Tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi như thế nào?

NGỌC DUNG - HẢI YẾN |

Các chuyên gia cảnh báo biến thể gây bệnh COVID-19 trong giai đoạn trước khác với giai đoạn này nên trẻ nhỏ hoàn toàn có thể tái nhiễm nếu không bổ sung kháng thể chủ động bằng cách tiêm vắc-xin.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc rà soát, thống kê số lượng trẻ để chuẩn bị kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi khi có đủ điều kiện, cơ sở khoa học. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn thuộc nhóm từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi gồm: Trẻ từ 6 tháng đến dưới 1 tuổi; từ 1 đến dưới 2 tuổi; từ 2 đến dưới 3 tuổi; từ 3 đến dưới 4 tuổi; từ 4 đến dưới 5 tuổi.

Nhiều phụ huynh chưa đồng tình

Cuối tuần qua, nhiều trường mầm non trên địa bàn TP Hà Nội đã lấy ý kiến phụ huynh về việc tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi. Chị Hà Dương, có con đang học lớp mẫu giáo 2 tuổi của một trường mầm non trên địa bàn quận Hoàng Mai, cho biết lớp hiện có 32 cháu thì tới 31 phụ huynh không đồng ý tiêm vắc-xin cho con. Hầu hết phụ huynh đều cho rằng trẻ đã từng mắc COVID-19, biểu hiện bệnh còn nhẹ hơn cả cúm nên không nhất thiết phải tiêm vắc-xin.

Tương tự, chị Trần Thu Trang có con học lớp 5 tuổi cũng cho biết có 70% phụ huynh đánh dấu vào ô "Không đồng ý tiêm" khi được cô giáo lấy ý kiến.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chị L.P (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) có con 3 tuổi cho biết thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cả gia đình chị đều mắc COVID-19. "Lúc đó, con tôi có triệu chứng thoáng qua, bé vẫn ăn, chơi bình thường. Vì vậy, nếu tiêm vắc-xin cho con, tôi thực sự cảm thấy chưa an tâm giữa lợi ích và tác dụng phụ" - chị P. bày tỏ.

Cùng suy nghĩ, chị N.G.L (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) có con gái 2 tuổi, cho biết hiện tỉ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm vắc-xin COVID-19 còn thấp. Do đó, nếu triển khai tiêm cần bảo đảm các đối tượng trẻ lớn hơn đã được bao phủ đầy đủ. Vì vậy, chị cũng sẽ phân vân và thận trọng khi đăng ký tiêm cho con.

Một chuyên gia dịch tễ cho biết để triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 cho nhóm trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi phải bảo đảm có đủ dữ liệu về an toàn, hiệu quả, căn cứ và tình hình dịch tễ. "Bản chất tiêm vắc-xin, nhất là vắc-xin COVID-19, cần phải tính toán cả lợi ích và rủi ro. Nếu nhìn ở góc độ rủi ro thì nhiều người lo ngại nhưng nếu tính về lợi ích thì rõ ràng có. Tiêm vắc-xin COVID-19 là yêu cầu phòng chống dịch. Thực tế, sau chiến dịch tiêm vắc-xin và thực hiện các mũi tiêm nhắc lại, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ cao, thì tỉ lệ bệnh nhân nặng và tử vong đã giảm mạnh" - chuyên gia này phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, Bộ Y tế yêu cầu địa phương lên kế hoạch tiêm chủng đối với nhóm trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, có thể trong quá trình triển khai tiêm chủng sẽ không thực hiện đồng loạt ở tất cả lứa tuổi mà thực hiện tiêm từ lớn đến nhỏ, chẳng hạn sẽ tiêm cho trẻ từ 4 đến dưới 5 tuổi hoặc nhóm từ 3 đến dưới 5 tuổi và thực hiện trước tại một số địa phương.

Tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi như thế nào? - Ảnh 1.

Trẻ em mắc COVID-19 vẫn có thể trở nặng và chịu nhiều di chứng, nên cần tiêm vắc-xin để bảo vệ. Ảnh: HẢI YẾN

Chủ động bổ sung miễn dịch

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết trẻ nhỏ cũng có nguy cơ mắc COVID-19 và khi mắc thì dù ở lứa tuổi nào, bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng, nhập viện, trở nặng, tử vong. Thực tế đã có nhiều trẻ bị tình trạng hậu COVID-19 rất nghiêm trọng đó là hội chứng suy đa cơ quan (MIS-C) phải thở máy, lọc máu và can thiệp ECMO. Đáng ngại là nếu trong gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền thì trẻ nhỏ mắc bệnh cũng là nguồn lây đối với người khác.

Cũng theo PGS-TS Trần Đắc Phu, virus SARS-CoV-2 với biến thể Omicron vẫn được đánh giá là phức tạp. Qua thời gian, miễn dịch tự nhiên giảm dần và những biến thể mới đang xuất hiện. Khi mọi hoạt động đã trở lại bình thường, trẻ đi học và tham gia các hoạt động xã hội khác nên rất dễ mắc COVID-19.

Một số bác sĩ cũng cảnh báo về nguy cơ mắc COVID-19 ở trẻ sơ sinh, trẻ bú mẹ. Theo giới chuyên môn, thực tế trong gia đình có trẻ sơ sinh mắc COVID-19, phụ huynh rất lo lắng và căng thẳng hơn rất nhiều so với người lớn hoặc người già. Đây chính là những lý do chúng ta cần bảo vệ cho nhóm chưa được tiêm vắc-xin này bằng cách cho trẻ tiêm khi ngành y tế triển khai.

Trước lo ngại về việc tiêm vắc-xin cho trẻ ở độ tuổi quá nhỏ, PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng thực tế có những loại vắc-xin đã tiêm ngay sau khi trẻ chào đời như viêm gan B và nhiều loại khác được tiêm khi trẻ mới chỉ 2, 3 và 4 tháng tuổi như vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib... "Nhiều người cũng đặt câu hỏi "con tôi đã mắc bệnh rồi có nên đi tiêm hay không", nhưng các nghiên cứu cho thấy biến thể trong giai đoạn trước khác với biến thể trong giai đoạn này và nhiều người mắc bệnh vẫn tái nhiễm lần 2, lần 3. Vì thế, ai cũng có thể mắc bệnh trở lại nếu không bổ sung kháng thể chủ động bằng cách tiêm vắc-xin" - PGS-TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

TP HCM tiếp tục nâng tỉ lệ bao phủ vắc-xin

Bác sĩ Lê Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, cho biết theo chỉ đạo của Bộ Y tế, trung tâm đã hướng dẫn các quận, huyện trên địa bàn thống kê số trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi. Về cơ bản, các đội tiêm của thành phố đã có sẵn từ những lần tiêm trước nhưng vắc-xin mới, đối tượng mới nên sẽ phải tập huấn để bảo đảm an toàn.

Ở TP HCM, tỉ lệ bao phủ vắc-xin COVID-19 đối với các mũi 3, 4 (nhóm từ 18 tuổi trở lên), mũi 3 (nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi) và mũi 1, 2 (nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi) vẫn còn thấp. Ngành y tế đề xuất xem xét đưa chỉ tiêu tiêm vắc-xin COVID-19 vào tiêu chí thi đua đối với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và các cơ sở giáo dục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại