăn uống, thói quen sinh hoạt... Bởi vậy, việc thụ thai không phải lúc nào cũng thuận lợi và thành công. Đặc biệt, tình trạng vô sinh thứ phát cũng ngày càng tăng.

Do đó, thăm khám vô sinh hiếm muộn giúp người dân biết rõ tình trạng sức khỏe sinh sản của bản thân. Hơn thế, thông qua thăm khám, các bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân vô sinh và từ đó có hướng điều trị tốt nhất cho từng đối tượng.

Vậy khi nào thì cần đi khám vô sinh hiếm muộn?

ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng, thời gian quan hệ tình dục thực hay thời gian đã quan hệ mà không dính bầu phải tính là thời gian quan hệ về mặt sinh học. "Các nhà khoa học cho rằng, nếu chúng ta quan hệ tình dục thực với nhau, không dùng các biện pháp tránh thai mà trên 1 năm không có bầu thì cần cân nhắc đi khám tìm nguyên nhân để bảo vệ cơ quan sinh sản tốt nhất", BS Thành nói.

Cứ 6 người thì có 1 người bị vô sinh: Tuổi nào cần đi khám? - Ảnh 3.

BS Thành cho biết thêm, với phụ nữ trên 35 tuổi và không thể mang thai sau 6 tháng cố gắng thụ thai thì cần đi khám, kiểm tra ngay vì càng để lâu khả năng sinh sản càng kém đi rất nhiều. Bên cạnh đó, BS Thành cũng nhấn mạnh, những người chuẩn bị lập gia đình cần phải đi khám tiền hôn nhân để nếu 1 trong 2 người mắc bệnh như viêm nhiễm, viêm gan, HIV... thì sớm tìm các biện pháp sàng lọc. Hiện nay, nhờ công nghệ Gen sàng lọc, các cặp vợ chồng có thể sàng lọc các gen nguy cơ dị tật bất thường, từ đó có những giải pháp xử lý sớm nhất.

Triệu chứng vô sinh ở phụ nữ

Các triệu chứng cảnh báo vô sinh thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, các vấn đề về nội tiết tố và những thay đổi ở các cơ quan sinh sản. Một số triệu chứng vô sinh ở phụ dễ nhận biết nhất bao gồm:

1. Chu kỳ kinh nguyệt không đều

2. Dịch âm đạo bất thường

3. Đau vùng chậu

4. Rối loạn nội tiết tố

5. Tiết dịch ở bầu ngực

6. Sẩy thai liên tiếp

7. Bệnh tình dục

8. Béo phì

Để cải thiện sức khỏe sinh sản, bên cạnh việc thực hiện một chế độ sinh hoạt lành mạnh, phù hợp, giữ tinh thần thoải mái và tham gia các hoạt động thể dục hợp lý, người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên có thói quen thăm khám thường xuyên để tầm soát những bệnh lý có thể ảnh hưởng đến việc mang thai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại