Tỉ phú thế giới “giấu của” ở đâu?

Hoài Vy |

Được xem là trung tâm tài chính châu Âu, Luxembourg chỉ có 626.000 dân nhưng hiện có hơn 140.000 công ty đăng ký. Đây chưa phải là con số đầy đủ và số công ty này là nơi "cất giữ" tài sản ưa thích của giới tỉ phú, nhà đầu tư giàu có.

Hàng chục người giàu nhất thế giới đã “gửi” tài sản gần 30 tỉ USD - từ máy bay và trực thăng đến các trang trại trồng nho và khách sạn sang trọng - vào các công ty cổ phần ở Luxembourg. Đây là trung tâm tài chính châu Âu chỉ có diện tích 2.586,4 km2, bằng một nửa diện tích bang Delaware - Mỹ.

Sau cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng, tạp chí Forbes (Mỹ) đi đến kết luận: Luxembourg được các tỉ phú và giới đầu tư giàu có ưa chuộng nhờ quy định không quá nghiêm ngặt đối với công ty nắm giữ cổ phần, chế độ thuế thân thiện với giới nhà giàu và đội ngũ đông đảo luật sư thuế, nhân viên kế toán và nhà cố vấn và tính bảo mật tương đối cao của nước này (tính đến 2 năm trước).

"Vùng xám" hấp dẫn

Ngoài ra, Luxembourg cũng ký hiệp ước thuế với một số quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc và tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Nhờ đó, quốc gia nhỏ bé này trở thành địa điểm hấp dẫn đối với giới đầu tư tìm cách giảm bớt gánh nặng thuế bằng cách lập công ty nắm giữ cổ phần ở đó.

"Ở Luxembourg có vùng xám này, nơi các cá nhân sử dụng công ty để cất giữ một phần tài sản của họ. Nước này có tình hình chính trị ổn định và một bộ máy pháp lý rất phát triển" – ông Jan Fichtner, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trường ĐH Amsterdam (Hà Lan), chuyên nghiên cứu các trung tâm tài chính nước ngoài, giải thích.

Tỉ phú thế giới “giấu của” ở đâu?  - Ảnh 1.

Tỉ phú Bernard Arnault sở hữu hơn 20 công ty ở Luxembourg. Ảnh: BLOOMBERG

Theo số liệu chưa đầy đủ, có hơn 140.000 công ty đăng ký tại quốc gia chỉ có 626.000 dân này cho đến nay.

Tháng 8-2021, tỉ phú người Pháp Bernard Arnault, người giàu thứ ba thế giới và là chủ tịch Tập đoàn LVMH, đã bán 5,5% cổ phần của mình trong nhà bán lẻ Carrefour (Pháp) với giá khoảng 850 triệu USD.

Theo các báo cáo thường niên, ông sở hữu hầu hết số cổ phần trên thông qua Cervinia Europe, công ty đăng ký ở Luxembourg. Ông Arnault thành lập Cervinia Europe năm 2013 và sau đó chuyển cổ phần của ông ở Carrefour sang cho công ty này từ một thực thể khác ở Luxembourg là Blue Capital.

Blue Capital cũng do tỉ phú Arnault thành lập để giữ cổ phần Carrefour vào năm 2007. Thời điểm đó, ông mua 9,1% cổ phần của Carrefour.

Đó không phải là tài sản duy nhất của ông Arnault "gửi" ở Luxembourg. Ông này hiện sở hữu hơn 20 thực thể có trụ sở tại Luxembourg, nắm giữ các khoản đầu tư tư nhân trị giá 1,6 tỉ USD (tính đến tháng 12-2020).

Những lợi ích chủ yếu

Ông Arnault có thể là người giàu nhất đầu tư thông qua các công ty nắm giữ cổ phần ở Luxembourg nhưng chắc chắn ông không phải là tỉ phú duy nhất làm như vậy.

Các tỉ phú thường sử dụng các công ty cổ phần Luxembourg để đầu tư vào tài sản ở nơi khác. Một số người, chẳng hạn như ông Arnault và ông trùm thời trang Tây Ban Nha Amancio Ortega, nắm cổ phiếu đại chúng, công ty tư nhân hoặc bất động sản thông qua các công ty nắm giữ cổ phần ở Luxembourg, từ đó hưởng lợi từ chính sách miễn thuế cổ tức của nước sở tại.

Tỉ phú thế giới “giấu của” ở đâu?  - Ảnh 2.

Tỉ phú Amancio Ortega, người giàu thứ sáu thế giới, và vợ. Ảnh: CORD MAGAZINE

Những người khác, chẳng hạn ông trùm kim loại Nga Mikhail Prokhorov và tỉ phú Ý John Elkann, sở hữu các tài sản nhỏ hơn như khách sạn hoặc công ty tư nhân thông qua các công ty ở Luxembourg. Thỉnh thoảng, họ đóng cửa những công ty này sau khi hưởng lợi từ các khoản đầu tư mà không phải đóng thuế.

Đối với các tỉ phú nói trên, những lợi ích chủ yếu là được tái đầu tư cổ tức và lợi tức vốn vào các tài sản khác mà không phải đóng thuế. Theo một luật sư thuế ở Luxembourg, cổ tức từ các công ty nắm giữ cổ phần tại nước này thường được tái đầu tư miễn thuế, cho phép nhà đầu tư tận dụng ưu đãi miễn thuế cổ tức 100%.

Trong khi đó, lập một công ty ở nước ngoài không quá tốn kém. Chỉ mất khoảng 5 - 10 triệu USD, người ta có thể lập một công ty và chuyển tiền qua nó, theo ông Thom Townsend, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận minh bạch doanh nghiệp OpenOwnership.

Thực tế là, giới nhà giàu đã "gửi" tài sản ở những nơi như Luxembourg trong hàng thập kỷ qua bằng những cách thức khó phát hiện. Thế nhưng, tình hình đang dần thay đổi từ khi chính quyền Luxembourg thành lập cơ quan đăng ký kinh doanh công khai vào tháng 3-2019 để theo dõi chủ sở hữu có lợi của mọi công ty.

Động thái này diễn ra sau khi Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế công bố "Hồ sơ Panama" về chuyện che giấu tài sản ở nước ngoài.

Những tên tuổi "giấu của" nổi bật

- Ông trùm thời trang Amancio Ortega sở hữu 3,7 tỉ USD bất động sản ở Vương quốc Anh thông qua hai công ty có trụ sở tại Luxembourg.

- Giovanni Ferrero, người giàu nhất nước Ý, sở hữu 75% vốn của đế chế bánh kẹo Ferrero International S.A của gia đình có trụ sở ở Luxembourg. Số cổ phần này ước tính trị giá khoảng 32 tỉ USD.

Tỉ phú thế giới “giấu của” ở đâu?  - Ảnh 4.

Tỉ phú Giovanni Ferrero. Ảnh: Reuters

- Leonardo Del Vecchio, người giàu thứ hai của Ý, nắm giữ phần lớn tài sản ròng của mình và và gia đình (hơn 37 tỉ USD cổ phiếu đại chúng) thông qua Công ty Delfin S.a.r.l tại Luxembourg.

Ông này được cho là thu về ít nhất 5 tỉ USD cổ tức từ cổ phiếu đại chúng thông qua Công ty Delfin trong thập kỷ qua và nhiều khả năng không phải đóng thuế.

- Nữ tỉ phú Pháp Carrie Perrodo, thừa kế Công ty dầu mỏ Perenco của người chồng quá cố Hubert sau khi ông qua đời vào năm 2006, sở hữu các khoản đầu tư của gia đình thông qua một số công ty tại Luxembourg.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại