Tiến sĩ về bệnh truyền nhiễm đường hô hấp chỉ cách phân biệt cảm, cúm và viêm mũi dị ứng

Nguyễn Trinh |

Triệu chứng của 3 bệnh trên tương đối giống nhau và thường khó phân biệt rõ ràng, nếu nhận biết được sẽ giúp bạn mua đúng thuốc điều trị, chóng khỏi bệnh hơn.

Khi bạn cảm thấy cơ thể không được khỏe mạnh, có các triệu chứng như chảy nước mũi, hắt hơi, đau rát cổ họng, bạn có thể nghĩ ngay đến bệnh cảm lạnh, cúm hoặc viêm mũi dị ứng.

Theo Tiến sĩ Teresa Hauguel, chuyên gia nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (National Institutes of Health-NIH) cho biết, nếu chúng ta biết rõ được bệnh nào, sẽ không sử dụng sai thuốc, bởi sử dụng sai thuốc không những không hiệu quả, mà còn khiến bệnh tình trầm trọng hơn.

Tiến sĩ Teresa Haugue cũng chỉ ra một loạt các triệu chứng giống, khác nhau, một số thuốc điều trị hiệu quả 3 chứng bệnh nói trên cũng như những chú ý khi tự sử dụng thuốc.

Điểm chung của 3 bệnh: Đều ảnh hưởng đến đường hô hấp

Cả 3 chứng bệnh là cảm lạnh, cúm và viêm mũi dị ứng đều ảnh hưởng đến đường hô hấp, nó khiến việc hít thở của chúng ta gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên những triệu chứng chính của chúng không giống nhau.

Sự khác biệt

Cảm lạnh và cúm đều do virus gây ra

Cảm lạnh và cúm đều do những loại virus khác nhau gây ra, thông thường triệu chứng của bệnh cúm nghiêm trọng hơn so với bệnh cảm.

Cả hai bệnh trên đều có thể gây sổ mũi, nghẹt mũi, ho và đau rát cổ họng, tuy nhiên bệnh cúm còn có thể gây sốt cao liên tục trong 3-4 ngày, đi kèm với triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức toàn thân, những triệu chứng nói trên thường không xuất hiện trong bệnh cảm lạnh.

Tiến sĩ về bệnh truyền nhiễm đường hô hấp chỉ cách phân biệt cảm, cúm và viêm mũi dị ứng - Ảnh 1.

Cảm lạnh và cúm đều gây sổ mũi (Ảnh minh họa)

Viêm mũi dị ứng khác biệt với bệnh cảm lạnh và cúm

Viêm mũi dị ứng khác với hai bệnh nói trên bởi nó không phải do virus gây ra, Tiến sĩ Teresa Hauguel giải thích: "Nó được gây ra bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với những kháng nguyên lạ".

Nếu bạn quá mẫn cảm với một số tác nhân gây dị ứng như bụi, phấn hoa, hóa chất, bông, vải, sợi, lông (chó, mèo, gia cầm), ký sinh trùng (bào tử nấm mốc, bọ chét, mò, mạt…), khói (khói thuốc, khói bếp, khói nhà máy), một số thực phẩm (tôm, cua, ốc...), một số dược phẩm (aspirin, kháng sinh) hoặc do thời tiết (lạnh, nóng đột ngột, ẩm ướt).

Khi tiếp xúc với chúng thì các tế bào miễn dịch ở mũi và khí quản của bạn sẽ có phản ứng mạnh. Hệ hô hấp bắt đầu hoạt động kém, có thể niêm mạc trong mũi bị viêm sưng, hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, nghẹt mũi...

Dị ứng còn có thể gây ngứa toàn thân, chảy nước mắt, các triệu chứng trên không có ở bệnh cảm lạnh và cúm.

Thông thường khi chúng ta không tiếp xúc với môi trường là tác nhân gây dị ứng, thì triệu chứng của dị ứng cũng sẽ mất dần, chẳng hạn những người quá mẫn cảm với phấn hoa, đến mùa nở rộ của một số loài hoa, bệnh dị ứng sẽ kéo dài suốt mùa hoa (có thể từ vài ngày đến vài tuần).

Đối với bệnh cảm lạnh và cúm, thông thường chỉ kéo dài không quá 2 tuần.

Những điều cần chú ý khi tự mua thuốc điều trị

1. Đi khám bác sĩ ngay nếu bệnh kéo dài hoặc uống thuốc nhưng không khỏi

Khi bị cảm lạnh hoặc cúm thông thường, nhiều người đều tự mua thuốc uống, không cần đến bác sĩ để khám và điều trị.

Tuy nhiên, nếu bệnh tình kéo dài từ 10 ngày trở lên, hoặc đã uống thuốc nhưng không khỏi, tốt nhất nên đến cơ sở y tế để khám.

2. Khi điều trị cảm, cúm cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước

Trong quá trình điều trị cảm, cúm, người bệnh cần nghỉ ngơi và uống nước nhiều.

Khi bị cúm thông thường, chúng ta có thể sử dụng các loại thuốc như Aspirin, Acetaminophen, ibuprofen giúp kháng viêm, giảm đau, hạ sốt.

Đối với những người bị viêm mũi dị ứng, thông thường sử dụng các loại thuốc như Antihistamines, decongestants để điều trị.

Tiến sĩ về bệnh truyền nhiễm đường hô hấp chỉ cách phân biệt cảm, cúm và viêm mũi dị ứng - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

3. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc

Khi tự sử dụng thuốc nên chú ý việc uống 2 loại thuốc có cùng thành phần hoạt tính, chẳng hạn khi uống thuốc điều trị chứng nghẹt mũi và nhức đầu, hai loại thuốc trên đều có thành phần Paracetamol, như vậy bạn đã vô tình nạp quá nhiều Paracetamol vào cơ thể.

Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng, chẳng hạn khuyến cáo khi dùng thuốc, tác dụng phụ, liều dùng của thuốc, trong trường hợp có những biến chứng bất thường, cần phải đi khám bác sĩ ngay, đặc biệt là đối với con bạn.

"Bạn cũng nên chú ý tránh việc sử dụng thuốc quá liều hoặc uống từ 2 loại thuốc trở lên có các thành phần kỵ nhau, gây phản ứng làm mất tác dụng của thuốc hoặc gây tác dụng phụ", Tiến sĩ Teresa Hauguel nói.

*Theo Epochtimes, Ntdtv

Xem thêm:

Công thức trị cảm cúm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại