Chiến thuật "motor chiến" của phiến quân Syria
Những chiếc motor và xe máy do Trung Quốc sản xuất thường được biết đến với những hỏng hóc kinh niên trên khắp thế giới. Tuy nhiên với lợi thế là giá rẻ, chúng đã trở thành phương tiện di chuyển chính ở nông thôn Syria từ trước khi chiến tranh nổ ra.
Trong bối cảnh giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt trong khu vực phiến quân kiểm soát, người dân cũng đã dần bỏ xe hơi để mua những chiếc motor nhằm tiết kiệm.
Nói cách khác, những chiếc motor Trung Quốc thống trị trên khắp các nẻo đường và đã giúp các cộng đồng dân cư ở nông thôn Syria tiếp tục tiếp cận nguồn cung thực phẩm và hàng hóa trong thời chiến.
Cùng với các chính sách hạn chế nhập khẩu và đánh thuế cao của chính phủ Syria, cũng như việc hạn chế di chuyển từ vùng chính phủ kiểm soát sang vùng phiến quân, giá motor ở Syria cũng tăng chóng mặt và các chợ đen xe máy nhập lậu mọc lên như nấm.
Tại các chợ đen này, phụ tùng có xuất xứ Trung Quốc nhập lậu từ Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ được lắp ráp thành xe máy và motor được "bán đắt như tôm tươi".
Cùng với những chiếc xe bán tải gắn hỏa lực, motor cũng đã trở nên quan trọng đối với phiến quân Syria. Phiến quân đã trưng thu một số lượng lớn motor từ người dân và biến chúng thành những "cỗ máy chiến tranh đô thị".
Bên cạnh xe bán tải, những chiếc motor do Trung Quốc sản xuất cũng là một vũ khí quan trọng của phiến quân Syria.
Motor được cho là đủ nhanh nhẹn để thực hiện các cuộc tập kích bất ngờ vào Quân đội Syria (SAA), thực hiện các cuộc trinh sát và khi cần có thể giúp vận chuyển đạn dược, lương thực cho phiến quân ở trên các chiến tuyến.
Một chiến thuật quen thuộc trong các cuộc giao tranh trên đường phố là phiến quân được chia thành các nhóm nhỏ, cưỡi trên motor và sử dụng súng trường tấn công AK và súng chống tăng vác vai RPG-7 tấn công vào các chốt gác của SAA.
Còn ở khu vực nông thôn trống trải, phiến quân thường mặc quần áo dân sự, tiến về các chiến tuyến và nếu phát hiện lính bắn tỉa hoặc ổ đề kháng của SAA, những "trinh sát viên" này sẽ thông báo vị trí để các nhóm phiến quân cơ động tấn công.
Abdul Baset Sarout (chỉ huy lữ đoàn Homs al-Adyyah thuộc nhóm phiến quân Jaysh al-Izza) tử thương do đạn pháo chỉ vài giờ sau khi điều khiển motor tiến về "Tam giác thép" Tell Mallah, Hama, Syria tháng 6/2019.
"Vũ khí cuối cùng" của IS
Trong những giờ phút cuối cùng của cái gọi là caliphate (nhà nước Hồi giáo) của nhóm khủng bố IS tại bờ đông sông Euphrates, các đợt phản công của IS (nhằm vào cả lực lượng Syria-Nga lẫn người Kurd-Mỹ) chỉ cần hai yếu tố "thiên thời và địa lợi".
"Thiên thời" ở đây thường là các cơn bão cát xuất hiện bất thường ở miền trung và đông Syria. Các cơn bão cát ở hoang mạc khiến các lực lượng vũ trang mất hoàn toàn khả năng quan sát, còn không quân thì không thể xuất kích trong điều kiện thời tiết như vậy.
"Địa lợi" là kết hợp của các căn cứ ẩn sâu trong hoang mạc với các tuyến đường bí mật tiếp cận các khu dân cư và một thứ "vũ khí cuối cùng" đó là motor.
Cũng như phiến quân ở miền bắc, ở miền đông Syria nhóm khủng bố IS sử dụng motor rất hiệu quả, motor có thể di chuyển nhanh, vượt qua các địa hình phức tạp và trong bão cát dễ dàng áp đảo các đoàn xe cơ giới nặng nề với vũ khí hạng nặng như tên lửa, pháo binh và súng máy.
Những chiếc motor cũng được sử dụng cho chiến thuật "hit-and-run" hay "đánh nhanh rút nhanh" trong đêm nhằm vào các khu dân cư, các chốt gác của quân chính phủ Syria.
Cả IS lẫn lực lượng người Kurd đều triển khai lắp đặt súng máy QJC-88 12,7x108mm do Trung Quốc sản xuất lên motor để biến phương tiện di chuyển này thành ổ hỏa điểm.
"Lấy độc trị độc"
Vào ngày 18/2/2019, theo hãng tin Sputnik của Nga, thủ lĩnh của nhóm khủng bố Hayyat Tahrir al-Sham (HTS) Abu Muhammad al-Julani bị thương nặng do một vụ đánh bom kép ở thành phố thủ phủ tỉnh Idlib.
Trùm khủng bố trong tình trạng hôn mê sau đó đã được đưa đến bệnh viện ở tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ (Thổ sau đó đã phủ nhận cáo buộc này).
Mặc dù al-Julani sau đó đã thoát chết, vụ đánh bom chứng minh rằng không chỉ giới hạn ở các cuộc không kích, các lực lượng tiêu diệt khủng bố (Syria-Nga-Mỹ...) đang sử dụng IED (thiết bị nổ tự chế) như một thứ vũ khí hiệu quả để diệt trừ những tên đầu sỏ.
Điều đáng chú ý là theo các nhân chứng ở hiện trường, các IED trong vụ ám sát Idlib được cài đặt trên những chiếc xe hơi và motor.
Việc các lực lượng chống khủng bố cài đặt IED trong xe motor được cho là diễn ra thường xuyên đã biến motor Trung Quốc, từ một thứ vũ khí hiệu quả trong tay các nhóm phiến quân và khủng bố đã trở thành "cái bẫy chết người" cho chính chúng.
Vụ nổ IED thứ 2 trong khi xe cứu thương của nhóm Mũ bảo hiểm trắng (White Helmet) đang chở các nạn nhân (bao gồm thủ lĩnh HTS al-Joulani) trong vụ nổ thứ nhất khỏi hiện trường ở phố Al-Qusour, thành phố Idlib vào tháng 2/2019.