Việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện chính trị, kinh tế và an ninh ở Trung Đông diễn ra vào thời điểm nhiều nước trên thế giới đang tỏ ra lo lắng trước kế hoạch Mỹ rút quân khỏi khu vực.
Diễn biến này khiến giới quan sát đặt ra câu hỏi liệu Nga hay Trung Quốc có khả năng thế chỗ Mỹ với tư cách là một trong những nước bảo trợ an ninh cho khu vực hay không?
Moscow có thể đang rất thu hút sự chú ý của quốc tế qua hoạt động can thiệp vào Syria nhưng thực tế thì nước này chưa thể có đủ khả năng tham gia vào bất kỳ hoạt động nào trong khu vực trong thời gian kéo dài.
Với nền kinh tế chỉ khoảng 400 tỷ USD, ít hơn cả GDP của bang Texas, Nga thiếu khả năng thực hiện cùng lúc các hoạt động quan trọng ở nhiều quốc gia.
Về phía Trung Quốc, mặc dù quân đội nước này đã nhanh chóng được hiện đại hóa, nền kinh tế tiếp tục phát triển nhưng hiện tại cũng khó có thể tham gia vào các hoạt động tự do hàng hải lâu dài ở Vịnh Ả Rập vì những lo ngại chính trị của Bắc Kinh.
Khả năng quân sự
Về năng lực quân sự, đúng là Trung Quốc hoàn toàn có khả năng triển khai tới khu vực một lực lượng đáng kể. Với 33 tàu khu trục, 54 khinh hạm và 42 tàu hộ tống trong kho vũ khí của mình, trong đó hơn 80% được coi là hiện đại, Trung Quốc có đủ lực lượng tàu chiến mặt nước cần thiết để duy trì một cơ cấu khá lớn ở vùng Vịnh.
Mặc dù đến nay Trung Quốc vẫn chưa có tàu sân bay hoạt động đầy đủ (tàu sân bay hiện tại của họ chủ yếu phục vụ mục đích huấn luyện) nhưng đội tàu mặt nước, nếu được một quốc gia bạn bè nào đó cho phép sử dụng cảng thì Bắc Kinh có thể duy trì sự hiện diện thường xuyên trong khu vực.
Theo quân đội Ấn Độ, Hải quân Trung Quốc (PLAN) hiện đang liên tục duy trì một lực lượng gồm từ 6 -8 tàu chiến cỡ lớn ở phía bắc Ấn Độ Dương. Ngoài ra, trong mùa Hè năm 2017, 14 tàu chiến của PLAN cũng đã được phát hiện ở Ấn Độ Dương để tiến hành tập trận bắn đạn thật.
Trong biến động chính trị ở Maldives vào tháng 2/2018, một liên đội gồm 11 tàu chiến của PLAN đã tiếp cận quốc đảo này, mà theo các nhà phân tích Ấn Độ là nhằm ngăn cản New Delhi can dự vào cuộc khủng hoảng.
Đến nay Trung Quốc vẫn chưa có tàu sân bay hoạt động đầy đủ. Ảnh: SCMP
PLAN đã có hơn một thập kỷ kinh nghiệm trong việc thực hiện các cuộc tuần tra chống cướp biển ở vùng Vịnh và tính đến tháng 4/2019, họ đã thực hiện 32 nhiệm vụ hộ tống thành công hơn 6.600 tàu treo cờ Trung Quốc và cờ nước ngoài.
Bắc Kinh cũng đã tăng đáng kể hoạt động ngoại giao quân sự trên khắp thế giới và đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương, nơi các cuộc tập trận quân sự chung của họ đã tăng từ 3 cuộc năm 2013 lên đến 47 cuộc vào năm 2016.
Dựa trên khả năng khuếch trương sức mạnh và sự tham gia của PLAN vào các cuộc tuần tra chống cướp biển ở Ấn Độ Dương trong suốt thập kỷ qua thì rõ ràng Bắc Kinh hoàn toàn đủ năng lực quân sự để thực hiện một số hình thức khuếch trương sức mạnh hoặc duy trì tự do hàng hải ở vùng Vịnh.
Cho dù Trung Quốc thiếu các căn cứ không quân như của Mỹ, nhưng họ có thể xây dựng những cơ sở quân sự như vậy nếu được các chính quyền khu vực mời chào.
Một yếu tố quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là khả năng bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài. Khái niệm "phòng thủ biên cương" của Trung Quốc đòi hỏi PLAN phải có khả năng chiến đấu trên toàn cầu, và do vậy có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ở những nơi xa xôi trên thế giới.
Trên thực tế, năm 2015, chính phủ Bắc Kinh từng tuyên bố rằng Trung Quốc cần có khả năng "bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải".
Tàu ngầm và trực thăng Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh: China Daily
Ý chí chính trị
Mặc dù Quân đội Trung Quốc gần như không thể mạnh bằng quân đội Mỹ nhưng một câu hỏi quan trọng hơn đặt ra ở đây là: Liệu Bắc Kinh có đủ ý chí chính trị để can dự nhiều hơn vào các vấn đề trong khu vực?
Những năm gần đây, Trung Quốc đã phát đi tín hiệu cho thấy vấn đề an ninh hàng hải là yếu tố vô cùng cần thiết đối với quốc gia này.
Sách trắng về chiến lược quân sự của Trung Quốc năm 2015 lập luận rằng, Bắc Kinh cần phải bảo vệ các tuyến đường lưu thông trên biển cũng như các lợi ích hàng hải và yêu cầu PLAN tham gia vào quá trình "bảo vệ các vùng biển mở." Hiện tại, Trung Quốc đang được hưởng lợi rất nhiều từ sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Trung Đông.
Bắc Kinh thường coi quân đội Mỹ là một ví dụ điển hình về chủ nghĩa bá quyền nhưng chính điều đó lại là nhân tố đảm bảo cho các tuyến đường biển an toàn và cởi mở. 95 - 100% trao đổi thương mại của Trung Quốc với Trung Đông, Châu Phi và Châu Âu phụ thuộc vào các vùng biển mở này.
Tàu Hải quân Trung Quốc tham gia nhiệm vụ hộ tống ở vịnh Aden. Ảnh: AP
Nếu Bắc Kinh thực sự muốn can dự sâu hơn vào khu vực, để qua đó bảo vệ được các nguồn cung cấp dầu và thách thức sự hiện diện của Mỹ thì họ cần phải thiết lập các căn cứ quân sự tại đây. Khi đó, đối thủ mà Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối diện chính là Iran.
Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc tham giao vào một số dạng hành động quân sự nào đó chống Iran, nước mà Bắc Kinh đã rót hơn 27 tỷ USD đầu tư giai đoạn từ 2005 - 2018 và lại duy trì các quan hệ chính trị và quân sự mạnh mẽ thì điều đó khó có thể xảy ra.
Việc Mỹ ráo riết thành lập một liên minh bảo vệ hoạt động vận tải biển ở vùng Vịnh với tên gọi "Chiến dịch Sentinel" đã thu hút sự chú ý của Bắc Kinh. Ni Jian, Đại sứ Trung Quốc tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất từng phát biểu: Trung Quốc đang "nghiên cứu đề xuất của Mỹ về các kế hoạch hộ tống ở vùng Vịnh".
Ông Jian cũng nói thêm: "Nếu xảy ra tình huống không an toàn, chúng tôi sẽ xem xét việc điều lực lượng hải quân tới hộ tống các tàu thương mại của chúng tôi."
Tuy nhiên, điều đó rất khó xảy ra xét tới bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ hiện nay. Làm gì có chuyện Mỹ sẽ nghiêm túc hỗ trợ lực lượng chuyên trách đó của Hải quân Trung Quốc!
Kết luận
Cho dù việc Mỹ rút quân khỏi Syria đã khiến các đồng minh và đối tác của họ ở Trung Đông phản ứng khá gay gắt, thậm chí là chỉ trích thì cũng đừng kỳ vọng Washington sẽ rút hoàn toàn khỏi Bán đảo Ả Rập.
Sự phân bổ quy mô lực lượng Mỹ trong khu vực suốt thập kỷ vừa qua cần phải được phân tích và so sánh một cách đúng mức chứ không thể chỉ dựa vào các ngôn từ ở Nhà Trắng.
Ngay cả trong trường hợp Mỹ rút khỏi khu vực, Hải quân Trung Quốc cũng khó mà có khả năng lấp đầy khoảng trống này. PLAN đang tăng cường khả năng hoạt động xa bờ nhưng vẫn còn rất thiếu năng lực không quân yểm trợ cần thiết.
Về mặt chính trị, Bắc Kinh thích ngồi đó để nhìn Mỹ đảm trách vai trò đảm bảo an toàn cho các tuyến đường biển phục vụ hoạt động nhập khẩu dầu và xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc. Nếu không bị buộc phải làm khác thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc, dù vẫn lên tiếng chỉ trích Mỹ nhưng thực tế thì khá hài lòng với nguyên trạng.
Video Trung Quốc phô diễn sức mạnh hải quân