Tiêm kích tàng hình “diệt mọi mục tiêu” Su-57

Lê Ngọc |

Su-57 là tiêm kích đa nhiệm được thiết kế để vượt qua các hệ thống phòng không của đối phương, phá hủy mọi loại mục tiêu trên, trên mặt đất, trên biển.

“Bóng ma bầu trời” Su-57 - mẫu máy bay quân sự tốt nhất thế giới

Chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, Sukhoi Su-57 (còn có biệt danh PAK FA, hoặc T-50) là máy bay chiến đấu phản lực tàng hình đa năng, hai động cơ, một chỗ ngồi, được phát triển từ năm 2002 để vượt qua các hệ thống phòng không của đối phương, phá hủy mọi loại mục tiêu trên không tầm xa và gần, tấn công các mục tiêu trên mặt đất và trên biển.

Với các máy bay đang có trong biên chế như MiG-31BSM và Su-35, Nga hoàn toàn đủ sức đối phó với các dòng chiến cơ hiện đại nhất của Mỹ như F-22 Raptor và F-35 Lightning II.Tháng 6/2019, Bộ Quốc phòng Nga và Công ty Sukhoi đã ký hợp đồng, theo đó, 76 máy bay Su-57 đầu tiên sẽ được hoàn tất vào năm 2027, dự kiến trang bị cho 3 trung đoàn triển khai tại 3 khu vực chiến lược của Nga nằm ở phía tây bắc, tây nam và vùng Viễn Đông.

Su-57 được Nga chế tạo để đối trọng với các máy bay đang được Mỹ phát triển cho tương lai - chiến đấu cơ thế hệ sáu của Không quân Mỹ, uy lực hơn nhiều so với F-22.

Mẫu Su-57 thử nghiệm sử dụng động cơ phản lực Izdeliye-117, phiên bản Su-57 sản xuất hàng loạt sử dụng động cơ phản lực Izdeliye-30, cung cấp lực đẩy cao hơn 30%, cho phép máy bay hoạt động ở độ cao tới hơn 21 km so với mực nước biển.

Su-57 có chiều dài 19,8m, sải cánh 13,95m, cao 4,74m, trọng lượng rỗng 18 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 35 tấn, tải trọng nhiên liệu 10,3 tấn, tải trọng vũ khí 8 tấn; có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2, bay siêu hành trình Mach 1,6, tầm bay cực đại tốc độ siêu âm 1.500km và 4.500km khi mang tối đa nhiên liệu trong - ngoài; trần bay 20km.

Tương tự như F-22, trên thân Su-57 tích hợp một số cảm biến đặc thù, cho phép phát hiện và cảnh báo về cuộc tấn công tên lửa của đối phương.

Nhưng hơn hẳn F-22, cả thân trên và thân dưới Su-57 được lắp đặt thêm các thiết bị laser có khả năng làm mù đầu dẫn của các tên lửa dẫn đường quang hồng ngoại từ cả trên không và trên mặt đất, phù hợp với tiêu chí phòng thủ và tấn công đa nhiệm - bao gồm khả năng siêu cơ động cao, có thể tàng hình có giới hạn hơn nếu so với F-35 và F-22, nhưng được trang bị các công nghệ tác chiến điện tử hiện đại, cho phép máy bay tránh được các cuộc tấn công bằng tên lửa không đối không tầm xa, tham chiến trong giới hạn tầm nhìn xa hoặc cận chiến.

Khả năng này chưa có máy bay tiêm kích nào có được trong thiết kế nguyên mẫu đầu tiên, kể cả F-35.

Những vũ khí của Su-57

Su-57 có khả năng mang theo một tải trọng vũ khí lớn gồm 14 loại “không đối không” và “không đối đất”, trong đó có 10 tên lửa không đối không - là các mẫu mới tiên tiến nhất như tên lửa tầm xa siêu vượt âm R-37M (tốc độ trên Mach 5, được ra đời để trang bị cho tiêm kích đánh chặn MiG-31BM và Su-57) và K-77.

So với nguyên bản, R-37M được cập nhật nhiều tính năng và công nghệ mới, nổi bật là hệ thống dẫn đường, hoạt động ở 2 chế độ, chủ động (tự động chuyển sang mục tiêu khác quan trọng hơn với sự hỗ trợ từ radar của máy bay phóng thông qua kênh liên kết dữ liệu) và bán chủ động (máy bay đối phương không hề biết rằng mình đang bị tấn công).

K-77 thuộc dòng tên lửa tầm trung R-77 nhưng đã vượt ngưỡng và trở thành tên lửa tầm xa, có khả năng tấn công các mục tiêu trên không cách xa khoảng 192km, gấp 1,75 lần tầm bắn cũ của R-77, vận tốc 4,5M, trần cao đánh chặn từ 20m - 25km.

Bom CAB-250 - “bom thông minh”, được thiết kế riêng cho Su-57 có bộ nhớ chứa hình ảnh mục tiêu cần tấn công, với phần lớn lộ trình bay dưới sự điều khiển của hệ thống dẫn hướng bằng quán tính và khả năng điều chỉnh bằng tín hiệu định vị vệ tinh; ở đoạn cuối, đầu tự dẫn hướng bằng hình ảnh (vào ban ngày) và bằng cảm biến nhiệt (vào ban đêm).

Các tên lửa tấn công các mục tiêu trên bộ và trên mặt nước là tên lửa chống radar định vị gắn đầu tự dẫn hướng bằng radar định vị thụ động Kh-58UshKE (TP) tầm bắn 250km.

Đầu tự dẫn hướng mục tiêu băng thông rộng đối phó với hệ thống radar định vị của địch bằng cách liên tục chuyển tần sóng, có thể hạ gục hệ thống radar định vị của địch cả trong trường hợp ngắt khẩn cấp việc cung cấp năng lượng.

Trong số các tên lửa “không đối đất” được chế tạo cho Su-57, có tên lửa tầm ngắn đa năng Kh-38M (tối đa 40km). Một trong những ưu điểm của Kh-38M là có thể được gắn các loại đầu tự dẫn hướng và đầu đạn theo nhiệm vụ chiến đấu - tiêu diệt sinh lực địch, khí tài bộ binh, các công trình kiên cố, các tàu chiến mặt nước.

Tên lửa không đối đất tầm xa Kh-31 gồm 2 biến thể, trong đó tên lửa chống radar Kh-31P có tầm tấn công 250km và tên lửa chống hạm Kh-31A có tầm tấn công 150km cũng được tích hợp cho Su-57. Gần như tất cả các loại đạn chính xác cao được liệt kê ở trên đã qua thử nghiệm tại Syria trên Su-57.

Trong tương lai, Su 57 sẽ được tích hợp tên lửa tầm xa KS-172 với tầm bắn 400km - kỷ lục thế giới về tầm xa của tên lửa “không đối không”; đồng thời, theo Chương trình Vũ khí Nhà nước Nga giai đoạn 2018-2027, Su 57 sẽ được trang bị những tên lửa siêu thanh sở hữu những đặc tính tương tự như tên lửa "bất khả chiến bại" Kinzhal mà các hệ thống phòng không hiện tại không thể phát hiện được.

Dành riêng cho Su-57, một hệ thống cứu hộ phi công mới đã được phát triển, bao gồm ghế phóng và bộ đồ bay chống quá tải.

Ngoài ra, các thử nghiệm của hệ thống thông tin liên lạc đang được hoàn thành, cấu trúc và cách làm việc khác biệt đáng kể so với trước; công nghệ truyền dữ liệu tốc độ cao tiên tiến và các giải pháp mạng mới đã được áp dụng.

Máy bay được trang bị hệ thống điện tử mạnh nhất từ trước tới nay như radar Byela (tầm trinh sát 400km, theo dõi 60 mục tiêu cùng lúc); hệ thống tác chiến điện tử L402 Himalayas; hệ thống trinh sát quang - học 101KS Atoll, công nghệ radar tiên tiến nhất thế giới hiện nay - mảng pha quét điện tử chủ động AESA, có khả năng tự động đánh giá các tình huống trên chiến trường, có thể phát hiện các mối đe dọa ở trên không, dưới mặt đất và trên biển, nhất là tiêm kích tàng hình đối phương, từ khoảng cách vượt xa bất kỳ hệ thống radar hiện đại nào.

Bản thân Su-57 cũng rất khó bị phát hiện trên các hệ thống radar do nó được bọc bởi một lớp sơn hấp thụ sóng đặc biệt. Vũ khí dẫn đường và không dẫn đường của Su-57 được giấu trong những khoang bên trong máy bay để giảm thiểu bị phát hiện bởi radar.

So với các thế hệ trước, Su-57 kết hợp chức năng của một máy bay tấn công và một máy bay tiêm kích đánh chặn, sử dụng nhiều vật liệu composite, áp dụng các công nghệ tiên tiến và kết cấu khí động học để đảm bảo ít phản xạ sóng radar và tia hồng ngoại, mang lại cho Su-57 sự vượt trội so với các đối thủ… được Tổng thống Nga đánh giá là mẫu máy bay quân sự tốt nhất thế giới.

Với vũ khí tấn công thế hệ mới, Su-57 sẽ có khả năng chế áp phòng không đối phương và tấn công các mục tiêu trên không và mặt đất cực mạnh, góp phần tăng cường khả năng chiến đấu của các lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga.

Đã được thử lửa tại chiến trường Syria

Theo Không quân - Vũ trụ Nga, lô Su-57 đầu tiên gồm 12 chiếc, 4 trong số đó đã được triển khai ở Syria và chỉ trong cuối năm 2018, đã thực hiện hơn 10 chuyến bay nhằm kiểm tra khả năng của các hệ thống vũ khí và trang thiết bị cũng như trí tuệ nhân tạo trong những điều kiện khắc nghiệt khác nhau.

Tiêm kích tàng hình “diệt mọi mục tiêu” Su-57 - Ảnh 1.

Su-57 sau buổi thử nghiệm; Nguồn: wikipedia.org


Việc triển khai đánh dấu sự xuất hiện cùng lúc của 3 chiến đấu cơ mạnh nhất thế giới tại khu vực này - Su-57, F-22 (Không quân Mỹ) và F-35 (Không quân Israel).

Trí tuệ nhân tạo giúp đơn giản hóa việc điều khiển máy bay chiến đấu, mở rộng đáng kể năng lực tác chiến và tính năng siêu cơ động của Su-57 ở chế độ không người lái. Việc sử dụng mẫu thử nghiệm Su-57 ở Syria là cách để Nga tuyên bố rằng tiêm kích này đã sẵn sàng chiến đấu.

Hình ảnh nổi bật nhất của Su-57 khi có mặt ở Syria là vụ phóng thử tên lửa hành trình không đối đất tầm xa Kh-59MK2 (được thiết kế phù hợp với khoang vũ khí) để tấn công ngoài tầm nhìn các mục tiêu cố định của đối phương từ ngoài tầm bảo vệ của các hệ thống phòng không.

Đây là điểm mà Nga được đánh giá đã đi trước Mỹ, bởi F-22 và F-35 vẫn phải không kích thông qua bom đường kính nhỏ GBU-39 SDB.

Tuy nhiên, Su-57 cũng bị nhận xét là đã bộc lộ nhược điểm khi lớp sơn tàng hình của nó không chịu được khí hậu khắc nghiệt tại Syria - nguyên nhân chính khiến Nga phải vội đưa Su-57 về nước, vì điều kiện dã chiến tại Syria không có đủ cơ sở hậu cần để đảm bảo kỹ thuật cho lớp sơn công nghệ cao này.

Theo tờ Izvestia, các thiết bị điện tử vô tuyến của Su-57 đã vượt qua thử nghiệm ở Syria, mang lại sự vượt trội so với các đối thủ.

Dù chỉ triển khai Su-57 tới Syria trong thời gian ngắn, Nga vẫn thu thập được nhiều dữ liệu quan trọng để phát hiện các điểm yếu tiềm ẩn trong thiết kế, từ đó, áp dụng những thay đổi cần thiết để tăng uy lực, cũng như tăng sức hấp dẫn cho Su-57 trên thị trường xuất khẩu.

Theo trang IHS Janes, biến thể xuất khẩu của Su-57 là Su-57E đã nhận được sự phê chuẩn cho phép xuất khẩu của tổng thống Nga, sẽ xuất hiện chính thức tại Triển lãm Hàng không Dubai vào tháng 11/2019. Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, một số quốc gia vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ... đã bày tỏ quan tâm đến chiến đấu cơ này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại